Tước quyền đào tạo của những "thầy già” đầu ngành?
Trong số những người không là cán bộ đương chức của Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBKHN) hiện có khả năng đề xuất những đề tài nghiên cứu khoa học lớn và thật sự xứng đáng là hướng dẫn chính cho NCS đa số là các GS, PGS của trường đã hoặc sắp nghỉ hưu (trên 62 tuổi). Đây là những "thầy già” đầy kinh nghiệm, năng lực – các cán bộ khoa học đầu ngành có công xây dựng, làm nên danh tiếng ĐHBKHN cũng như có công đào tạo một đội ngũ hùng mạnh cán bộ KHCN. Số này không dưới 100. Thế nên hai công văn mới đây của lãnh đạo trường là một cú sốc với nhiều "thầy già” yêu nghề, giàu kinh nghiệm nghiên cứu, đào tạo. Nó "chẳng giống ai” trong giới học thuật quốc tế.
Đã đến lúc cộng đồng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu giáo dục học cần đặt ra cho mình sứ mệnh làm rõ các luận cứ khoa học để xử lý các nghịch lý giữa hệ thống quản lý đào tạo quan liêu, từ vi mô đến vĩ mô, nhằm khắc phục những nghịch lý giữa quản lý đào tạo với nhu cầu xã hội và đạt các chuẩn mực mà giới khoa học và giáo dục quốc tế thừa nhận. |
Cụ thể, Công văn số 2038/TB-ĐHBK-SĐH do Hiệu trưởng Nguyễn Trọng Giảng ký ngày 29-6-2012 và tiếp đó, Công văn số 2527/CV-ĐHBK-SĐH do Phó hiệu trưởng Nguyễn Cảnh Lương ký ngày 6-9-2012 gửi tới các Viện quản lý ngành trong toàn trường như sau:
Theo đúng qui chế tổ chức và quản lý đào tạo và quản lý sau đại học số 2257/QĐ-SĐH ngày 21-8-2012 của Hiệu trưởng, việc hướng dẫn NCS khóa 2010 và 2011 phải thực hiện các điều: 1. Nếu NCS chỉ có 1 người hướng dẫn hiện tại không là cán bộ đương chức của trường ĐHBKHN thì phải bổ sung thêm 1 người hướng dẫn mới là cán bộ đương chức của trường. 2. Nếu NCS có 2 người hướng dẫn nhưng cả hai hiện tại không là cán bộ đương chức của trường ĐHBKHN thì phải bổ sung thêm 1 người mới là cán bộ đương chức của trường, thay thế một trong 2 người hướng dẫn cũ. 3. Người hướng dẫn 1 của NCS phải là 1 cán bộ đương chức của Trường ĐHBK HN, có tuổi không quá 57 đối với người hướng dẫn có học vị TS,TSKH; không quá 62 đối với người hướng dẫn có học hàm GS.PGS.
Thật là khó hiểu động cơ sâu xa của quyết định trên, nếu không phải lãnh đạo trường vì lợi ích cục bộ dẫn đến phân biệt đối xử vô lối. Liệu có phải vì muốn cho bản thành tích KH của nhiều cán bộ KH đương chức hoàn hảo, đủ số lượng lần hướng dẫn chính các luận án TS, đối phó với các tiêu chí hội đồng học hàm nhà nước và các hội đồng thi đua khen thưởng đề ra, Ban giám hiệu đã "chế” Công văn trên? Trong khi chưa thể phấn đấu nâng cao thực lực chuyên môn, họ đành gạt các nhà KH đàn anh bằng một vài mệnh lệnh hành chính, ép NCS phải theo trường?
Chuyên quyền bóp nghẹt lợi ích lớn
Đây là sự lãng phí chất xám ghê gớm khi đất nước đang hết sức cần đội ngũ cán bộ khoa học và giáo dục giỏi. Đối tượng chịu nhiều thiệt thòi chính là SV ĐHBK nói riêng, và nhiều NCS muốn làm bằng TS tại ĐHBK nhưng không tìm được thầy hướng dẫn đạt chất lượng như họ mong muốn. Ngay ĐHBKHN cũng tự làm yếu mình với quy định này, khi khá nhiều cán bộ KH ở tuổi quy định nhưng chưa chắc đủ trình độ, kinh nghiệm để hướng dẫn chính 1 luận án Tiến sỹ. Quyết định này còn tước quyền làm khoa học của nhiều nhà khoa học hàng đầu giàu khả năng, tâm huyết.
Một nữ GS hàng đầu của ĐHBK từng nhận Giải thưởng khoa học cao quý Kovalevskaia, GSTS.NGND Đặng Kim Chi, tâm sự: Tôi đang hướng dẫn 1 NCS cùng với 1 PGS ở ngoài trường hơn 3 năm nay. NCS này viết được 4 bài báo đăng ở Tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế, trong đó có 2 bài thuộc hệ thống ISI, mà nội dung luận án đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đòi hỏi cho Luận án TS – Ph.D ở bất cứ quốc gia nào. Tuy nhiên theo quy định mới của trường, tôi buộc phải rút khỏi danh sách hướng dẫn NCS. Tìm 1 học trò của tôi vừa bảo vệ TS để thay mình, nhà khoa học trẻ này không dám nhận vì tự thấy trình độ quá non, "Em thật xấu hổ nếu em thay GS đứng tên hướng dẫn NCS”, vị này nói.
Còn nhiều ví dụ tương tự chứng tỏ các nhà khoa học đương chức ở ĐHBK chưa đủ tiềm lực đảm nhận trách nhiệm hướng dẫn NCS ngày càng nhiều, để đạt được con số 20.000 TS cả nước vào 2020 như nghị quyết của Đảng đã đề ra.
Thay lời kết
Cuối tuần qua, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội tổ chức hội thảo bàn các giải pháp thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo với nhu cầu xã hội trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Bàn về những nghịch lý giữa quản lý đào tạo với nhu cầu xã hội, nhà giáo Vũ Cao Đàm nhấn mạnh một nghịch lý hiện nay, là phát triển xã hội nóng bỏng đối lập với hệ thống quản lý giáo dục cửa quyền.
Nghịch lý này có lẽ nỗi đau của NCKH nói chung. Và đúng như nhà giáo Cao Đàm nói, "Trong hệ thống quản lý vĩ mô theo mô hình Nhà nước độc tôn chỉ huy (và tự làm) khoa học và đại học, hệ thống quản lý hành chính đã giành rất nhiều quyền hành điều khiển hệ thống khoa học và đại học. Quyền hành được trao rộng rãi và quyền uy đến mức hệ thống này không còn nhận ra quyền lực thực tế của mình, và nghĩ rằng nó là cuộc sống, là hơi thở của một cơ thể”.
Thời kinh tế chỉ huy, tồn tại khái niệm "cửa quyền” là một cách diễn đạt rất súc tích cái hệ thống quyền hành như vậy. Hệ thống đó vẫn đang tồn tại hiện nay, và có thể nói, đó là nguyên nhân của tất cả các nguyên nhân dẫn đến những nghịch lý giữa đào tạo và nhu cầu xã hội. ĐH BKHN cần xem lại quyết định dồn các "thầy già” vào thế khó.
GS.TSKH. Lê Hùng Sơn