Trang chủ » Tin tức » Y tế » Điểm báo ngày 23/10/2012

Điểm báo ngày 23/10/2012

TP.HCM: Gần 1.700 điểm bán thuốc bình ổn giá
Theo Sở Y tế TP.HCM, sau 5 tháng triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn TP.HCM, các doanh nghiệp trong chương trình đã mở rộng thêm 315 nhà thuốc, nâng tổng số điểm bán hàng bình ổn giá thuốc lên 1.698 điểm bán là các nhà thuốc GPP. Các điểm bán đã trang bị băng rôn tại vị trí thuận tiện để người dân dễ nhận biết.
Thuốc bình ổn đã được các doanh nghiệp đưa đến từng điểm bán nhằm phục vụ người tiêu dùng. Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết, Sở đã và đang triển khai chương trình bình ổn thuốc tại các phòng y tế thuộc các địa bàn quận, huyện. Ngoài ra, Sở cũng đã tiến hành kiểm tra công tác cung ứng, tạo nguồn hàng tại các doanh nghiệp cũng như công tác dự trữ, cung ứng thuốc bình ổn tại các nhà thuốc đảm bảo đúng quy định của chương trình (Sức khỏe & Đời sống (trang 2) 23/10).

Nhiều địa phương hỗ trợ người cận nghèo tham gia BHYT
Ngày 22/10, theo thông tin của Vụ Kế hoạch tài chính – Bộ Y tế, đến nay, đã có 47 tỉnh, thành phố được Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt giá dịch vụ y tế mới. 16 địa phương còn lại hiện mới hoàn thành việc xây dựng và thẩm định, do đó sẽ trình Hội đồng nhân dân vào kỳ họp cuối năm nay. Về phía các BV trực thuộc Bộ, hiện đã có 36/38 BV được Bộ Y tế phê duyệt viện phí mới. Tuy nhiên, có một số BV đã giãn tiến độ thực hiện giá viện phí mới sang tháng 11/2012 mới bắt đầu triển khai.
Liên quan đến việc hỗ trợ ngân sách nhà nước cho người dân tham gia BHYT để giúp họ có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh khi giá viện phí điều chỉnh, một số địa phương như Tây Ninh, Kiên Giang, Quảng Nam đã quyết định dùng ngân sách hỗ trợ 30% thẻ BHYT cho người cận nghèo (70% còn lại do TW chi trả); các tỉnh Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau hỗ trợ 20%, người cận nghèo chỉ phải chi 10% mệnh giá thẻ (Sức khỏe & Đời sống (trang 2) 23/10).

9 tháng, hơn 800 trẻ em tử vong do đuối nước
Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo số liệu báo cáo của 56/63 Sở LĐ-TB&XH các tỉnh/TP từ đầu năm đến nay, cả nước có gần 140.000 trẻ em bị tai nạn thương tích các loại, khoảng 1.300 trẻ đã tử vong, trong đó 817 em bị chết đuối. Cũng theo kết quả khảo sát về tai nạn thương tích ở Việt Nam của Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trường Đại học Y tế Công cộng trong vòng 5 năm trở lại đây cho thấy, đuối nước là một trong 5 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2005 – 2009 có khoảng trên 3.500 trẻ em bị chết vì đuối nước, năm 2011 đã giảm xuống còn gần 3.000 em, tuy nhiên vẫn đang ở mức rất cao (Sức khỏe & Đời sống (trang 2) 23/10).      

54% bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì TNGT
Theo thống kê của BV Việt Đức, từ đầu năm đến nay, BV đã tiếp nhận 22.205 bệnh nhân nhập viện cấp cứu, trong số đó có tới 12.070 bệnh nhân bị tai nạn giao thông (TNGT), chiếm 54%. Đáng lưu ý, trong số bệnh nhân bị TNGT nhập viện có 2.815 trường hợp bị chấn thương sọ não, chiếm 23%, trong đó, 700 trường hợp bị chấn thương sọ não được xác định là không đội mũ bảo hiểm, còn lại chủ yếu là người bị tai nạn có đội mũ bảo hiểm nhưng không rõ nguồn gốc. Nguyên nhân chính của tình trạng gia tăng nặng mức độ chấn thương sọ não là do người tham gia giao thông chủ quan, đội mũ bảo hiểm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng… (Sức khỏe & Đời sống (trang 2) 23/10).

