Trang chủ » Tin tức » Chính trị xã hội » Quyền lực và quyền hạn của hiệp sĩ ở đâu?

Quyền lực và quyền hạn của hiệp sĩ ở đâu?

Xã hội tôn vinh các gương hiệp sĩ bắt cướp. Điển hình như hiệp sĩ Nguyễn Văn Minh Tiến, đã được không chỉ người dân mà chính quyền tôn vinh. Vừa qua, khi anh Tiến gặp khó khăn trong việc mua nhà, nhiều cá nhân, tổ chức sẵn lòng ủng hộ và anh Tiến đã có đủ tiền để mua căn nhà mà anh mơ ước. Công lao của anh Tiến không nhỏ, cộng đồng ghi nhận và bày tỏ sự biết ơn đối với anh.

 
Các hiệp sĩ ở Bình Dương cũng vậy. Các anh từng được tuyên dương, khen thưởng vì đã có công bắt nhiều vụ cướp. Nhờ sự có mặt của các anh nên bọn cướp cũng có phần sợ hãi, xã hội bớt đi những bất an, hạn chế ít nhiều các vụ cướp giật tài sản.
 
Tuy nhiên, trên thực tế đã xảy nhiều vụ việc buộc phải có sự đánh giá, điều chỉnh để mô hình hiệp sĩ được hoàn thiện hơn về mặt pháp lý, đồng thời bảo đảm an toàn tính mạng cho những những người tham gia. Đã có hiệp sĩ bị tai nạn chết do truy đuổi cướp, đó là anh Nguyễn Xuân Chinh thành viên của Câu lạc bộ PCTP phường Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Có hiệp sĩ bị kẻ xấu truy sát như anh Nguyễn Tăng Tiên, thành viên của CLB phòng chống tội phạm P.An Bình, TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, cũng có trường hợp lợi dụng danh nghĩa hiệp sĩ để nhận tiền bọn cướp giật, hoặc hiệp sĩ nhưng tham gia cướp giật tài sản, đó là em trai của hiệp sĩ Nguyễn Tăng Tiên, là Nguyễn Tăng Trọng, bị xử án 4 năm tù hành vi phạm tội này.
 
Trong bất cứ sự phân định quyền lực nào cũng có giới hạn nhất định cho nên mới có khái niệm quyền hạn đi theo quyền lực. Ví dụ như cảnh sát giao thông chỉ có quyền kiểm tra giấy phép lái xe của người tham gia giao thông chứ không được quyền kiểm tra hộ khẩu của công dân và ngược lại.
 
Cho nên, khi một nhóm hiệp sĩ tổ chức theo dõi và can thiệp vào một vụ tranh chấp dân sự của hai công dân, thì đó là họ đã đi quá giới hạn. Ngay cả công an cũng không có quyền chặn xe, thu tiền và giải về đồn nếu như không đủ các yếu tố xác định công dân đó có hành vi vi phạm pháp luật. Sự giới hạn thẩm quyền của người thi hành công vụ cũng là để bảo vệ đẩy đủ các quyền của công dân. Nếu người thi hành công vụ vượt giới hạn của chức năng thì đó là lạm quyền.
 
Vậy thì quyền lực của hiệp sĩ ở đâu và đâu là giới hạn? Thực ra, không có một cơ chế pháp lý nào để xác định quyền hạn của các hiệp sĩ. Mô hình Câu lạc bộ phòng chống tội phạm hoàn toàn tự phát, được người dân ủng hộ là vì các hiệp sĩ đã làm thay công an việc bắt cướp. Còn các hiệp sĩ không được trang bị vũ trang, không có chức năng pháp lý, không có thẩm quyền phá án, điều tra hay xử lý tội phạm. Vì không có chút quyền lực nào nên không hề có bất cứ quyền hạn nào. Nhưng trên thực tế, hiệp sĩ đã làm nhiều việc hơn cả bắt một tên cướp.
 
Đã có nhiều ý kiến nghiêm túc cho rằng cần phát huy phong trào toàn dân phòng chống tội phạm, nhưng cần chấn chỉnh mô hình hiệp sĩ để làm sao vừa giúp ích cho cộng đồng nhưng phải đảm bảo an toàn tính mạng cho người tham gia, đồng thời không để xảy ra lạm quyền, làm rối loạn xã hội.
 
Một xã hội có nhà nước, chính quyền và các cơ quan bảo vệ pháp luật thì phải sử dụng các lực lượng đó để làm công việc bảo vệ trật tự an toàn xã hội, bình yên cho người dân. Đất nước hôm nay không phải như thời xưa mà chuyện bất bằng phải cần đến Lục Vân Tiên hay xã hội quá tao loạn đến nỗi phải cần các hảo hán giang hồ trong Thủy Hử xuất hiện để làm việc “thế thiên hành đạo”.
 
Bạn có ủng hộ mô hình hiệp sĩ và có đề xuất gì để đảm bảo tính pháp lý và quyền hạn cũng như an toàn tính mạng cho các hiệp sĩ?

Gửi thảo luận