Trang chủ » Tin tức » Y tế » Điểm báo Ngày 2/11/2012

Điểm báo Ngày 2/11/2012

1. Đặc trị nạn thuốc giả

Tức là vấn nạn thuốc giả là… chuyện có thật và nó đang khiến dư luận bức xúc, lo lắng. Thực tế trước đây cũng đã có nhiều cảnh báo về sự gia tăng, tính chất phức tạp của vấn nạn này, thuốc được làm giả tinh vi đến mức khó phân biệt bằng mắt thường, dù có khi chúng được "điều chế" từ… phấn viết bảng, bê tông nghiền! Bất cứ loại thuốc nào bán chạy trên thị trường là lập tức bị làm giả. Từ đông, nam dược cho tới tân dược. Từ thuốc bổ cho tới kháng sinh, thuốc đau đầu, tẩy giun, các loại biệt dược, đặc trị… thảy đều bị làm giả tuốt tuột.

Hậu quả do thuốc giả gây ra thì nhiều người đã rõ, từ dị ứng, kháng thuốc, tới nguy cơ nhiễm độc kim loại nặng, lao phổi… có thể dẫn tới tử vong. Thống kê trên thế giới cho thấy con số tử vong bình quân mỗi năm do dùng phải thuốc giả lên tới 200.000 người, trong khi doanh thu ngành "kinh doanh đặc biệt" này trên toàn cầu đạt 45 tỷ euro/năm. Phải khẳng định đó là một ngành siêu lợi nhuận, khi chỉ đầu tư 1.000 USD có thể sinh lợi tới 200.000 USD. Điều này cũng lý giải vì sao ở nước ta ngày càng có nhiều tư thương lao vào sản xuất, buôn bán, tiêu thụ thuốc giả. Tuy nhiên, đáng nói là ở nước ta thuốc giả không chỉ tồn tại trong các nhà thuốc tư nhân, cơ sở kinh doanh dược liệu nhỏ lẻ, mà đã thâm nhập vào các chuỗi cung ứng hợp pháp như các công ty, nhà thuốc bệnh viện… Nguyên nhân không chỉ do khoản lợi nhuận "khủng" mà còn do khâu quản lý tồn tại nhiều lỗ hổng, chế tài xử lý vi phạm còn nhẹ, thiếu sức răn đe, dẫn đến "nhờn thuốc".

Dân gian có câu "Gặp thầy, gặp thuốc", đó là hai yếu tố quan trọng, quyết định đến sự thành công của việc điều trị, cứu người. Song, nếu chỉ "gặp" thầy giỏi mà không có thuốc tốt, nhất là "gặp" phải thuốc giả, vốn nhan nhản trên thị trường như hiện nay, thì thất bại trong điều trị là chuyện hiển nhiên, chưa kể đối với người mắc bệnh hiểm nghèo thì nguy cơ thiệt mạng rất cao.

Để bảo đảm một thị trường kinh doanh dược phẩm lành mạnh, trên hết là bảo vệ sức khỏe cũng như quyền lợi của người tiêu dùng, trong đó có những người bệnh đã đặt trọn niềm tin và hy vọng vào hai chữ "thầy- thuốc", thì phải kiên quyết ngăn chặn vấn nạn thuốc giả. Các cơ quan chức năng phải có biện pháp bịt những kẽ hở trong quản lý, siết chặt sản xuất, kinh doanh thuốc thông qua việc tăng cường kiểm tra, rà soát từ khâu nhập khẩu thành phẩm, nguyên liệu sản xuất thuốc cho tới khâu quản lý phân phối, tiêu thụ. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng "quản lý đằng ngọn": chỉ phát hiện khi thuốc giả đã tiêu thụ tràn lan trên thị trường, khiến cho việc thu hồi (thuốc giả) sau đó chỉ được tiến hành… trên giấy (!).

