Trang chủ » Tin tức » Y tế » Điểm báo ngày 19/10/2012

Điểm báo ngày 19/10/2012

GS Mỹ nhận kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân"
Ngày 18-10, giáo sư Gary Heit, giám đốc Hiệp hội Ngoại thần kinh quốc tế Hoa Kỳ, đã được trao tặng kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" của Bộ Y tế VN.
Giáo sư Gary Heit là một trong những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực phẫu thuật thần kinh của Hoa Kỳ. Ông đã có tám năm hợp tác, giảng dạy và cống hiến trong lĩnh vực ngoại thần kinh cho Trường đại học Y dược Huế, nhiều lần trực tiếp phẫu thuật sọ não, đồng thời hỗ trợ nhiều thiết bị dụng cụ y tế với giá trị hơn 200.000 USD cho trường.
Theo giáo sư Cao Ngọc Thành – hiệu trưởng Trường đại học Y dược Huế, giáo sư Gary Heit có những cống hiến mang lại hiệu quả rất lớn trong lĩnh vực thần kinh sọ não, đồng thời giúp đào tạo nguồn nhân lực y tế trình độ cao cho trường. Với những đóng góp to lớn đó, ĐH Huế cũng đã trao tặng danh hiệu giáo sư danh dự cho giáo sư Gary Heit. (Tuổi trẻ 19/10 (trang 2))
Dự kiến đưa phụ cấp trực vào viện phí
Năm 2013, giá dịch vụ y tế, ngoài chi phí thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, tiền điện nước, vệ sinh môi trường trực tiếp thực hiện dịch vụ, duy tu, bảo dưỡng thiết bị, sẽ được cơ cấu thêm chi phí chi trả phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật.
Thông tin từ dự thảo nghị định cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của bệnh viện công lập, dự toán ngân sách 2013 vừa được Bộ Y tế công bố, cho biết.
Theo dự thảo này, Bộ Y tế dự kiến việc điều chỉnh đưa phụ cấp vào viện phí sẽ được tiến hành vào sáu tháng cuối năm 2013.
Từ năm 2014-2015, viện phí sẽ bao gồm 30% quỹ lương cơ bản với bệnh viện miền núi, 50% quỹ lương với bệnh viện trung ương và tuyến tỉnh. Giai đoạn sau đó sẽ cơ cấu tới 50-100% lương vào viện phí. (Tuổi trẻ 19/10 (trang 4))
Chỉ được tăng giá khám, chữa bệnh trong 3 trường hợp
Theo Nghị định số 85 Chính phủ vừa ban hành, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được xem xét điều chỉnh trong 3 trường hợp: cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi định mức kinh tế kỹ thuật dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Nhà nước thay đổi về cơ chế, chính sách tiền lương; khi có biến động giá của các yếu tố đầu vào.
Nghị định cũng nêu rõ, năm 2013, giá các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được tính trên cơ sở 4 nhóm chi phí trực tiếp, gồm: tiền thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế để thực hiện dịch vụ (bao gồm cả chi phí bảo quản, hao hụt theo định mức được cơ quan có thẩm quyền quy định); tiền điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường trực tiếp để thực hiện dịch vụ; duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ; chi phí trả phụ cấp thường trực, chi phí chi trả phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật.
Ngoài ra, nghị định nghiêm cấm các cơ sở y tế, công chức, viên chức y tế thu thêm của người bệnh ngoài mức giá đã được cơ quan có thẩm quyền quy định, chỉ định các kỹ thuật y tế không đúng với hướng dẫn quy trình kỹ thuật và hướng dẫn điều trị…(Tiền phong, Thanh niên 19/10 (trang 2))
Ðầu tư cho y tế biển, đảo
Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển, từ chiều dài bờ biển đến chiều rộng của vùng biển. Cả nước hiện có 28 tỉnh, thành phố ven biển  và có hàng triệu người đang làm việc trong các lĩnh vực trực tiếp liên quan  kinh tế biển, đảo. Cụ thể hóa lợi thế đó, Việt Nam đã xác định hướng ra biển, phát triển kinh tế biển, làm giàu cho đất nước. Tuy nhiên, để góp phần thực hiện mục tiêu đề ra, từng lĩnh vực cần có những giải pháp cụ thể, mà trước tiên cần ưu tiên phát triển mạng lưới y tế biển, đảo.
