Trang chủ » Tin tức » Y tế » Điểm báo ngày 30/10/2012

Điểm báo ngày 30/10/2012

1. Cảnh báo vi rút cúm gia cầm biến đổi         
Hội thảo khoa học quốc tế về tác nhân và quản lý bệnh cúm nặng được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 29-31.10. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, xuất hiện trong vòng 8 năm qua, cúm H5N1 vẫn  là mối đe dọa của một đại dịch.
Từ năm 2003 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 123 ca mắc cúm H5N1 (đứng thứ ba thế giới), trong đó 61 ca tử vong.
Theo Bộ Y tế, đây vẫn là vi rút có độc lực cao, tỷ lệ tử vong gần 50%, có thời điểm lên đến 70-80%. Người nhiễm vi rút thường có diễn biến bệnh nhanh, tử vong do suy hô hấp, suy đa tạng. Các nhà khoa học lo ngại, sự xuất hiện các ổ dịch cúm H5N1 trên gia cầm và khả năng tái tổ hợp của vi rút này với các chủng khác có thể xảy ra sẽ tạo thành chủng vi rút có khả năng lây từ người sang người nhanh chóng hơn. Tại Việt Nam, sau một năm không xuất hiện, trong năm 2012 đã ghi nhận 2 ca nhiễm cúm gia cầm, trong đó 1 trường hợp tử vong. (Thanh niên (trang 2) 30/10)

2. Nhiều loại thuốc bị làm giả
Hội thảo ngăn chặn thuốc giả đã được ĐH Dược tổ chức ngày 29.10 tại Hà Nội. Theo Thứ trưởng Bộ Y Tế Cao Minh Quang, Tổ chức Y tế thế giới thông báo, thuốc giả chiếm khoảng 10% giá trị dược phẩm toàn cầu, lên tới 45 tỉ USD/ năm. Thuốc giả ngày càng tinh vi và giả các thuốc có giá trị cao. Các thuốc bị làm giả điều trị tiểu đường, kháng sinh thế hệ mới, thuốc tim mạch và các bệnh gây dịch như sốt rét.
Tỷ lệ thuốc giả phát hiện gần đây tại Việt Nam chiếm 0,09% số mẫu, nhưng thuốc kém chất lượng chiếm tới 2% số mẫu trong số hơn 48.000 mẫu được kiểm nghiệm trong năm 2011. Thuốc kém chất lượng bao gồm các sản phẩm nhập khẩu và sản xuất trong nước, đông dược. Thuốc giả có thể không có hoạt chất điều trị hoặc làm từ các thành phần gây độc, khiến người bệnh thất bại trong điều trị, tăng nguy cơ tử vong.( Thanh niên (trang 2), Tiền phong (trang 2), Hà Nội mới (trang 7), Nhân dân (trang 5), Nông thôn ngày nay (trang 14) 30/10)

3. Xử lý 3 cơ sở chữa bệnh vi phạm
Ngày 29.10 Sở Y tế TP. Đà Nẵng đình chỉ cơ sở chữa bệnh ung thư tự phát của bà Trần Thị Hường (trú thôn Nam Sơn, xã Hoà Tiến, H. Hoà Vang) do hành nghề thiếu cơ sở. Trước thông tin bà Hường chữa khỏi ung thư cho 2 bệnh nhân và đang điều trị cho vài người khác, Sở Y tế đã 2 lần hướng dẫn bà bổ sung thủ tục pháp lý và mời trình bày bài thuốc chữa ung thư gia truyền để Hội đồng khoa học Sở Y tế xem xét, nếu đảm bảo sẽ cấp phép nhưng bà Hường bất hợp tác. Sở Y tế cũng đình chỉ hoạt động, tước giấy phép hành nghề không thời hạn ông Trần Văn Lợi, buộc tháo bảng hiệu Phòng chẩn trị y học cổ truyền Phước Lợi Đường, Hiệu thuốc bắc đông y tư nhân gia truyền Thầy Giãng – Kiện (Chợ Miếu Bông, QL1A, xã Hoà Phước, H. Hoà Vang) do phát hiện trong thuốc bổ tỳ (300.000 đồng/chai 500 ml) của ông Lợi có chứa Cyproheptadin (6,23 mg/100 ml) và Dexamethason (2,37 mg/ 100 ml), là hai thành phần tân dược có tác dụng giữ nước, tăng cân nhưng gây tác dụng phụ như đau đầu, yếu cơ, tăng nhãn áp, đục thuỷ tinh thể, loét tiêu hoá, rối loạn kinh nguyệt, hoại tử xương, rối loạn tâm lý … (xem thêm thông tin tại trang 13) (Thanh niên (trang 13) 30/10)

