Vụ Y Dược cổ truyền – Bộ Y tế cho biết qua kiểm tra chất lượng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền, cơ quan chức năng phát hiện một số bệnh viện y dược học cổ truyền và kho y học cổ truyền của các cơ sở khám – chữa bệnh tại vài địa phương sử dụng sai vị thuốc, sử dụng các vị thuốc kém chất lượng, có tạp chất…
Thiên hình vạn trạng
Đáng ngại hơn là nhiều vị thuốc không bảo đảm chất lượng đang được sử dụng ở các bệnh viện công và tư. Đợt kiểm tra từ tháng 4 vừa qua, trong 193 mẫu đã có 66% không đạt chỉ tiêu so với tài liệu dược điển Việt Nam. Có khoảng 20 vị thuốc được xác định dễ bị nhầm lẫn giữa các loại hay trộn lẫn hóa chất, không đạt chỉ số về hoạt chất hay có lẫn nhiều tạp chất.
Dược liệu “đểu” có thiên hình vạn trạng, khó “vạch mặt, chỉ tên” nhưng chung quy có một số hình thức chủ yếu sau:
– Làm giả: Thường là những dược liệu quý hiếm đắt tiền như: Lấy thạch thảo làm đông trùng hạ thảo, móng lợn làm xuyên sơn giáp (vảy tê tê), dưa gang làm thiên ma, củ sắn làm phục linh, khoai lang sấy khô làm phụ tử, táo ta thành táo tàu, long vải làm long nhãn… Trong những trường hợp này, người bệnh bị móc túi.
– Sử dụng dược liệu phế phẩm, mất vệ sinh: Để có giá thành rẻ, người ta sử dụng cả những phần đáng lẽ phải bỏ đi trong quá trình bào chế như tế tân có cả rễ, đất cát, lõi ba kích, lõi mạch môn, gốc rễ ma hoàng… Trong những trường hợp này, dược liệu không còn tác dụng chữa bệnh.
– Bào chế sai quy trình: Bào chế dược liệu là công đoạn vô cùng quan trọng và có tính quyết định tới hiệu quả chữa trị. Tiếc thay, do thiếu hiểu biết, nhiều người đã đem xay tam thất, linh chi và dược liệu bằng máy xay có tốc độ 2.700 vòng/phút, làm cho các hoạt chất trong dược liệu biến tính.
Hơn bất kỳ nghề nào, nghề làm thuốc phải lấy cái tâm làm đầu. Nếu không có cái tâm thì không thể “chữa bệnh cứu người”. Sử dụng dược liệu “đểu” để chữa bệnh là “giết người không dao”. Ai cũng biết, hầu hết dược liệu đều phải làm khô trong bóng râm (phơi âm can) hoặc sấy đúng nhiệt độ nhưng hà diệp (lá sen), cỏ ngọt, kinh giới, bạc hà, dâm dương hoắc… trên thực tế đều đem phơi nắng, liệu còn bao nhiêu hoạt chất để chữa bệnh?
Muốn nghiền thành bột, tốt nhất là dùng thuyết tân, nay được xay bằng máy; sắc thuốc phải sôi âm ỉ, nay thay bằng nồi áp suất, nhiệt độ cao…, liệu còn đủ hoạt chất chữa bệnh? Rồi bảo quản dược liệu tốt nhất là làm khô, giữ kín, nay thay bằng phun, tẩm hóa chất…, sao không hại?
Chớ tham rẻ
Thương trường bao giờ cũng tuân theo quy luật “tiền nào của nấy”, “của rẻ là của ôi”. Vì vậy mua thuốc, dùng thuốc chớ tham rẻ. Điều cốt yếu là thuốc đó chữa được bệnh chứ không phải rẻ hay đắt.
Xin nêu vài ví dụ: 1 viên An cung ngưu hoàn mua tại chính hãng Đồng Nhân Đường (Bắc Kinh – Trung Quốc) không dưới 350 tệ (khoảng 1,3 triệu đồng), trong khi có thể mua ở phố Lãn Ông – Hà Nội chỉ với 600.000 đồng, làm sao có thuốc thật thuốc tốt? Nếu ai đã qua Trung Quốc thì thấy các vị thuốc Bắc có giá đắt 2 – 4 lần so với ở Việt Nam, trong khi ta nhập thuốc từ Trung Quốc.