Hiện nay, mạng lưới y tế khu vực này nhiều hạn chế, các dịch vụ y tế (kỹ thuật cao, chuyên khoa) chưa bao phủ hết đối với quân và dân đang sinh sống, làm việc trên biển, đảo. Lực lượng cán bộ y tế thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn, nhất là cán bộ y tế chuyên khoa. Trang thiết bị y tế cũng thiếu về số lượng, chủng loại và cơ cấu chưa hợp lý; phương tiện vận chuyển người bệnh lại chưa có cho nên, người dân chưa yên tâm định cư và bám biển, bám đảo. Cho đến nay, chúng ta chưa có mô hình tổ chức mạng lưới y tế biển, đảo đặc thù phù hợp điều kiện tự nhiên, điều kiện phân bố dân cư và điều kiện xã hội trên tuyến biển, đảo.
Do đó, nhu cầu về phát triển y tế biển, đảo là rất lớn, trở thành nhu cầu cấp bách cần được quan tâm thỏa đáng vừa bảo đảm việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và lực lượng vũ trang trên biển, vừa góp phần quan trọng  bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong điều kiện nước ta hiện nay, mô hình thích hợp về tổ chức và hoạt động của mạng lưới y tế biển, đảo là kết hợp quân dân y và các lực lượng khác. Việc phát triển mạng lưới y tế biển, đảo cần được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp và các bộ, ngành liên quan ưu tiên đầu tư. Tập trung xây dựng và củng cố các cơ sở y tế tại các cảng biển, các trung tâm hậu cần nghề cá, cảng cá, nhất là các trung tâm cấp cứu biển và các cơ sở chuyên ngành y học biển tại các khu vực trọng điểm ven biển. Ðẩy nhanh việc thành lập các trung tâm y học biển khu vực và các tỉnh, thành phố ven biển, từng bước đáp ứng yêu cầu phục vụ Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
 Sớm thành lập trung tâm điều hành cấp cứu trên biển đồng thời tổ chức các đơn vị, cán bộ chuyên trách để giải quyết công việc thường xuyên và các tình huống khẩn cấp. Tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành giữa các lực lượng y tế trên biển cũng như các huyện đảo. Có chính sách đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở khám, chữa bệnh, với đầy đủ trang thiết bị y tế từ bệnh viện vùng đến bệnh viện huyện đảo, trạm y tế xã đảo để đủ khả năng cấp cứu, khám, chữa bệnh kịp thời cho quân và dân trên biển. Trong đó ưu tiên phát triển một số chuyên khoa cấp cứu, điều trị các bệnh đặc thù biển, đảo. Thành lập và tổ chức tốt mạng lưới và phương tiện vận chuyển, cấp cứu để ứng phó kịp thời các tình huống cấp cứu, vận chuyển người bệnh từ biển, đảo về đất liền hoặc đưa các tổ chuyên khoa tăng cường  đến cứu, chữa tại đảo, cơ sở kinh tế trên biển.
Ði liền với đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, cần đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho y tế biển, đảo vừa có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, vừa có năng lực, sức khỏe tổ chức thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân trong điều kiện khó khăn, khắc nghiệt của biển, đảo. Ðồng thời xây dựng các giải pháp cụ thể về bảo vệ môi trường biển, đảo; xử lý các chất thải nhằm bảo vệ sức khỏe, giảm tỷ lệ mắc bệnh và nâng cao chất lượng sức khỏe cho cộng đồng cư dân sống, làm việc trên biển, đảo…
Phát triển được mạng lưới y tế biển, đảo sẽ đáp ứng nhiệm vụ phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế biển và bảo đảm an ninh – quốc phòng trong thời kỳ mới. (Nhân dân 19/10 (trang 1))
Thuê chuyên cơ chở trang thiết bị tặng BV Bạch Mai
Sáng 17.10, GS Carl Edwin Bartecchi, ĐH Colorado (Mỹ) đã thuê riêng một chuyên cơ chở toàn bộ hơn 42 tấn hàng hóa là trang thiết bị y tế đến VN, tặng BV Bạch Mai.