Bệnh viêm màng não mô cầu có phòng được không?
Gần đây, bệnh viêm não mô cầu tái phát ở một số địa phương và riêng TPHCM, từ đầu năm đến nay đã có 12 trường hợp mắc, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Viêm não do vi khuẩn não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm và có nguy cơ thành dịch bệnh. Người nào chưa có miễn dịch với vi khuẩn não mô cầu đều có khả năng mắc bệnh. Nếu không phát hiện sớm để điều trị kịp thời có thể dẫn đến bệnh nặng, tử vong. Tuy vậy, bệnh này có thể đề phòng được (Chi tiết xem Sức khỏe & Đời sống) (Sức khỏe & Đời sống (trang 2) 23/10).

Tuần lễ mổ nhân đạo cho trẻ em khuyết tật hàm mặt
Từ ngày 22-27/10/2012, tại Hà Nội, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương, Hội phẫu thuật tạo hình hàm mặt Hàn Quốc phối hợp thực hiện Tuần lễ phẫu thuật nhân đạo cho trẻ em khuyết tật khe hở môi, khe hở vòm miệng. 50 trẻ khuyết tật khe hở môi, khe hở vòm miệng đến từ nhiều địa phương sẽ được mổ tạo hình, khôi phục lại làn môi và vòm miệng; không những được miễn phí phẫu thuật, các cháu còn được hỗ trợ thêm kinh phí.
Đây là lần thứ 9 Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương hợp tác với đoàn phẫu thuật tạo hình Hàn Quốc để mang lại nụ cười hạnh phúc cho những trẻ em không may bị dị tật môi, vòm miệng (Sức khỏe & Đời sống (trang 2) 23/10). 

