Trang chủ » Kho thuốc nhân loại » Cây hay thuốc quý » Cày nát rừng già để tìm lan gấm

Cày nát rừng già để tìm lan gấm

Đổ xô lên rừng tìm… kim cương

Theo người dân địa phương, cây kim cương mọc nhiều dọc theo các con suối, trong những cánh rừng già và chỉ mọc vào thời điểm mùa mưa. Dù loại cây dược liệu quý này đã biết đến cách đây hơn 10 năm nhưng chỉ thời gian gần đây mới bị săn lùng ráo riết. Cái giá thương lái trả 1 triệu đồng/kg lá kim cương tươi và sẵn sàng đến tận bìa rừng để thu mua, trao "tiền tươi" đã khiến họ bất chấp tất cả… Nhiều người còn đùm cơm, mang gạo đi dài ngày trong rừng để săn lùng cây kim cương.

Cày nát rừng già để tìm lan gấm 1

 Cây và hoa lan gấm.

Để có được 1 – 2 lạng cây kim cương, họ đã phải "cày" nát cả nhiều cánh rừng già. Người nào may mắn lắm thì tìm được vài ba lạng cho cả ngày tìm kiếm. Có người tìm cả ngày chỉ được vài cây. Mấy năm trước, họ đi tìm được nhiều hơn nhưng năm nay thì… khó quá. Cây kim cương đâu có mọc kịp.

Một chủ thu mua cây kim cương ở cầu Pháp, xã Pờ Ê (huyện Kon Plông) cho biết: Kim cương đất tươi 1,2 triệu đồng/1kg; kim cương đá 250.000 đồng/1kg. Thu mua đến đâu, các thương lái người Việt gom hàng rồi bán sang Đài Loan, Trung Quốc đến đó. Số lượng không hạn chế, có bao nhiêu, họ mua hết bấy nhiêu.

Việc người dân ồ ạt, đổ xô vào rừng hái kim cương, chính quyền các xã mặc dù biết rất rõ nhưng không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Trong thôn Vigơlơng, xã Hiếu (huyện Kon Plông) hiện có 96 hộ và tất cả cứ đến mùa mưa lại kéo nhau lên rừng, lên núi tìm cây kim cương. Khi gặp, người dân thường nhổ cả rễ nên cây kim cương đang có nguy cơ bị tuyệt diệt.

Vị thuốc quý có nguy cơ tận diệt

Cây lan gấm, còn gọi là kim cương, kim tuyến, kim tuyến liên, mộc sơn thạch tùng, thạch tằm, lá gấm… Là loài địa lan thân bò rồi đứng, cao khoảng 20cm, thân tròn có nhiều nách. Lá trơn hình trứng hay hình ê líp, mặt trên màu xanh đen, mặt dưới của lá màu tím đỏ. Gân lá nhỏ màu vàng kim rất đẹp phân bổ như mạng nhện từ 5 chủ mạch gân chính nên gọi là kim tuyến liên. Mùa hoa vào tháng 7 – 9, có khi còn kéo dài đến dịp Tết âm lịch, hoa màu trắng, nhụy hoa có lông.

Theo Đông y, lan gấm có vị ngọt, hơi chát, tính mát, có tác dụng chữa thần kinh suy nhược, ho khan, đau họng, tăng huyết áp, suy thận; chữa di tinh, đau lưng, phong thấp, làm tiêu đờm, giải độc, giải nhiệt, viêm khí quản, viêm gan mạn tính, an thần, nhuận phế (mát phổi) và tăng cường sức khỏe, giúp khí huyết lưu thông.

Cày nát rừng già để tìm lan gấm 2

 Lan gấm được người dân thu hái để bán cho thương lái Trung Quốc. Ảnh: TL

Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây. Được thu hái toàn cây quanh năm, rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô dùng dần. Trước đây, khi cây lan gấm chưa có giá trị, người dân thường đi hái về để nấu canh ăn; cây có vị ngọt, giống như rau mồng tơi.

Ở Việt Nam, hiện ít có tài liệu nghiên cứu về cây lan gấm và ít dùng làm thuốc cho nên không tiêu thụ với lượng lớn ở Việt Nam. Những công trình nghiên cứu của ngành dược học và các kinh nghiệm của các thầy thuốc Đài Loan (Trung Quốc) cho thấy lan gấm có một số công dụng sau:

– Toàn thân cây thuốc được dùng để làm tăng cường sức khỏe, chủ trị bệnh phổi, di tinh, xuất tinh sớm, yếu gan, yếu tỳ và các vết thương do rắn cắn; còn có tác dụng bổ máu, giải nhiệt (Tả Mộc Thuần).