Các trang thiết bị gồm có giường bệnh nhân, máy thở, siêu âm…trị giá 1 triệu USD  đã được GS Bartecchi cùng nhiều chuyên gia của tổ chức y tế Saint Anthony (Mỹ) quyên góp.
GS Bartecchi, hiện đã gần 80 tuổi, đã có 15 năm cộng tác với các chuyên gia y tế VN. Món quà này với GS như một mong muốn xoa dịu phần nào mất mát BV Bạch Mai đã phải gánh chịu sau 40 năm bị bom Mỹ hủy diệt trong chiến tranh năm 1972.
Trong trận chiến Điện Biên Phủ trên không tháng 12.1972, BV đã 3 lần bị ném bom. (Tiền phong, Lao động 19/10 (trang Hà Nội))
Thái Bình: Đình chỉ phòng khám Y Cao vì cấp khống giấy chứng nhận sức khỏe
Chiều 18/10, ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình, cho biết, Sở đã tạm đình chỉ hoạt động đối với Phòng khám đa khoa Y Cao (số 5 Lý Bôn, TP.Thái Bình) vì phòng khám này bị bắt quả tang cấp khống giấy chứng nhận sức khỏe.
Trước đó, ngày 9/10, tại Phòng khám đa khoa Y Cao, Phòng Cảnh sát kinh tế (CA tỉnh Thái Bình) đã bắt quả tang bác sĩ Tô Thị Thanh Dung và y tá Nguyễn Thị Nga cấp 6 giấy chứng nhận sức khỏe cho 6 người, nhưng những người này đều không có mặt để khám sức khỏe. Những giấy chứng nhận này do Lại Xuân Bến (SN 1954, trú phường Kỳ Bá, làm xe ôm) đưa đến. Ông Bến thừa nhận, ông thu gom giấy chứng nhận sức khỏe hoặc lấy họ tên, tuổi, địa chỉ của những người có nhu cầu cấp giấy chứng nhận sức khỏe rồi mang đến phòng khám.
6 giấy chứng nhận sức khỏe này đều có chữ ký của bà Dung (với chức danh phó phòng khám) và chữ ký có đóng dấu của ông Hà Văn Luận – PGĐ Cty cổ phần phát triển khoa học kỹ thuật Y Cao. Bác sỹ Dung và y tá Nga cho biết, phòng khám thu 40.000 đồng/giấy đối với người làm nhiều (giấy chứng nhận); còn đối với người làm ít, không quen biết thì thu 60.000 đồng/giấy. Họ cũng thừa nhận, phòng khám vẫn cấp giấy cho người có nhu cầu nhưng không cần phải có mặt là theo chỉ đạo của giám đốc Cty Phạm Văn Dương và phó giám đốc Hà Văn Luận.
Qua thống kê từ tài liệu thu thập được, từ tháng 1/2012 đến tháng 8/2012, số tiền Cty thu qua công tác khám sức khỏe tại phòng khám là khoảng 300 triệu đồng. Ông Phạm Văn Dịu khẳng định, Phòng khám đa khoa Y Cao sẽ không được tiếp tục khám sức khỏe.(Lao động 19/10 (trang 2))
Đà Nẵng: Hơn 1.500 người nhiễm HIV
Chi cục Phòng chống TNXH (Sở LĐTB&XH Đà Nẵng) vừa phối hợp với trường Hermann Gmeiner tổ chức tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và 500 học sinh THPT Đà Nẵng.