4. Khám bệnh, phát thuốc miễn phí
Ngày 27.10 tại xã Ngãi Hùng, H.Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, các y bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM), tập thể nhân viên Merck Việt Nam và chính quyền địa phương đã tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng quà cho hơn 1.200 đồng bào có hoàn cảnh khó khăn.
Người dân trong xã có điều kiện được khám, tư vấn và điều trị cũng như tiếp cận với các máy móc thiết bị hiện đại; được tham gia tập huấn phòng chống bệnh cao huyết áp và đái tháo đường. Đây là một trong những hoạt động cộng đồng vì sức khỏe gia đình của Merck Việt Nam.
Trong chương trình “Chia sẻ phần bánh, chắp cánh tương lai”, cuối tuần qua tại Phòng GD-ĐT H.Tiểu Cần, Công ty TNHH Merck Việt Nam phối hợp với chính quyền địa phương và Tổ chức Từ thiện trẻ em Sài Gòn đã trao học bổng cho 80 em học trò nghèo vượt khó.( Thanh niên (trang 13) 30/10)

5. Kiểm tra áo ngực chứa “thuốc lạ”
Ngày 29.10, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.Đà Nẵng tiếp tục tạm giữ thêm hàng trăm áo ngực không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó có 3 áo ngực hiệu Huang Jia Ma Lian có chứa 2 túi dung dịch màu trắng đục và “thuốc lạ” bên trong.
Trước đó, theo thông tin phát hiện áo ngực Huang Jia Ma Lian bán tại Trung tâm thương nghiệp Tam Kỳ có chứa “thuốc lạ”, hôm 28.10, Chi cục QLTT TP.Đà Nẵng cũng đã kiểm tra, tạm giữ 47 áo ngực Trung Quốc tại lô 36, đình số 3, chợ Cồn, TP.Đà Nẵng. Chi cục QLTT TP.Đà Nẵng cho biết sau khi tổng kiểm tra, chi cục sẽ mời tiểu thương đến chứng kiến việc xẻ áo ngực để kiểm tra bên trong, lấy các thành phần lạ đi xét nghiệm để làm rõ dung dịch màu trắng và thuốc lạ gây ngứa ngáy, tức ngực.
Ngày 29.10, Đội QLTT số 1, Chi cục QLTT Quảng Nam cũng đã tổ chức cuộc kiểm tra áo ngực phụ nữ chứa chất lỏng và các hạt chất rắn gây ngứa nghi có xuất xứ từ Trung Quốc tại TP.Tam Kỳ. Qua kiểm tra, đội không phát hiện thêm loại áo ngực gây ngứa này. Hiện các loại áo ngực phụ nữ có vấn đề đã bị tạm giữ, Chi cục QLTT Quảng Nam sẽ kiểm tra xét nghiệm trong thời gian tới.
Cũng trong sáng 29.10, qua kiểm tra đột xuất quầy hàng của bà N.T.M.X tại chợ Bến Ngự (TP.Huế), Đội QLTT số 2, Chi cục QLTT tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phát hiện 21 chiếc áo nịt ngực mang nhãn hiệu An JiTing (nghi sản xuất tại Trung Quốc) có chứa “thuốc lạ”.
Cụ thể, sau khi cắt bên trong số áo nịt ngực trên thì ở mỗi chiếc áo ngực ở hai đầu áo đều có hai túi dung dịch, mỗi túi chứa 4 – 6 viên màu trắng. Cùng thời điểm trên, ông Phạm Đình Thi, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Phú Yên, cho biết gần đây ở các tỉnh miền Trung, người tiêu dùng phát hiện trong sản phẩm áo ngực phụ nữ có in chữ Trung Quốc đang bày bán trên thị trường, có dung dịch "lạ" trong bịch nhựa, bên trong có hạt màu trắng chưa rõ là chất gì.
Theo phản ánh của chị Huỳnh Thị Lạp, ở khu phố Liên Trì, xã Bình Kiến, TP.Tuy Hòa (Phú Yên), chị mua áo ngực có chứa dung dịch từ một người bán dạo, khi mặc vào, cảm thấy khó chịu. Nghi ngờ, chị bóp thử thì phát hiện có hạt nhỏ bên trong lớp vải; dùng kéo cắt ra thấy bên trong có túi nhựa chứa chất dung dịch trắng nhầy nhầy và 3 hạt cứng màu trắng. Chị Lạp vô tình làm rách túi nhựa, tay chạm phải chất đó thì thấy ngứa.( Thanh niên (trang 13), Nông thôn ngày nay (trang 14) 30/10)