Trường Trung cấp Y Dược Lê Hữu Trác kỷ niệm 5 năm thành lập
Ngày 20/10/2012, Trường Trung cấp Y Dược Lê Hữu Trác kỷ niệm 5 năm thành lập (17/10/2007-17/10/2012). Đại diện Bộ GD& ĐT, BYT, nhiều vị giáo sư của Trường đại học Y, Trường đại học Dược và các BV Trung ương và HN đến dự. (Chi tiết xem báo Sức khỏe & Đời sống) (Sức khỏe & Đời sống (trang 2) 23/10).
Giao ban trực tuyến về tăng cường công tác phòng chống bệnh dịch năm 2012 và Kế hoạch năm 2013: Quyết liệt phòng chống dịch bệnh nguy hiểm
Chỉ đạo tại Hội nghị giao ban trực tuyến "Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh năm 2012 và Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2013" ngày 20/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các bộ, ngành, đoàn thể và 63 tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình cụ thể tại địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt và ưu tiên kinh phí, nguồn lực phòng chống bốn loại dịch bệnh là bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm gia cầm và bệnh dại.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm luôn là mối quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước. Thời gian qua, lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ đã trực tiếp phát động các chiến dịch “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”, “rửa tay bằng xà phòng”, “thực hiện ba sạch: ăn sạch, ở sạch và đồ chơi của trẻ sạch”…
Đánh giá về tình hình các bệnh truyền nhiễm gây dịch và các giải pháp phòng chống, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong 10 năm qua, Việt Nam đã giữ vững được các thành quả loại trừ được bệnh bại liệt, uốn ván sơ sinh, tỉ lệ mắc và tử vong do các bệnh có thể dự phòng bằng vắc xin giảm dần bền vững. Tuy nhiên, tình hình một số bệnh dịch hiện nay vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, với hàng trăm ngàn ca mắc tập trung chủ yếu ở trẻ em ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và đời sống kinh tế-xã hội.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 4 ca mắc cúm A/H5N1, trong đó có 2 ca tử vong. Trong 9 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp cũng đã ghi nhận dịch cúm trên gia cầm tại 24 tỉnh, thành phố và nguy cơ lây lan sang người là rất lớn. Cùng với cúm A/H5N1, một bệnh mới nổi khác có tỉ lệ tử vong cao là viêm đường hô hấp cấp tính nặng do chủng mới của virút corona cũng được đánh giá là có nguy cơ tiềm ẩn gây ra đại dịch.
Dịch tay chân miệng trong 9 tháng đầu năm cũng đã ghi nhận hơn 103.000 ca mắc trong cả nước, trong đó 41 ca tử vong tại 15 tỉnh, thành phố. So với cùng kỳ năm 2011, số mắc tăng đến 81,5%, tuy nhiên số tử vong đã giảm 175,6%, tỉ lệ chết/mắc cũng giảm đến 4 lần. Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Cạn, Đà Nẵng, Hải Phòng, Yên Bái, Đồng Tháp, Đồng Nai… là những tỉnh có lệ mắc/ 100.000 dân cao nhất.
Trong số những bệnh tái nổi những năm gần đây, sốt xuất huyết là đáng lưu ý nhất và có xu hướng gia tăng, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam và miền Trung. Tính riêng 9 tháng đầu năm, số ca mắc SXH đã tăng 20,5%, tử vong tăng 10 trường hợp so với cùng kỳ năm 2011. Riêng tại tỉnh An Giang, theo báo cáo của BS Từ Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Y tế, hiện số mắc SXH ở địa phương này đã tăng 1,4 lần so với cùng kỳ và khó khống chế được từ nay đến cuối năm do đang là mùa mưa.
Đặc biệt tình hình chó dại cắn lây bệnh dại cho người đang bùng phát tại một số tỉnh phía Bắc, từ đầu năm cả nước đã ghi nhận 74 ca tử vong do chó dại cắn tại 21 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu tại tỉnh các tỉnh phía Bắc với 60 ca. Dẫn đầu là tỉnh Sơn La với 17 ca, Phú Thọ 12 ca, Yên Bái 9 ca và Hà Giang có 8 ca tử vong. Trong 8 tháng đầu năm đã có hơn 200.000 trường hợp đi tiêm phòng vắc xin dại…
Ngoài ra, một số bệnh dịch khác như tả, sởi, sốt rét, viêm não virút, viêm màng não do não mô cầu… mặc dù không ghi nhận trường hợp mắc hoặc số mắc giảm nhưng vẫn có nhiều nguy cơ quay trở lại lưu hành trong cộng đồng.
Nhận định về khả năng xuất hiện và bùng phát các bệnh truyền nhiễm gây dịch, lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh đến các yếu tố như: sự biến đổi của các tác nhân gây bệnh, sự miễn dịch của cộng đồng, sự di dân và các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường. Điển hình của sự biến đổi virút ghi nhận trong thời gian qua như: corona gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng, ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc… Các bệnh lây truyền từ động vật sang người như: cúm gia cầm, dại, liên cầu lợn… cũng đang có xu hướng gia tăng trong khi việc giải quyết các mầm bệnh trên động vật nuôi vẫn còn nhiều bất cập. Nhận thức của người dân còn hạn chế và chưa tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại cộng đồng, đặc biệt là thói quen vệ sinh cá nhân, VSATTP chưa tốt đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh mới phát sinh, cũng như các dịch bệnh đã được khống chế nay xuất hiện trở lại. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa có sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền cũng như sự ưu tiên kinh phí cũng khiến cho công tác phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn.
Để đạt mục tiêu giảm tỉ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm những tháng cuối năm và trong năm 2013, Bộ Y tế kiến nghị với Chính phủ thành lập Ủy ban quốc gia phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi, trong đó Bộ Y tế là thường trực, có sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan. Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch tập trung vào các dịch bệnh: tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm A/H1N1, cúm A/H5N1, rubella, tả, sốt rét, bệnh dại, các bệnh thuộc chương trình TCMR và một số bệnh lây truyền từ động vật sang người. Ngoài các biện pháp về giảm số mắc và tử vong, tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe… Bộ Y tế cũng kiến nghị với Quốc hội tăng chi ngân sách hàng năm cho y tế và đảm bảo 30% ngân sách y tế dành cho y tế dự phòng. Cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ để đầu tư, hỗ trợ phát triển hệ thống y tế dự phòng các tuyến, đặc biệt là tuyến huyện.
Kết luận và chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, các địa phương và các bộ, ngành cần tập trung nguồn lực, chủ động ngăn chặn và làm quyết liệt thì dịch khó xảy ra rộng, đừng để dịch bùng phát rồi mới làm. Đặc biệt chú trọng phòng chống 4 loại bệnh dịch chủ yếu là: cúm gia cầm, tay chân miệng, sốt xuất huyết và bệnh dại.
Phó Thủ tướng yêu cầu từ nay đến cuối năm, Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành tổng kiểm tra trong toàn quốc để xếp hạng và đánh giá về nguy cơ bệnh dịch và công tác sẵn sàng ứng phó ở từng địa phương theo tiêu chí rõ ràng. Cụ thể như kiểm tra 5 việc cần làm: rửa tay bằng xà phòng, ăn chín, uống sôi, ngủ màn và diệt lăng quăng; kiểm tra 3 công trình (nhà tắm, nhà vệ sinh, giếng nước) và đảm bảo 3 sạch ở trẻ em: ăn sạch, uống sạch, đồ chơi sạch…
Đối với việc giảm tình hình chó dại cắn người, Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT cần phối hợp giao ban cụ thể giữa hai Bộ và từng địa phương việc tiêm phòng cho đàn chó có nguy cơ cao ở vùng lưu hành virút dại; tăng cường nguồn lực vắc xin tiêm phòng cho người và gia súc, gia cầm.
Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT cùng các địa phương tăng cường kiểm tra tình hình gia cầm nhập lậu, gia cầm không rõ nguồn gốc; Bộ Y tế tập trung xây dựng đề án về tăng cường năng lực cho hệ thống y tế dự phòng; quy hoạch phát triển hệ thống y tế; chiến lược phòng chống bệnh truyền nhiễm, chiến lược quốc gia về y tế dự phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trình Chính phủ phê duyệt.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn chi và định mức chi cho công tác phòng chống dịch phù hợp với đặc thù nghề nghiệp và thực tế theo định mức Quốc hội quy định chi 30% ngân sách cho y tế dự phòng theo Nghị quyết của Quốc hội. Bộ Thông tin – Truyền thông chủ động xây dựng Đề cương kế hoạch tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, tập trung vào các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, khu vực vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số (Sức khỏe & Đời sống (trang 3) 23/10).

