Trang chủ » Tin tức » Y tế » Điểm báo ngày 26/10/2012

Điểm báo ngày 26/10/2012

Gần 500 người khiếm thị được phục hồi chức năng
Sáng 25-10, tại Hà Nội, Hội Người mù Việt Nam và Liên đoàn những người tàn tật thị lực Thụy Điển (SRF) đã tổng kết dự án “Nâng cao kỹ năng sống cho người mù Việt Nam”. Dự án được triển khai từ tháng 11-2011 tại các tỉnh, thành phố: Phú Thọ, Sơn La, Phú Yên, Đồng Tháp, Sóc Trăng và Bình Định. Kết quả có gần 500 người khiến thị được hỗ trợ phục hồi chức năng, dạy chữ Braille, đào tạo nghề và trang bị các kỹ năng sống. Kinh phí thực hiện dự án là 2,61 tỷ đồng, do Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA), Liên đoàn những người tàn tật thị lực Thụy Điển (SRF) tài trợ. (Hà Nội mới 26/10- trang 7)
 
Răng giả nằm trong đường thở… 6 năm
Một hàm răng nhựa giả nằm ở đoạn cuối khí quản của anh L.V.M. (32 tuổi, TP Vũng Tàu) vừa được các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM gắp ra khỏi đường thở của bệnh nhân.
Ngày 25-10, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan – trưởng Trung tâm chăm sóc hô hấp Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM – cho biết đầu tháng 6-2012 anh M. đến khám tại Trung tâm chăm sóc hô hấp vì thường xuyên khò khè, ho khạc đàm nhiều, khó thở, khoảng 2-3 cơn/ngày.
Bệnh nhân từng đến khám và xét nghiệm đàm tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch nhưng không ghi nhận lao. Sau đó, anh M. được chẩn đoán và điều trị như hen suyễn nhưng không giảm.
Khi khám bệnh, bác sĩ thấy phổi của anh M. có ran ngáy, đo hô hấp ký cho thấy tắc nghẽn nặng đường dẫn khí, không đáp ứng với thuốc giãn phế quản… Anh M. được chẩn đoán viêm phế quản phổi. Sau ba tháng điều trị các triệu chứng ho, khó thở, khò khè của anh M. chỉ giảm ít nên bác sĩ chỉ định cho nội soi phế quản, chụp CT scanner và phát hiện có dị vật là hàm răng nhựa giả tại đoạn cuối khí quản – phế quản gốc phải. Ngày 20-10, anh M. tái khám tại Trung tâm chăm sóc hô hấp để được theo dõi sau thủ thuật thì thấy hết hẳn các triệu chứng bệnh, chức năng phổi cải thiện tốt.
Anh M. cho biết sáu năm trước anh bị tai nạn giao thông, vỡ xương hàm, được cấp cứu tại Bệnh viện Bà Rịa – Vũng Tàu. Cũng từ đó thấy mất răng giả, nhưng anh cứ nghĩ do răng giả rơi ra ngoài lúc gặp tai nạn.
Theo PGS Tuyết Lan, với một người bệnh khó thở, khò khè, khi đã loại trừ các nguyên nhân khác, bác sĩ nên nghĩ đến dị vật đường thở bỏ quên. Bệnh nhân cũng cần chú ý những sự kiện nghi ngờ liên quan đến hóc dị vật, tai nạn, hôn mê… và trình bày cho bác sĩ điều trị biết để được chẩn đoán kịp thời, chính xác nguyên nhân bệnh. (Tuổi trẻ 26/10- trang 12)
 
Nữ giới tự tử nhiều hơn nam giới
Nữ giới thường dễ bị sốc do các yếu tố tình cảm, gia đình và dễ bị tổn thương hơn nam giới. Do đó, họ không làm chủ được mình, dẫn đến các hiện tượng tiêu cực như bỏ nhà đi và khi không có lối thoát sẽ tự hủy hoại mình.
Khảo sát trên 75 ca cố ý tự đầu độc, được cấp cứu tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM từ tháng 10-2011 đến tháng 6-2012 có đến 72% các ca tự tử là nữ giới. Dù ở thành thị hay nông thôn, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tự tử là bức xúc gia đình và xã hội.
Những nhận xét này được bác sĩ Trần Lâm Phương cùng các cộng sự ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đưa ra tại hội thảo của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, tổ chức từ ngày 25 đến 27-10.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm trên thế giới có khoảng 1 triệu người chết vì tự tử, tức khoảng 3.000 người chết mỗi ngày. Hiện số vụ tự tử đã tăng 60% so với 50 năm trước. Điều đáng lo ngại là độ tuổi có hành vi tự tử đang trẻ hóa, tập trung chủ yếu ở lứa tuổi 15-25.
Các nhóm nghiên cứu về vấn đề khủng hoảng tâm lý dẫn đến tự tử gần đây còn cảnh báo hiện tượng tự tử tập thể ở VN ngày càng tăng. (Tuổi trẻ 26/10- trang 12)
 
Bác sĩ Trường Sa cứu ngư dân
Đến ngày 25-10, bệnh nhân Chế Văn Tài (18 tuổi, trú Hoài Hải, Hoài Nhơn, Bình Định), ngư dân trên tàu BĐ 95022 ổn định sức khỏe và xuất viện sau khi được các bác sĩ Bệnh xá Trường Sa (huyện Trường Sa, Khánh Hòa) mổ áp xe mắt thành công. Trước đó, ngày 4-10, khi đang theo tàu đánh bắt ở ngư trường Trường Sa Việt Nam, ngư dân Tài tái phát bệnh viêm tuyến lệ mắt, mắt phải bị sưng đau, uống thuốc không đỡ. Ngày 17-10, anh Tài được tàu cá đưa vào cấp cứu tại Bệnh xá Trường Sa. BS Phạm Văn Mừng, Bệnh xá trưởng cho hay: Bệnh nhân được chẩn đoán áp xe vùng mi mắt dưới bên phải, bưng mủ kín mắt. Bệnh xá phẫu thuật, mổ lấy mủ, dùng kháng sinh mạnh để cấp cứu. (Tiền phong 26/10- trang 2)
 
Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn Hà Nội:
Mổ thay khớp gối nhân tạo cho bệnh nhân

Bác sĩ Philip Jacob chuyên khoa về lĩnh vực thay khớp gối, khớp háng nhân tạo của nước Pháp đã hợp tác với khoa Chấn thương chỉnh hình bệnh viện đa khoa Xanh Pôn Hà Nội 30 năm. Mỗi lần sang Việt Nam ông cùng với các bác sĩ của khoa trao đổi kinh nghiệm chuyên môn và trực tiếp mổ thay khớp gối, khớp háng nhân tạo cho nhiều bệnh nhân. 
Trong chuyến sang thăm Việt Nam lần này, ông đã thăm khoa chấn thương chỉnh hình bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, ngày 25-10-2012 ông đã cùng các bác sĩ của khoa tiến hành thay khớp gối nhân tạo chân trái cho bà Nguyễn Thị H, 56 tuổi, ở quận Đống Đa. Bản thân bệnh nhân bị đau hai khớp gối nhiều năm, đã dùng thuốc điều trị xong không đỡ, bệnh càng nặng lên. Di chuyển và co duỗi hai chân bị hạn chế nhất là khớp gối chân trái. Sau hơn 3 giờ ca mổ tiến hành xong. (An ninh Thủ đô 26/10- trang 8)

Gửi thảo luận