6. Khám chữa bệnh là lĩnh vực hối lộ nhiều
Ngày 29-10, tại Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo “Công tác phòng chống tham nhũng ở địa phương – thực trạng và giải pháp” do Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng T.Ư tổ chức. Đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng khiếu nại về đất đai gia tăng và tham nhũng đang lan rộng.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng – giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương, qua khảo sát sự trải nghiệm của người dân ở sáu mục: cán bộ dùng tiền công vào mục đích riêng, người dân chi thêm tiền cho cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chi thêm tiền cho khám chữa bệnh, chi thêm cho con em học tập, chi tiền cho cấp giấy phép xây dựng, chi tiền để xin việc vào cơ quan nhà nước, có đến 32% người Huế, Đà Nẵng và 53% người Nghệ An được hỏi và trả lời từng chứng kiến việc người dân đưa hối lộ trong ít nhất một việc vừa nêu.
 Xin việc làm ở khu vực công và khám chữa bệnh là hai lĩnh vực có nhiều hối lộ nhất. Tuy nhiên, tỉ lệ tố cáo thực tế của người dân rất thấp, nhiều lúc bằng không.( Tuổi trẻ (trang 2) 30/10)

7. VN đứng thứ 3 thế giới về số ca mắc cúm A(H5N1)
Đó là thông tin Bộ Y tế đưa ra tại hội thảo quốc tế về bệnh cúm nặng: gánh nặng, tác nhân gây bệnh và quản lý lâm sàng, do Hiệp hội Quốc tế về cúm và các bệnh đường hô hấp do virút khác (ISIRV) phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư tổ chức tại Hà Nội ngày 29-10.
Theo đó, tính từ năm 2003, năm phát hiện ca nhiễm cúm A (H5N1) đầu tiên đến nay, VN phát hiện 123 trường hợp nhiễm cúm A (H5N1), 61 trường hợp trong số đó đã tử vong.( Tuổi trẻ (trang 12) 30/10)

