Trang chủ » Tin tức » Y tế » Điểm báo ngày 8/11/2012

Điểm báo ngày 8/11/2012

Thành lập Ban Chỉ đạo Hội thao Kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành Y tế
Chiều 7-11, UBND TP Hà Nội vừa công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Hội thao “Kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành Y tế khu vực Hà Nội lần thứ XXV”. Gồm đại diện các cơ quan, đơn vị, sở, ngành liên quan do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc làm Trưởng ban; Thành đoàn Hà Nội được giao là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo Hội thao đã xây dựng kế hoạch tổ chức Hội thao gồm 4 nội dung: thao diễn kỹ thuật, triển lãm khoa học và công nghệ sáng tạo trẻ ngành y tế; hội thảo “Tuổi trẻ ngành y tế Thủ đô với môi trường văn hóa ử các cơ sở y tế”; tổ chức các đoàn khám bệnh tình nguyện tại các huyện ngoại thành Hà Nội. Dự kiến lễ phát động Hội thao “Kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành Y tế khu vực Hà Nội lần thứ XXV” được tổ chức tại Bệnh viện 103 – Học viện Quân y ngày 21-12-2012. (Hà Nội mới 8/11- trang 7)
 
Người VN ăn bơ, trứng gấp 24 lần sau 20 năm
Phát biểu tại hội thảo về gánh nặng của bệnh đái tháo đường tại VN, được Bộ Y tế và Hội Nội tiết- đái tháo đường VN tổ chức ngày 7-11 tại Hà Nội, GS.TS Nguyễn Thy Khuê, chủ tịch Hội Nội tiết và đái tháo đường VN, cho hay tăng huyết áp, ít vận động, thừa cân, chế độ ăn nhiều chất béo, tinh bột… là những yếu tố nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh đái tháo đường tại VN.
Theo GS Khuê, trung bình cứ 10 năm, số bệnh nhân đái tháo đường ở VN lại tăng gần gấp đôi và hiện ở mức 1,7 triệu người. Con số này dự kiến tăng đến mức 5 triệu người vào năm 2030.
Hiện chất béo chiếm 18,7% năng lượng khẩu phần của người Việt, trong khi lượng rau xanh không thay đổi, hiện ở mức 200 gam/ngày và chỉ bằng 1/2 khuyến cáo của Tổ chức Sức khỏe thế giới. Trong 20 năm qua, lượng trứng, sữa, bơ được sử dụng đã tăng 24 lần. Tuy nhiên do có nhiều thói quen có hại cho sức khỏe như hút thuốc lá, ít vận động, nhóm dân cư thành phố đang mắc nhiều căn bệnh mãn tính không lây như đái tháo đường, thừa cân, tim mạch… cao hơn hẳn cư dân nông thôn.
*Cùng ngày, nhân chuyến thăm chính thức VN của Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning – Schmidt, thủ tướng Đan Mạch và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chứng kiến lễ ký kết dự án trị giá 3 triệu USD (khoảng 62 tỉ đồng) kéo dài từ năm 2012-2015, giữa Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế và Novo Nordisk Đan Mạch. Theo đó, dự án tập trung tầm soát và phát hiện sớm bệnh đái tháo đường, kiểm soát tốt hơn cho bệnh nhân đang điều trị…(Tuổi trẻ 8/11- trang 12)
 
Nằm viện, nguy cơ suy dinh dưỡng cao
Phát biểu tại cuộc họp báo giữa kỳ chương trình hỗ trợ dinh dưỡng lâm sàng tổ chức tại Hà Nội ngày 7-11, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh cho hay điều tra trong bệnh nhân nội trú tại Bệnh viện Bạch Mai năm 2011, tỉ lệ suy dinh dưỡng cao nhất ở khoa ngoại (51,3%), tiếp theo đó là khoa hô hấp (40,9%), khoa hồi sức cấp cứu (35,7%), khoa tiêu hóa (33,7%), khoa tiết niệu (27,5%)…
Theo bà Nguyễn Thị Lâm, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, do Bệnh viện Bạch Mai có khoa dinh dưỡng lâm sàng và chế độ ăn bệnh lý nên tỉ lệ bệnh nhân suy dinh dưỡng dao động 25-50%. Trong khi nghiên cứu quy mô lớn đầu tiên ở VN về tỉ lệ các bệnh liên quan đến dinh dưỡng tại bệnh viện, tỉ lệ bệnh nhân nội trú suy dinh dưỡng ở mức chung 50%. Tại VN, hiện còn 31% bệnh viện tỉnh chưa có khoa dinh dưỡng và trong số khoa dinh dưỡng đã có, chỉ 19% áp dụng chế độ dinh dưỡng lâm sàng. (Tuổi trẻ 8/11- trang 12, Tiền phong 8/11 – trang 10)
 