Thanh tra Bệnh viện Răng hàm mặt TP.HCM
Ngày 22-10, Sở Y tế TP.HCM bắt đầu thực hiện quyết định về việc thanh tra hoạt động tổ chức Bệnh viện Răng hàm mặt TP.HCM.
Theo quyết định, đoàn thanh tra sẽ thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động tổ chức cán bộ như công tác tuyển dụng nhân sự, đi công tác, du lịch nước ngoài, đào tạo học tập, cán bộ kiêm nhiệm nhiều chức danh, mua bằng cấp chuyên tu, tại chức; thanh tra việc thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật trong mua sắm trang bị cơ sở vật chất tại bệnh viện trong thời gian từ ngày 1-1-2011 đến 31-8-2012 (Tuổi trẻ (trang 2) 23/10).

Viện phí tăng chất lượng…?
Tôi đến khoa Khám nội A1, BVĐK Xanh pôn Hà Nội khi đã gần hết giờ làm việc buổi sáng, nhưng hàng chục bệnh nhân vẫn còn đứng, ngồi la liệt đợi đến lượt vào kê đơn. Dù đến thời điểm này, BVĐK Xanh Pon chưa tăng giá viện phí nhưng với mật độ khá cao điểm có thể lên tới 200 người/bác sỹ/ngày, liệu chất lượng KCB có “bước tiến” nào không nếu chỉ trông chờ vào việc tăng viện phí? (Chi tiết xem Hà Nội mới cuối tuần (trang 4) 27/10) (Hà Nội mới cuối tuần (trang 4) 27/10).

Giá khám, chữa bệnh sẽ tăng theo 2 giai đoạn
Chính phủ vừa ban hành  về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập.
Theo đó, việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo lộ trình với 3 giai đoạn.

Năm 2012- 2013, giá các dịch vụ được tính trên cơ sở các chi phí trực tiếp như hiện nay. Giai đoạn 2014 – 2017, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được tính trên cơ sở các khoản chi phí nêu trên, đồng thời tính cả chi phí về tiền lương; chi phí nhân công thuê ngoài (nếu có); khấu hao tài sản cố định; chi phí gián tiếp, các chi phí hợp pháp khác để vận hành, bảo đảm hoạt động bình thường của bệnh viện. Từ năm 2018 trở đi, giá được tính đủ các chi phí để thực hiện dịch vụ, bao gồm cả chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp (Lao động (trang 6) 23/10).

Gửi thảo luận