8. Không biết mũi dao găm trong xương 4 tháng
Ngày 29-10, Bệnh viện VN – Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết đã lấy ra một đoạn mũi dao inox dài gần 7cm, rộng hơn 1,5cm từ xương ống tay trái của anh T.B.N., 22 tuổi, trú ở xã Xuân Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình). Anh N. vào viện với cánh tay bị sưng tấy, đau nhức và mủ chảy ra từ một vết thương. Qua chụp X-quang phát hiện một mũi dao nhọn mắc hẳn vào xương cánh tay anh N..
Theo anh N., khoảng bốn tháng trước anh bị một người dùng dao đâm vào tay trong lúc hai bên giằng co, sau đó anh được nhân viên trạm y tế xã khâu lại vết thương. Thấy ổn, từ đó anh không để ý đến vết thương, cách đây ba ngày chỗ vết thương đã khâu bị sưng tấy, chảy mủ nên mới vào bệnh viện khám. Bác sĩ chuyên khoa ngoại Võ Chí Thanh cho biết có trường hợp bệnh nhân bị dao găm hoặc mảnh bom đạn mắc vào xương thịt nhưng không bị đau. Với bệnh nhân N. cũng vậy, tuy nhiên may mắn lưỡi dao rất lớn nhưng không xê dịch nên khi bệnh nhân cử động mạnh cũng không đau, không cắt phá các phần cơ hai bên, cho đến khi nó gây nhiễm trùng mới được phát hiện.( Tuổi trẻ (trang 12) 30/10)

9. Stress khiến bệnh vảy nến bùng phát
Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu T.Ư Trần Văn Tiến cho biết stress là yếu tố thường thấy nhất làm xuất hiện bệnh… vảy nến, một loại bệnh ngoài da có biểu hiện da bong vảy tốc độ nhanh không chữa khỏi được, thường gặp ở người phải lao động nặng nhọc.
Theo ông Tiến, chưa xác định được căn nguyên chính của bệnh, nhưng một số điều kiện thuận lợi của bệnh như sau một sang chấn tâm lý, sau một thời điểm quá vui hay quá buồn ở người bệnh có sẵn yếu tố gen hay cơ địa vảy nến. Đây là những thông tin được ông Tiến cho biết tại lễ kỷ niệm Ngày thế giới phòng chống bệnh vảy nến (Bệnh viện Da liễu T.Ư tổ chức ngày 29-10 tại Hà Nội). (Tuổi trẻ (trang 12) 30/10)

10. Khánh Hoà công bố dịch lợn tai xanh
Ngày 29-10, UBND tỉnh Khánh Hòa đã công bố dịch Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (PRRS – bệnh lợn tai xanh) tại thị xã Ninh Hòa.
Trước đó, ngày 18-10, UBND tỉnh Khánh Hòa đã công bố dịch lợn tai xanh tại thành phố Nha Trang. Ổ dịch lợn tai xanh đầu tiên ở Khánh Hòa được phát hiện ngày 2-10 tại tổ 14, phường Vĩnh Hải, Nha Trang.
Đến nay, dịch lợn tai xanh đã được phát hiện tại 77 hộ thuộc 18 xã, phường của thành phố Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và huyện Cam Ranh. Có 796 con lợn phải tiêu hủy, tổng trọng lượng gần 47 tấn. (Tiền phong (trang 2) 30/10)

11. Ăn cá nóc, hai ngư dân nguy kịch
Ngồi buồn trong lúc tránh bão ở cảng Gianh (Quảng Bình), hai ngư dân Bình Định là Nguyễn Văn Hải và Đinh Ngọc Mai lấy cá nóc tươi làm mồi nhậu và bị trúng độc.
Hai nạn nhân nói trên bị ngộ độc vào sáng 29-10, sau 30 phút ăn cá nóc. Họ được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Việt Nam – Cu Ba (Đồng Hới) trong tình trạng nôn ọe, hôn mê, da niêm mạc nhạt màu, tê bì toàn thân, rối loạn nhịp thở… Sau khi cấp cứu, cả hai nạn nhân đã thoát khỏi hôn mê.( Tiền phong (trang 2), Nông thôn ngày nay (trang 2) 30/10)