Đà Nẵng hiện có 56/56 xã, phường có người nhiễm HIV, đến tháng 8-2012 đã có hơn 1.500 trường hợp nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS là 665 người và 393 ca tử vong do AIDS. (Tiền phong 19/10 (trang 2))
Tay chân miệng, tiêu chảy cấp vào mùa
Những ngày gần đây, số trẻ nhập viện do bị tiêu chảy cấp, tay chân miệng tại BV Nhi TƯ và các khoa nhi đang tăng nhanh. Riêng bệnh TCM chiếm 5- 10% tổng số bệnh nhân đến khám…
Mất nước nặng, kéo dài bệnh
Tại BV Nhi TƯ, rất nhiều trẻ bị TCC vào khám, trong đó có nhiều trẻ bị mất nước nặng. Ngồi trước cửa phòng khám, anh Nguyễn Văn Hoài (đến từ Vĩnh Phúc) cho biết: Thấy con bị tiêu chảy, vợ anh đã mua nước ép trái cây và nước ngọt cho con uống bù nước. Nhưng cháu tiêu chảy nhiều hơn, phân xanh có nhầy, nôn ói, bé nằm li bì.
Ôm con trên tay, chị Trần Thị Hương ở Yên Mỹ (Hưng Yên) cho biết, ba ngày nay con trai 9 tháng tuổi của chị cứ ăn uống vào là nôn, thỉnh thoảng sốt, tiêu chảy liên tục, quấy khóc nhiều. Thấy con sút cân nhanh, người lả đi vì mệt, gia đình vội đưa lên BV Nhi TƯ. Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị tiêu chảy do virus, hay còn gọi là bệnh tiêu chảy mùa đông.
BS Bạch Thị Ly Na (Khoa Khám bệnh, BV Nhi TƯ) cho biết, từ đầu tháng 10 số trẻ nhập viện do TCC tăng so với những tháng trước. Các triệu chứng thường gặp là nôn, sốt cao, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần trong ngày. Mỗi ngày bệnh viện khám khoảng 100 cháu thì 30% trong số đó là bị TCC. Nhiều cháu bị mất nước nặng, tiêu chảy kéo dài.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), từ đầu tháng 10 trở lại đây, mỗi ngày khoa tiếp nhận trung bình 10 trẻ bị TCC phải vào viện khám, nhiều hôm có 3 – 4 cháu nhập viện truyền dịch vì mất nước quá nhiều, chủ yếu trẻ dưới 2 tuổi. “Thời tiết chuyển mùa, nóng lạnh thất thường làm virus gây bệnh phát triển nhanh. Trẻ em có sức đề kháng yếu, nhiễm lạnh, ăn uống không hợp vệ sinh là điều kiện để virus này phát triển”, TS Dũng nói.
“TCC là bệnh nhiễm khuẩn dạ dày ruột cấp do virus rota gây nên. Khi bị bệnh thường có biểu hiện sốt nhẹ, hơi mệt, nôn, tiêu chảy, ở trẻ em có quấy khóc… Trẻ đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, màu vàng chanh hoặc trắng lẫn dịch nhầy, có khi như màu hoa cà, hoa cải. Ngoài ra, trẻ có thể ho, sốt nên nhiều cha mẹ dễ nhầm với viêm đường hô hấp, viêm mũi họng. Bệnh thường kéo dài 3-7 ngày”, BS Ly Na cho biết.
Bệnh tay chân miệng tăng cao
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, từ đầu năm đến nay Thủ đô ghi nhận hơn 3.500 trẻ mắc bệnh TCM, trong khi cùng kỳ năm ngoái có 579 ca. Con số này có thể còn tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm.
BS Cấn Phú Nhuận, Trưởng phòng Khám, BV Nhi TƯ cho biết, bệnh TCM là bệnh do virus EV đường ruột, lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi họng, nước bọt, dịch nốt phỏng, phân của người nhiễm virus. “Virus EV có mấy chục tuyp, chỉ có tuyp EV71 là thực sự nguy hiểm. EV71 cũng có chung triệu chứng với bệnh TCM thông thường như biến chứng nặng, gây viêm não, viêm phổi, tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời”, BS Nhuận nói.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, để phòng bệnh TCM, người dân cần thực hiện tốt khẩu hiệu “3 sạch”, đó là ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay và đồ chơi sạch.
Chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, tiếp xúc với phân, nước bọt của người bệnh), rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà, lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường. Khi trẻ bị bệnh cần cách ly 10 ngày.

Gửi thảo luận