Cây thân cỏ, sống nhiều năm. Thân hình trụ, phía dưới mang nhiều rễ phụ, phía trên mang nhiều lá. Lá cứng, hình dải thẳng, dài 15 – 50cm, rộng 1 – 2, 5cm, có rãnh khía, mép lá hơi nháp. Ở kẽ mỗi lá phía gốc có một chồi nhỏ, sau phát triển thành một ánh Tỏi, một Tép tỏi; các Tép tỏi nằm chung trong một cái bao do các bẹ lá trước tạo ra thành một củ Tỏi tức là thân – hành hay giò, ở dưới đất. Cụm hoa là một tán trên một cán hoa dài 55cm hay hơn. Bao hoa màu trắng hay hồng, bao bởi một cái mo dễ rụng, tận cùng thành mũi nhọn dài.
Ở Việt Nam Tỏi được trồng nhiều ở Quảng Ngãi, Hà Bắc, Hải Hưng. Phơi khô dùng dần làm gia vị.
Giò tỏi chứa các fructosan và các glucfructosan. Nó có mùi mạnh, đặc sắc. Khi cất cho tinh dầu có lưu huỳnh: đó là một hỗn hợp disulfua allyl, allyl – propyl, vinyl, một axit amin đặc biệt alliin, allicin. Tinh dầu chiếm 0,25 – 0,30% dược liệu tươi. Allicin là một kháng khuẩn, 1mg tương ứng với 15 đơn vị penixilin, tác dụng trên vi khuẩn Gram dương hay Gram âm.
Đến tháng 5 – 6 thì lá khô, lụi, lúc ấy củ đã già. Người ta đào về giũ sạch đất, phơi khô, buộc lại thành túm, treo lên gác bếp xông khói để làm giống.
Tỏi có tác dụng trị:
– Cảm mạo, cảm cúm: Ăn Tỏi và chế nước Tỏi nhỏ mũi. Mỗi lần dùng 1 – 2g Tỏi tươi.
– Lỵ amip, lỵ trực khuẩn: Ngày dùng 4 – 6g Tỏi sắc uống, hoặc giã 10g Tỏi ngâm vào 100ml nước nguội trong 2 giờ, lọc bỏ bã, lấy nước thụt vào hậu môn, giữ lại độ 15 phút. Thụt mỗi ngày 1 lần. Đồng thời ăn mỗi ngày 6g Tỏi sống chia làm 3 lần. Điều trị 5 – 7 ngày thì có kết quả.
– Viêm ruột, ăn uống không tiêu, chữa đầy bụng, đại tiểu tiện không thông: Giã Tỏi rịt vào rốn (cách ly bằng lá Lốt hay Trầu hơ héo), đồng thời lấy Tỏi giã giập, bọc băng lại, nhét vào hậu môn.
– Mụn nhọt, đơn sưng, ung nhọt, áp-xe viêm tấy: Giã giập Tỏi đắp 15 – 20 phút, không để lâu, dễ bị bỏng da. Có thể trộn với ít Dầu vừng mà đắp.
– Trị giun kim, giun móc: Thường xuyên ăn Tỏi sống hoặc dùng nước Tỏi (5 – 10%) 100ml thụt vào hậu môn.
– Trị trùng roi, âm đạo lở ngứa: Tỏi 120g giã nhỏ, ngâm vào 2 lít nước mà rửa và thụt vào âm đạo.
– Chữa sốt rét do khí độc rừng núi: Tỏi 6 – 7 củ để sống một nửa, nướng chín một nửa ăn cho hết. Nôn hoặc đại tiện thông thì khỏi.
– Chữa sốt truyền nhiễm, nhức đầu gai rét: Tỏi giã vắt lấy nước cốt 10ml, uống. Ngoài dùng Tỏi hoặc bông nút mũi để chống lây.
Theo Tây y: Tỏi có tác dụng giảm cholesterol huyết áp, lợi niệu, kích thích hệ miễn dịch. Ngoài ra Tỏi còn có tác dụng kháng sinh mạnh đối với một số loại vi khuẩn: Staphylococcus, thương hàn, phó thương hàn, lỵ, vi trùng tả, trực khuẩn sinh bệnh bạch hầu, vi khuẩn thối.
Ăn tỏi rất có lợi cho sức khoẻ nhất là cho những người bị lao phổi, AIDS – HIV, phối hợp với các phương pháp điều trị khác. Tuy nhiên, nếu nấu chín, Tỏi sẽ giảm hoặc mất tác dụng chữa bệnh. Tỏi cần đập giập, giã nát trước khi sử dụng để giải phóng các chất trong Tỏi.
Người ta đặt cho Tỏi những biệt hiệu: thần dược, thuốc bách bệnh, được dùng làm thuốc từ lâu đời. Trong lịch sử Y học người ta cũng đã đề cập nhiều đến giá trị của Tỏi. Các nhà khoa học Mỹ đã tìm thấy chất pristaglandin trong nước Tỏi, có khả năng hạn chế bệnh nhồi máu cơ tim, chống lão hoá. Họ cũng chứng minh khả năng hạ huyết áp và làm mềm các thành mạch máu chống vữa xơ động mạch của Tỏi. Những người mắc bệnh cao huyết áp nên ăn mỗi ngày 2 – 3 ánh Tỏi để làm giãn các mạch máu, tránh được chứng nhức đầu, mất ngủ. Rượu Tỏi (1 phần Tỏi trong 5 phần rượu 60o) là kinh nghiệm lâu đời của nhân dân ta chữa huyết áp.
Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã chứng minh Tỏi là chất phòng ngừa trạng thái ung thư bằng cách cấy ghép vào súc vật những tế bào ung thư đã được ngâm trong cao Tỏi với nồng độ tăng dần và nhận thấy ở liều mạnh, các tế bào này cũng không tạo thành u.
Tỏi còn là thuốc chữa bệnh đái đường do điều hoà lượng glucoza trong máu, rất tốt trong việc chống béo phì.
Trang chủ » Kho thuốc nhân loại » Cây hay thuốc quý » Những điều thần kỳ từ tỏi