12. Vụ tử nạn do uống rượu: Men rượu có nguồn gốc Trung Quốc
Ngày 29-10, Cơ quan chức năng BR-VT cho biết đã lấy mẫu rượu và đem đi xét nghiệm xác định độc tố và nguyên nhân gây tử vong đối với ông Nguyễn Văn Ba và ông Y Cu. Được biết, ngày 24-10, sau cuộc nhậu gồm 5 người tại nhà ông Ba ở thôn 10, xã đảo Long Sơn, TP Vũng Tàu, ông Y Cu (49 tuổi) đột nhiên lăn ra bất tỉnh, được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong sau đó ít phút tại bệnh viện. Tiếp đến, 10 giờ sáng 28-10, sau hôn mê 4 ngày, ông Nguyễn Văn Ba cũng đã tử vong. Một người trong nhóm nhậu là Phạm Quốc Phong hiện cũng đang hôn mê sâu.
Cơ quan chức năng tiến hành truy xét loại rượu mà nhóm ông Ba nhậu và đã phát hiện rượu được sản xuất tại một lò rượu trong xã (chủ lò rượu là ông T, thôn 10 Long Sơn), trong đó men nấu rượu có nguồn gốc do Trung Quốc sản xuất.( Tiền phong (trang 2) 30/10)

13. Đề nghị chi trả BHYT cho sàng lọc bệnh bẩm sinh
Ngày 29/10, Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đang chủ trì xây dựng danh mục kỹ thuật cao, chi phí lớn do quỹ BHYT chi trả. Trong danh mục này, Bộ Y tế đề nghị chi trả chi phí đối với kỹ thuật, xét nghiệm chẩn đoán sàng lọc một số bệnh bẩm sinh ở trẻ sơ sinh để phát hiện sớm bệnh. Dự kiến danh mục bổ sung này sẽ được ban hành vào cuối năm 2012.
Theo Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, mỗi năm, ước tính có hơn 1 triệu trẻ ra đời, trong đó có khoảng 22.000 – 30.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh. Nếu được sàng lọc tốt từ trước sẽ phát hiện được khoảng 1.700 trẻ bị thalassemia (tan máu bẩm sinh thể nặng), 1.400 trẻ bị bệnh Down, 500 trẻ bị dị tật ống thần kinh, 200 trẻ bị suy giáp trạng bẩm sinh, 10.000 – 20.000 trẻ bị thiếu men G6PD và nhiều bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh khác…  (Sức khoẻ và Đời sống (trang 2) 30/10)

14. Hà Nội: Hơn 40 bệnh nhân phong bị đục thuỷ tinh thể được phẫu thuật
Ngày 29/10, thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, Trung tâm Da liễu quận Hà Đông phối hợp với Bệnh viện Da liễu và Bệnh viện Mắt Hà Nội đã tổ chức khám sức khoẻ toàn diện cho những bệnh nhân bị bệnh phong tại Phú Mãn, Quốc Oai (xem thêm tại trang 2) (Sức khoẻ và Đời sống (trang 2) 30/10)
15. 4 trường hợp trả lại Chứng chỉ hành nghề dược
Theo Nghị định 89/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 79/2006/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Dược, có 4 trường hợp trả lại Chứng chỉ hành nghề dược từ ngày 10/12/2012. Đó là: Cơ sở kinh doanh thuốc thay đổi người quản lý chuyên môn về dược; Cơ sở kinh doanh thuốc chấm dứt hoạt động kinh doanh; Cơ sở nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc nhưng nhận được văn bản trả lời không cấp của cơ quan tiếp nhận hồ sơ và Cá nhân xin cấp lại Chứng chỉ hành nghề dược.
Về giá trị, thời hạn của Chứng chỉ hành nghề dược, Nghị định 89 quy định Chứng chỉ hành nghề dược được cấp một lần, có giá trị trong phạm vi cả nước. Trước đây, Nghị định 79/2006/NĐ-CP quy định chứng chỉ hành nghề dược có thời hạn 5 năm, kể từ ngày cấp. Trước khi hết hạn 3 tháng, nếu muốn tiếp tục hành nghề thì cá nhân phải làm hồ sơ đề nghị gia hạn. Thời gian gia hạn tối đa là 5 năm và không hạn chế số lần gia hạn. (Sức khoẻ và Đời sống (trang 2) 30/10)

