Phiên chất vấn Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bắt đầu cuối giờ chiều 13/11 nhưng không hề kém nhiệt ngay từ những câu hỏi đầu tiên về vấn đề giá thuốc, giá viện phí…
Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) nêu nghịch lý, giá thuốc đấu thầu ở bệnh viện cao hơn nhiều so với giá thị trường. Việc này để lại hệ quả là gây thiệt hại cho người bệnh, nguy cơ làm vỡ quỹ bảo hiểm y tế, lợi nhuận rơi vào túi các công ty dược. Ông Thường truy vấn nguyên do dẫn đến nghịch lý này.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, bất cập giá thuốc là một thực trạng. Nguyên nhân quan trọng khiến giá thuốc bị đẩy lên là do quá trình lưu thông lòng vòng, qua nhiều khâu trung gian. Các hãng dược cũng bắt tay với thầy thuốc kê đơn thuốc biệt dược nhập ngoại để hưởng chênh lệch.
Hiện tượng kết quả đấu thầu khiến giá thuốc tại bệnh viện cao hơn giá niêm yết công khai trong ngành cũng hoàn toàn biết được. Những sai phạm này, nữ Bộ trưởng xác định, cơ bản do quản lý nhà nước cso nhiều kẽ hở.
Bà Tiến “quy tội” cho thông tư số 10 có từ năm 2007 đã “tiếp tay” cho nhiều đối tượng để đẩy giá thuốc lên. Thông tư này không quy định kết quả đấu thầu thuốc phải thấp hơn giá thuốc kê khai niêm yết trước đó. Đây là nguyên nhân cơ bản.
“Việc đấu thầu thuốc, dù là mặt hàng đặc thù nhưng vẫn được dùng chung văn bản điều chỉnh cho mọi mặt hàng khác” – Bộ trưởng Y tế phàn nàn.
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) lật lại, đầu năm 2012, Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp chấn chỉnh giá thuốc, đã có văn bản hướng dẫn mời thầu giá thuốc tại bệnh viện công nhưng ngịch lý thì mới xuất hiện vào tháng 8 năm nay. Đại biểu đặt vấn đề thái độ của cơ quan chức năng thiếu nghiêm túc khi xử lý hiện tượng này.
Bộ trưởng Y tế thanh minh, thời gian qua Bộ đã hết sức nỗ lực để xây dựng thông tư 01 thay thế thông tư số 10 bộc lộ nhiều kẽ hở, bất cập này. Quy định mới đã chia cụ thể các nhóm thuốc với xuất xứ khác nhau (xuất xử Châu Âu khác xuất xứ từ Châu Á, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc…), buộc giá đấu thầu thấp hơn giá kê khai trước đó.
Ngoài ra, văn bản hướng dẫn việc mời thầu được thiết kế lại đảm bảo tính khách quan tôi đa. Tỷ giá ngoại tệ cũng được quy định rõ ràng để các bên tham gia đấu thầu không thể nhập nhèm biện minh do tỷ giá thay đổi đẩy giá thuốc lên mặc dù thực tế không phải vậy.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng phối hợp với Bộ Tài chính, Công thương, các lãnh sự quán nước ngoài lập danh sách 17.000 loại thuốc để tham khải giá ship (giá gốc tại nước sản xuất), niêm yết trên mạng của Cục quản lý Dược để các bệnh viện tham khảo, chấm thầu.
“Quy định mới đã làm những đơn vị muốn gian lận để “ăn” chênh lệch giá rất khó khăn, vướng. Nhiều hãng dược, bệnh viện thậm chí nói thẳng với chúng tôi là thông tư này hạn chế được tiêu cực” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.
Tuy nhiên, bà Tiến vẫn thừa nhận, các giải pháp dù khá mạnh dạn nhưng vẫn chưa phải là đột phá vì vẫn không minh bạch được mọi khâu. Tương lai luật dược đang xây dựng hướng tới quy định thuốc là mặt hàng thiết yếu (cũng như xăng dầu) cần phải có bộ chuyên ngành quản lý giá (Bộ Tài chính) đảm nhiệm.
