Trang chủ » Tin tức » Chính trị xã hội » Từ chối chiếc ghế khó lắm thay!

Từ chối chiếc ghế khó lắm thay!

 
Ông nói: Tôi rất vui và tự hào khi được Đảng ủy và ban giám hiệu trường đề cử, Sở GD&ĐT tạo tín nhiệm nhưng tôi không nhận chức hiệu trưởng vì sức khỏe không tốt. Tôi thấy mình tiếp tục giữ chức phó hiệu trưởng phụ trách công tác chuyên môn như hiện nay là vừa sức và hiệu quả hơn.
 
Ông còn phân tích cụ thể hơn: Đứng mũi chịu sào của một trường lớn, trọng điểm của TP với hơn 400 cán bộ, giảng viên, nhân viên và gần 5.500 học sinh, sinh viên, tôi không đủ sức khỏe để “nắm lái”…
 
Thật không dễ từ chối một chức vụ. Ở cái thời mà người ta tranh nhau để thăng quan tiến chức, vị trí lãnh đạo của một đơn vị lại càng hấp dẫn đối với nhiều người. Dân mình xưa nay có câu “Một người làm quan, cả họ được nhờ”. Chức quan dù lớn nhỏ khác nhau, nhưng cứ có chức tước là có bổng lộc, cho nên người ta thích xông vào chốn quan trường và tìm mọi cách có chút chức tước là vì vậy.
 
Thế nhưng, thi thoảng cũng có người tự lượng sức mình, thấy bản thân không đủ khả năng thì nhường chức vụ cho người khác. Lòng tự trọng của cá nhân, nhận thức vì cái chung hơn cái riêng của vị hiệu phó này thật đáng để cho nhiều người suy nghĩ.
 
Trên thực tế có quá nhiều người làm không được việc, cấp dưới xem thường, xã hội chê bai. Thế nhưng họ tìm cách khư khư giữ lấy chiếc ghế của mình, bất chấp mưu kế thủ đoạn. Họ vì lợi mà quên mất liêm sỉ và lòng tự trọng. Người như vậy cho dù có quyền cao chức trọng, giàu sang vô biên cũng không có ý nghĩa gì. Dân gian còn có câu “Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” để nói về những người như thế.
 
Nhiều người trong chúng ta, bản thân là người trong cuộc hay có điều kiện biết rõ những quan chức tham lam, bất tài nhưng vẫn ăn trên ngồi trốc, phá hoại nhiều hơn cống hiến nhưng vẫn không chịu xuống chức, lại còn tìm mọi cách để leo lên cao hơn. Chúng ta có coi thường và khinh khi họ không, chắc chắn là có. Vậy thì có chức vụ mà để cho người khác khinh khi thì có để làm gì?
 
Có không ít người làm hỏng chỗ này lại được đưa sang chỗ khác, đẩy lên những chức vụ ngon lành để tiếp tục đục khoét và phá hoại mà Dương Chí Dũng là một điển hình. Đất nước còn có nhiều ông quan như thế thì khó mà giàu mạnh và phát triển bằng thiên hạ. Ở những chức quan to, không chỉ những người thuộc cấp xem thường, mà cả xã hội miệng tiếng.
 
Lịch sử phong kiến Việt Nam có không ít vị quan tài đức vô song, bản lĩnh và lòng tự trọng cao vời vợi. Chu Văn An dâng “thất trảm sớ” xin vua chém nịnh thần, vua không nghe thì xin cởi ấn từ quan. Nguyễn Trãi cũng một thời xin về ẩn dật ở Côn Sơn, làm thơ sống đời thanh bạch. Còn nhiều tấm gương sáng đẹp như thế.
 
Vậy mà con cháu ít có người noi theo. Tranh giành và tham lam nhiều quá. Có mấy ai tự lượng sức mình để nhận nhiệm vụ và biết nhường địa vị cao hơn cho người khác có tài đức hơn như ông phó hiệu trưởng Đỗ Văn Hùng đã làm.
 
Hy vọng thế hệ quan chức hôm nay ngày càng có nhiều người có nhân cách và bản lĩnh như ông Hùng.
 

Gửi thảo luận