16. Thuốc ho có thạch xương bồ bị đình chỉ lưu hành, vì sao ?
Thuốc ho đông dược (thuốc ho thảo dược) vẫn được nhiều người coi là thuốc ho lành tính. Nhưng thực tế thuôc ho đông dược có thể gây độc nếu như nó chứa vị thạch xương bồ. Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa đình chỉ lưu hành thuốc ho bổ phế có thạch xương bồ vì hại tim, gan…( Sức khoẻ và Đời sống (trang 14) 30/10)

17. 2,5 triệu người Việt đang bị vảy nến
Đó là thông tin được bác sĩ Trần Hồng Trường – Chủ tịch Chi hội Vảy nến Việt Nam cho biết tại Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Vảy nến thế giới 29.10. Theo bác sĩ Trường, bệnh vảy nến mang đến sự khó chịu và cả đau đớn tại các tổn thương trên da gây nứt và chảy máu. Người bệnh thường có cảm xúc bối rối, xấu hổ, trầm cảm, thất vọng…Vì vậy, truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng là yếu tố quan trọng để đẩy lùi bệnh vảy nến.( Nông thôn ngày nay (trang 2) 30/100

18. Vụ “cắt nhầm bàng quang bệnh nhi 21 tháng tuổi”: Chưa kỷ luật bác sĩ sai sót
Liên quan đến vụ “Cắt nhầm bàng quang bệnh nhi 21 tháng tuổi” tại Khánh Hòa, ngày 29.10, bác sĩ Nguyễn Hồng Quang – Giám đốc Bệnh viện Cam Ranh cho biết, bệnh viện chưa áp dụng bất cứ hình thức kỷ luật nào đối với các bác sĩ đã phạm sai sót chuyên môn trong ca mổ này
Ông Quang cũng cho biết, ông đã chỉ đạo bác sĩ Lê Thành Trung – Phó Giám đốc phụ trách khoa Ngoại của bệnh viện chủ trì việc họp rút kinh nghiệm chuyên môn trong tuần này.
Theo bác sĩ Phạm Văn Toàn 1 trong 2 người thực hiện ca mổ cho cháu T.A.Đ., ông đã từng mổ nhiều ca thoát vị bẹn và thấy thông thường, khối thoát vị nằm ở chính giữa, bên dưới bàng quang. Nhưng ở trường hợp bé Đ., có một khối bất thường nằm ở bên phải, rất có thể bàng quang bé bị dị dạng bất thường. Mấy hôm nay ông buồn đến mất ăn mất ngủ.( Nông thôn ngày nay (trang 2) 30/10)

19. Bình Định: Cứu sống bệnh nhân bị đâm thủng tim
Các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu ngoại – BVĐK Bình Định vừa cấp cứu thành công bệnh nhân Trương Thường (42 tuổi, ở phường Nhơn Hoà, TX. An Nhơn, Bình Định) bị đâm thủng tim…(xem thêm thông tin tại trang 4) (Sức khoẻ và Đời sống (trang 4) 30/10)

20. BV Nhi đồng 1- TP. Hồ Chí Minh: Lần đầu tiên phẫu thuật nội soi cắt bướu trong lồng ngực bệnh nhi

Bác sĩ Đào Trung Hiếu- Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật nội soi cắt bướu trong lồng ngực cho bệnh nhi L.H.N. (5 tuổi, ở Long An). Đây là lần đầu tiên BV Nhi Đồng 1 phẫu thuật nội soi cắt bướu trong lồng ngực cho bệnh nhi và cũng là lần đầu tiên kỹ thuật cao này được thực hiện tại các tỉnh phía Nam.( Sức khoẻ và Đời sống (trang 4) 30/10)

Gửi thảo luận