Chưa nhập khẩu vaccine cúm mùa bị thu hồi của Novartis
Cục Quản lý Dược cho biết, cho đến nay tất cả các vaccine cúm mùa của Cty Novartis bị tạm ngừng sử dụng ở một số nước tại Châu Âu chưa được nhập khẩu và lưu hành ở Việt Nam. Theo Cục Quản lý Dược, Cơ quan Quản lý dược Châu Âu (EMA) có thông báo về việc một số nước thành viên của Liên minh Châu Âu đã tạm ngừng sử dụng một số vaccine cúm mùa do Cty Novartis Vaccines & Diagnostic Srl- Italia sản xuất, như một biện pháp phòng ngừa do có nghi ngờ khiếm khuyết về chất lượng của vaccine. Tuy nhiên, hiện chưa thấy có dấu hiệu nào cho thấy khiếm khuyết về chất lượng này có tác động đến an toàn và hiệu quả của vaccine cúm mùa:: Fluad, Agrippal, Influpozzi Sub-Unity và Influpozzi Adjuvanted của Cty này do quan sát thấy có hiện tượng kết tụ protein trong các sản phẩm nói trên. Cục Quản lý Dược cho biết thêm, hiện AIFA với sự hỗ trợ của EMA, đang tiến hành điều tra xác định khiếm khuyết có ảnh hưởng tới an toàn và hiệu quả của vaccine hay không và khả năng rút khỏi thị trường các lô vaccine có khiếm khuyết nêu trên.
Hiện nay Bộ Y tế Việt Nam mới chỉ cấp số đăng ký cho vaccine cúm mùa Agrippal S1 do Cty Novartis Vaccines & Diagnostic Srl- Italia sản xuất nhưng chưa được nhập khẩu và lưu hành ở Việt Nam. Cục Quản lý Dược yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ thông tin tới các doanh nghiệp nhập khẩu vaccine, trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành phố tạm dừng hoạt động liên quan đến kế hoạch nhập khẩu, sử dụng các vaccine này. (Tiền phong 8/11- trang 2, Nông thôn ngày nay 8/11- trang 2)
 
Bệnh nhân suy thận do… chuột cắn
Chiều 7.11, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TPHCM đã xác nhận trường hợp một bệnh nhân bị chuột cắn dẫn đến suy thận. Qua xét nghiệm, các BS đã phát hiện bệnh nhân bị nhiễm một loại virus có tên Hanta xuất phát từ chuột. Thậm chí, con của bệnh nhân này cũng bị chuột cắn hiện đang được điều trị tại BV Q.PHú Nhuận… (Lao động 8/11- trang 1+7).
 
Thuốc lạ” trong áo ngực Trung Quốc: Là dầu khoáng, chất làm mỹ phẩm…
Ngày 7.11, Sở Y tế Đà Nẵng đã tiếp nhận kết quả kiểm nghiệm các chất “thuốc lạ” có trong mẫu áo ngực Trung Quốc từ Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường thành phố. Theo đó, “thuốc lạ” trong mẫu áo ngực này chứa 2 thành phần: Vỏ bọc ngoài (túi nhựa) là chất polietilen (loại nhựa dẻo) và dung dịch chất lỏng bên trong là chất thường dùng trong chế biến mỹ phẩm.
Cùng ngày, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam cho biết, theo kết quả kiểm nghiệm, thành phần chính của các gói “thuốc lạ” trong áo ngực Trung Quốc được phát hiện trên địa bàn là dầu khoáng, còn các viên hình cầu có trong gói dung dịch là polystyrene.
Hiện các cơ quan trên chưa công bố sự ảnh hưởng của “thuốc lạ” đối với sức khỏe con người. (Nông thôn ngày nay 8/11- trang 2)
 