Ngoài ra, ngành y tế cần đẩy mạnh thực hiện chương trình thuốc an toàn và tăng cường đầu tư hệ thống "hàng rào kỹ thuật" hiện đại, cùng đội ngũ cán bộ có chuyên môn, đáp ứng yêu cầu kiểm nghiệm, phân biệt rõ thuốc thật – giả, thay vì phải gửi ra nước ngoài kiểm định vừa lâu lại tốn kém. Đặc biệt là phải có chế tài đủ mạnh làm "thuốc đặc trị" cho tình trạng sản xuất kinh doanh thuốc giả, đủ sức khiến những đối tượng bất lương chùn tay; riêng đối với những vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, nhất thiết phải xử lý thật nghiêm theo pháp luật.

2. 50 du khách nhập viện sau khi ăn hải sản

Đến sáng 1.11, khoảng 50 khách bị đau bụng, nôn ói và tiêu chảy, đã được đưa đến bệnh viện điều trị. Bác sĩ Võ Dương Đức, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Thuận cho biết, các bệnh nhân đều thuộc đoàn du khách là khách hàng của một công ty kinh doanh thức ăn gia súc ở Đồng Nai.

Họ đã ăn tại quán các món gỏi cá đục, mực một nắng, lẩu hải sản, nghêu rang me. Chi cục ATVSTP đã phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng tỉnh tiến hành lấy các mẫu phẩm đưa đi phân tích, xét nghiệm để tìm nguyên nhân vụ việc. Hiện các bệnh nhân còn lại tại Bệnh viện đa khoa Bình Thuận đã ổn định và chuẩn bị xuất viện. Đây không phải lần đầu tiên du khách đến Phan Thiết phải nhập viện tập thể sau khi ăn hải sản.

3. Thu hồi văcxin 6 trong 1 của SGK

Vắc xin tiêm theo dạng dịch vụ có tên Infanrix Hexa, một mũi tiêm ngừa sáu bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và viêm màng não mủ do HIB ở trẻ em, do Cty GlaxoSmithKline Pte. Ltd. (GSK) sản xuất, vừa bị Cục Quản lý Dược Việt Nam ra thông báo thu hồi.
Thông báo gửi đến các cơ sở y tế cho biết, vắc – xin Infanrix Hexa có số đăng ký: QLVN-374-10, số lô sản xuất: A21CB274A bị thu hồi do không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Cục Quản lý Dược yêu cầu thu hồi lô vắc xin trên và gửi báo cáo kết quả thu hồi về Bộ Y tế trước ngày 19-11. Vắc-xin này do Cty TNHH MTV Dược Sài Gòn nhập khẩu và Cty Cổ phần Dược liệu trung ương 2 phân phối.
Các cơ sở y tế tiêm dịch vụ loại vắc xin này ở TPHCM cho biết, lô vắc xin Infanrix Hexa đã được tiêm hết cho trẻ từ giữa tháng 10.

4. Không phát hiện thuốc an thần trong thịt lợn

Trong thời gian gần đây, xuất hiện thông tin về thịt lợn chứa “thuốc an thần” Prozil (tên gốc là Acepromazine) tại thời điểm trước giết mổ.

Điều đó đã gây ra tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng. 

Để đảm bảo an toàn và sức khỏe người tiêu dùng cũng như đảm bảo lợi ích cho người chăn nuôi, Cục An toàn thực phẩm đã chỉ đạo Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và Viện Vệ sinh y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành kế hoạch giám sát đột xuất hàm lượng Prozil trong các mẫu thịt lợn tươi sống.

Theo Báo cáo của Viện Vệ sinh y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả giám sát 5 mẫu thịt lợn tươi sống lấy tại Thành phố Hồ Chí Minh (chợ Hưng Phú; quầy hàng thuộc phường 2, phường 6, Quận 8) không phát hiện thấy có Prozil.

Cục An toàn thực phẩm thông báo để người dân nắm được thông tin và Cục sẽ tiếp tục cập nhật thông tin nhanh khi có thêm các kết quả xét nghiệm về hàm lượng Prozil.

 

 

Gửi thảo luận