Cũng liên quan đến trách nhiệm quản lý thuốc, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) thông tin vừa qua lượng nhập khẩu hợp chất PSE để sản xuất thuốc trị cảm cúm tăng cao bất thường đi kèm với hiện tượng ma túy đá bùng phát, xuất hiện tràn lan ngoài thị trường. Hợp chất này cũng là nguyên liệu để “chế” ma túy đá. Ông Hà dẫn tên một doanh nghiệp ở TPHCM đã nhập PSE với số lượng vượt bình thường đến 4-5 lần.
Nữ Bộ trưởng một lần nữa gật đầu với phân tích của đại biểu về nguy cơ tiền chất PSE để sản xuất thuốc cảm cúm có thể bị lợi dụng để chế biến thành ma túy đá. Bà Tiến cũng cung cấp thêm thông tin, vừa qua, lực lượng Công an đã phá một số vụ án ở Nghệ An, Thanh Hóa, thu gom được lượng lớn thuốc cảm cúm với tiền chất này để chế ma túy đá.
Tháng 8/2011 có loạt đơn của 8 doanh nghiệp tố cáo Cục quản lý dược cấp phép nhập số lượng PSE lớn, có ưu đãi cho một công ty tư nhân đóng tại TPHCM. Tuy nhiên, bà Tiến khẳng định, qua thanh tra không phát hiện sai phạm, tiêu cực trong vụ việc này. Thanh tra Chính phủ, C56 – Bộ Công an cũng vào cuộc thanh kiểm tra và đều kết luận tương tự.
“Đây là vấn đề nghiêm trọng. Không thể nói Bộ Y tế buông lỏng quản lý việc này. Chúng tôi còn sẵn sàng đề nghị Bộ Công an, UBND TPHCM giám sát, điều tra nếu có dấu hiệu, chứng cứ về sai phạm. Nếu phát hiện bệnh thì phải chữa, kể cả ung thư, phát hiện sớm được thì “cắt” hẳn, thà một lần đau” – Bà Tiến quả quyết không bao che cho Cục quản lý dược cũng như các bên liên quan.
Về vấn đề tăng giá viện phí, dịch vụ y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến được dịp phân trần sự cần thiết thay đổi khi đã nhiều năm qua, mức lương đã tăng 8-7 lần, thu nhập bình quân của người dân đã nâng từ mức vài triệu đồng giờ đã hơn 1000 USD/năm, trượt giá cũng tới 34% mà giá viện phí vẫn “dậm chân”.
Bộ Y tế trong 3 nhiệm kỳ qua đều trình đề án tăng viện phí nhưng 8 lần đề nghị đều không được ủng hộ, cho tới vừa qua. Phân tích mọi khía cạnh, bà Tiến khẳng định, tăng giá, người bệnh được lợi vì chất lượng khám chữa bệnh cải thiện, người nghèo được trợ giúp nhiều hơn, ngành y tế cũng hạn chế được tiêu cực…
“Chúng tôi nhiều lần họp ngành, các bệnh viện đều than, nếu Bộ trưởng không thay đổi được giá dịch vụ lần này, các giám đốc bệnh viện mỗi lần tăng lương lại thêm một lần bạc đầu vì đang phải “tự ăn” vào nhiều khoản của mình mới duy trì được bệnh viện dù nhếch nhác, người dân kêu than, cán bộ y bác sỹ phải chạy sô làm ngoài… chưa nói gì đến thái độ phục vụ, y đức” – bà Tiến khẳng định, kéo dài giá viện phí cũ, bệnh viện công không thể tồn tại được.
Tuy nhiên, tăng giá viện phí có đi kèm với việc thay đổi chất lượng khám chữa bệnh, Bộ trưởng Y tế thừa nhận phải… từ từ, cải thiện dần từng bước.