Vẫn chỉ có người ốm mua bảo hiểm y tế
Sau 3 năm có hiệu lực, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đã góp phần nâng độ bao phủ BHYT toàn dân lên 67%. Tuy vậy, sức hút của BHYT chưa được nâng lên khi đa phần đối tượng chủ động tham gia BHYT vẫn là những người ốm đau hoặc có nguy cơ bệnh tật…
Bán BHYT theo hộ gia đình
Chính vì nguyên nhân trên, tại hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Luật BHYT vừa diễn ra ở Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần phải sửa đổi một số điều của Luật BHYT để phù hợp với hoàn cảnh mới, nhằm đạt được mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2014. Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT- Bộ Y tế cho biết, nếu chỉ có người ốm hoặc có nguy cơ ốm đau mới mua BHYT thì tính nhân văn, ý nghĩa chia sẻ rủi ro của BHYT không còn ý nghĩa. Khi đó, chỉ có người ốm chia sẻ với người ốm, tính bền vững của quỹ BHYT bị đe dọa. 
Các cơ quan thực hiện BHYT đều ý thức được điều này và đã triển khai rất nhiều nhóm giải pháp trong thời gian qua, từ tăng hỗ trợ cho nhóm cận nghèo, hộ làm nông-lâm-ngư nghiệp, tăng các dịch vụ trong danh mục được hưởng BHYT, tăng viện phí… nhằm thu hút các đối tượng còn lại cùng tham gia BHYT, tuy nhiên mức tăng rất chậm. Bà Tống Thị Song Hương cho rằng, muốn công tác này có hiệu quả, Luật BHYT cần quy định chặt chẽ, chẳng hạn các gia đình muốn được hỗ trợ mức đóng thì phải tham gia đầy đủ cho toàn bộ thành viên trong hộ gia đình đó. Đây cũng là ý kiến nhận được sự đồng tình cao của nhiều chuyên gia. Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT – BHXH Việt Nam cho rằng, sửa đổi Luật BHYT theo hướng quy định việc tham gia BHYT theo hộ gia đình được coi là một giải pháp tối ưu. Bởi bán BHYT theo hộ gia đình sẽ bắt buộc các thành viên trong gia đình phải tham gia 100%. Kinh nghiệm tại nhiều nước trên thế giới và khu vực cho thấy, họ đã đạt được độ bao phủ BHYT toàn dân khi thực hiện chủ trương này. 
Bên cạnh đó, một số chuyên gia góp ý, muốn quản lý và nâng cao số người tham gia BHYT thì nên sửa đổi, bổ sung Điều 12 của Luật BHYT để xác định lại các nhóm đối tượng tham gia. Theo Luật hiện nay có 25 nhóm tham gia BHYT, tuy nhiên quá trình triển khai đã phát sinh một số trường hợp không nằm trong các nhóm này. Ngược lại, xuất hiện tình trạng một số người rơi vào 2-3 nhóm tham gia khác nhau nên có thể được cấp 2-3 thẻ BHYT. Chính điều đó khiến cho việc quản lý số thực chất tham gia BHYT vẫn còn nhiều lỗ hổng.
Tạo sức hút bằng chất lượng
Tại hội nghị tổng kết nói trên, đại diện Bộ Y tế nhận định, chất lượng điều trị còn hạn chế, yếu kém là một nguyên nhân chính khiến BHYT chưa tạo được sức hút. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, thủ tục rườm rà, thanh toán quá phiền hà, thái độ phục vụ của cán bộ nhân viên y tế ở các BV chưa cải thiện nhiều, trong khi hầu hết BV Trung ương vẫn quá tải trầm trọng… 
Từ đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật BHYT ngoài mục đích tăng tỷ lệ tham gia để đảm bảo lộ trình thực hiện BHYT toàn dân còn phải hướng đến tăng thêm quyền lợi cho người tham gia. Nguyên tắc sửa đổi để thực hiện BHYT trong các cơ sở y tế là phải tăng quyền lợi tối đa nhưng hạn chế thấp nhất sự chi trả từ tiền túi của người bệnh. 
Ngoài ra, theo bà Tống Thị Song Hương, mức hưởng BHYT khi khám trái tuyến cũng cần được nghiên cứu thêm. Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng Luật quy định thanh toán BHYT trong trường hợp bệnh nhân vượt tuyến là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng quá tải ở tuyến trên. Vì thế nên sửa đổi, bổ sung quy định về mức hưởng trong trường hợp này. Một số ý kiến khác đề nghị, nên bỏ quy định cùng chi trả 5% đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện bảo trợ xã hội, thân nhân người có công vì người bệnh không có khả năng chi trả cũng như tính phức tạp trong tổ chức thực hiện. (An ninh Thủ đô 8/11- trang 4)
 
Thảo luận về sửa Luật Bảo hiểm y tế: Hướng tới việc tăng quyền lợi cho người dân
Tại Hội nghị Tổng kết 3 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và định hướng nội dung sửa đổi, bổ sung Luật BHYT do Bộ Y tế tổ chức ngày 6/11 tại Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, lần sửa luật này hướng đến ba mục tiêu chính là tăng tỷ lệ người tham gia BHYT; người tham gia BHYT được hưởng nhiều quyền lợi hơn và chất lượng y tế cũng nâng cao hơn… Bên cạnh đó, tìm nguồn thu bù đắp để các cơ sở y tế không phải lo phụ thuộc vào nguồn từ tiền túi người bệnh, giúp người dân được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn…. (Sức khỏe & Đời sống 8/11- trang 1+3)

Gửi thảo luận