Có ý kiến cho rằng, tham nhũng còn đe dọa và nguy hiểm đối với đất nước hơn cả giặc ngoại xâm. Bởi vì từ xưa đến nay, giặc nào ta cũng thắng nhưng hiện nay giặc tham nhũng vẫn cứ ngang nhiên tồn tại trên đất nước này.
Chủ tịch Trương Tấn Sang chia sẻ với sự bức xúc của các cử tri. Ông cho rằng, dù rất đau lòng nhưng cũng phải thừa nhận tham nhũng rất nghiêm trọng. Ông dẫn chứng: “Việt Nam xây 1 km cầu đường phải đầu tư gấp đôi các nước khác. Trong đó, chắc chắn có yếu tố tham nhũng”.
Một cử tri phát biểu: “Chủ tịch Nước từng nói đừng để có lỗi với tiền nhân, nhưng không phải là có lỗi, mà là có tội với tiền nhân”. Có rất nhiều ý kiến phê phán mạnh mẽ tệ nạn tham nhũng và mong muốn Đảng, Nhà nước phải dẹp cho bằng được thì mới yên lòng dân, giữ được nước. Người dân lên án tham nhũng như vậy chứng tỏ lòng dân chưa thật sự tin vào hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian qua.
Ai cũng biết tham nhũng không chỉ là tiền bạc, của cải quốc gia bị rơi vào túi quan tham, mà còn có những thiệt hại khác đổ xuống đầu người dân. Ngân sách quốc gia bị cạn kiệt thì lấy tiền đâu để xây trường học, bệnh viện, lấy tiền đâu để xây dựng đường xá, công trình phục vụ phát triển kinh tế và nhu cầu dân sinh.
Mới đây, Bộ Tài chính thông báo có khả năng sẽ không tăng lương theo lộ trình năm 2013 vì không đủ nguồn vốn bố trí. Vậy là người lao động nghèo làm công ăn lương lại khó khăn hơn. Đó không phải là hậu quả của tham nhũng hay sao?
Tham nhũng còn đáng sợ hơn nữa, bởi vì nó phá hoại giềng mối đạo đức xã hội, làm mất niềm tin của dân chúng vào chính quyền.
Chủ tịch Trương Tấn Sang kêu gọi dân mạnh dạn tố cáo tham nhũng: “Chúng tôi có 14 đồng chí trong Bộ Chính trị là có 28 con mắt, nhưng toàn dân có gần 90 triệu người, tức là có gần 180 triệu con mắt thì người dân thông minh hơn nhiều và có thể nhìn thấy mọi điều, mọi nơi, mọi chỗ”.
Đúng vậy, nhân dân thông minh và công minh. Cho dù chưa có nhiều quan tham bị lôi ra ánh sáng nhưng dân biết rõ ai liêm chính, ai thoái hóa. Làm sao qua được trí tuệ của nhân dân, làm sao đánh lừa được niềm tin của nhân dân.
Từ xưa, dân nước mình đã có tập quán lập đền thờ để thờ cúng những văn quan, võ tướng tài đức, biết yêu dân, thương nước. Ngược lại, những quan tham lam vô đức vô năng thì không có chỗ trong lòng dân.
Bản án của tòa án còn có hạn định nhưng bản án trong lòng dân thì muôn đời lưu truyền, phải không các bạn?
Trang chủ » Tin tức » Chính trị xã hội » Bản án trong lòng dân