– Lan gấm có vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, thanh huyết, bổ phổi, giải trừ u uất, thông trung khí, bồi dưỡng sức khỏe, chủ trị lục phủ ngũ tạng đẩy lùi tâm hỏa, nóng gan, bệnh phổi, thổ huyết, ho hen, đau ngực, đau lá lách, đau cuống họng, cao huyết áp, trẻ con chậm lớn, suy thận (Cam Vĩ Tùng).

– Hạ sốt, giải nhiệt, giải trừ u uất phiền muộn, trị ho khan, đau ngực, đau họng, sắc uống với nước đường (Lâm Minh Quyền).

– Người dân tộc miền núi Đài Loan thường dùng kim tuyến liên sắc uống để trị đau ruột, đau bụng, sốt cao, đắp bên ngoài để trị các chỗ sưng vết thương và chỗ bị rắn cắn (Sơn Điền Kim Trị).

– Thanh huyết, nhuận phổi, trị bệnh phổi: sắc uống với nước đường (Khưu Tải Phúc).

– Kim tuyến liên 20 phân, sắc uống với nước đường, có tác dụng thanh huyết, trị bệnh cao huyết áp (Diệp Hải Ba).

Hiện nay ở Việt Nam, do công tác tuyên truyền và quản lý chưa tốt nên cây lan gấm gần như đã cạn kiệt ngoài tự nhiên. Nhưng mới đây, nhận thức được tiềm năng, giá trị kinh tế của loài lan này, một công ty đã xúc tiến đầu tư trồng lan gấm theo hướng dược liệu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, hiện đã hoàn thành quy trình nhân giống và chuẩn bị triển khai sản xuất quy mô công nghiệp. Các địa bàn tiềm năng triển khai là Kon Tum, Lâm Đồng… Hy vọng trong một tương lai không xa, mô hình này sẽ gặt hái được thành công và mang lại lợi ích kinh tế cao cho người dân.
 

Theo ThS. Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm khoa Ðông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, lan gấm còn có tên gọi là hổ đầu tiêu, kim thạch tùng, kim tuyến liên, kim tàm…, là một cây thuốc đã được ghi lại trong nhiều sách thuốc cổ của Trung Quốc như Thảo bảo, Cương mục thập di, Phúc kiến trung thảo dược, Phúc kiến dã sinh dược dục thực vật, Ðan sa kinh nghiệm phương, Mân đông bản thảo… Ở Việt Nam chưa thấy y thư nào ghi lại mà chỉ được nói đến trong phạm vi kinh nghiệm truyền miệng dân gian. Lan gấm vị ngọt, tính bình, vào được ba đường kinh Can, Tỳ và Thận, thường được dùng để chữa các chứng lưng đau gối mỏi, phong thấp, thổ huyết, tiểu tiện ra máu, di tinh, viêm thận, viêm bàng quang, viêm gan, tiêu khát, trẻ em co giật, phụ nữ bạch đới, rắn độc cắn…

Nghiên cứu hiện đại cho thấy, trong lan gấm có chứa beta-D-glucopyranosyl-(3R)-hydroxybutanolide, stearic acid, palmitic acid, beta-sitosterol, succinic acid, p-hydroxy benzaldehyde, daucosterol, methyl 4-beta-D-glucopyranosyl-hutanoate, p-hydroxy cinnamic acid and o-hydroxy phenol. Trên thực nghiệm và lâm sàng, các nhà khoa học Trung Quốc nhận thấy, dịch chiết lan gấm có tác dụng hủy hoại các gốc tự do, làm giảm đường huyết và bảo hộ các tế bào tuyến tụy nội tiết nên rất có ý nghĩa trong việc dự phòng và trị liệu bệnh đái tháo đường. Có lẽ đây là lý do mà các thương lái Ðài Loan, Trung Quốc săn lùng tìm mua loại dược thảo quý giá này. Hy vọng rằng các nhà y dược học cổ truyền nước ta lưu tâm nghiên cứu vấn đề này để tránh tình trạng "người Nam nằm trên đống thuốc Nam mà vẫn phải phụ thuộc vào thuốc của người nước ngoài".


Gửi thảo luận