Ðó là tâm sự của DS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) y, bác sĩ tình nguyện Sài Gòn, một người thiện tâm, giàu lòng nhân ái. Bao năm qua, anh cùng đồng nghiệp đã tiếp sức cho hàng vạn dân nghèo ở những nơi heo hút, mang lại cho họ tiếng cười và niềm vui cuộc sống.
Anh cán bộ đoàn tốt bụng
Lần đầu gặp anh, tôi đã rất ấn tượng với nụ cười hiền hậu và cách nói chuyện gần gũi, có duyên. Ở cái tuổi ngũ tuần nhưng xem ra anh vẫn cường tráng, nhanh nhẹn và có phần… hoang dã. Anh bảo: "Tuần nào mình cũng phải đi vài cuốc đến tận những nơi heo hút, vùng sâu, vùng xa. Nếu không có sức khỏe thì làm sao kham nổi? Xem ra, cái "gốc" cán bộ phong trào cũng có cái hay của nó". "Anh từng là cán bộ đoàn?" – Tôi ngạc nhiên hỏi. DS Nguyễn Hồng Sơn bật mí: "Mình làm Bí thư chi đoàn 10 năm cơ đấy". Và rồi, câu chuyện về thời trai trẻ của anh được tái hiện trong không khí thân tình.
Sinh năm 1962 tại Campuchia, đang học lớp 2, Sơn phải theo cha mẹ về Việt Nam định cư. Cuộc sống vất vả, túng thiếu nơi Sài Gòn hoa lệ càng làm cho Sơn thấm thía nỗi khổ của người nghèo. Với sự nỗ lực của cha mẹ và lòng hiếu học của bản thân, Sơn đã học hết phổ thông và thi đỗ ngành y, dược. Tốt nghiệp dược sĩ, năm 1985 anh được nhận vào làm việc tại Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, ngoài công tác chuyên môn, anh còn đảm nhiệm cương vị Bí thư Chi đoàn. Ngày đó, phong trào y, bác sĩ tình nguyện giúp đỡ người nghèo còn khá rời rạc, thỉnh thoảng mới có một đợt và cũng rất ít người tham gia.
Anh Sơn kể: "Vài ba tháng, thậm chí cả năm chúng tôi mới tổ chức một đợt khám, chữa bệnh tình nguyện bởi thiếu kinh phí, y cụ và thuốc men cấp phát cho bà con. Riêng tôi, lần nào cũng có mặt và tự bỏ tiền túi ra mua thêm thuốc, bông băng cùng những đồ dùng cần thiết khác. Bí thư chi đoàn mà, không gương mẫu nói ai nghe". Sau nụ cười hóm hỉnh, giọng anh tự nhiên chùng hẳn: "Chẳng hiểu sao trong mỗi chuyến đi, hình ảnh những người già ốm đau, những em nhỏ bệnh tật, đói khổ cứ ám ảnh khiến tôi day dứt". Có lẽ vì thế, hằng tháng anh đã trích một phần tiền lương của mình, dành dụm tiền phụ cấp Bí thư chi đoàn để mua những loại thuốc cần thiết điều trị cho người nghèo. Thấy vậy, nhiều đồng nghiệp trẻ cũng học tập anh. Cả Chi đoàn noi gương người bí thư tốt bụng.
Tâm huyết với người nghèo
Dù hoạt động từ khá lâu nhưng mãi đến năm 2009, CLB y, bác sĩ tình nguyện Sài Gòn (tiền thân là Đoàn Cán bộ y, bác sĩ tình nguyện Sài Gòn) mới chính thức được thành lập, trực thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, CLB thu hút hàng trăm y, bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế tự nguyện tham gia cùng nhiều nhà tài trợ uy tín. Để có được lực lượng đông đảo với quy mô hoạt động khá rộng và hiệu quả, Chủ nhiệm CLB Nguyễn Hồng Sơn phải mất nhiều năm tâm huyết.
Bằng tấm lòng nhiệt thành, uy tín và tài tổ chức, anh đã vận động được nhiều DN, tiểu thương tự nguyện tài trợ cho hoạt động của CLB. Có lực lượng, có kinh phí, anh chủ động liên hệ với các địa phương, đi "tiền trạm" để nắm địa bàn, bố trí nơi ăn, nghỉ cho đoàn đến khám bệnh, cấp thuốc. Đều đặn hằng tháng, CLB tổ chức từ 1 – 2 đợt về với bà con nghèo vùng sâu, vùng xa hoặc những nơi lũ lụt.
Mỗi đợt như thế lại có thêm hàng nghìn người được tư vấn, chăm sóc sức khỏe, khám và điều trị bệnh miễn phí. Đồng thời, CLB còn kết hợp tặng quà các gia đình chính sách, tặng quần, áo cho phụ nữ, trẻ em. Chưa đầy 3 năm chính thức hoạt động, CLB y, bác sĩ tình nguyện Sài Gòn đã tổ chức 34 chuyến đi từ thiện, mang lại sức khỏe, niềm vui cho gần 4 vạn người nghèo thuộc nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Rất nhiều những bản làng xa xôi còn in dấu chân của đoàn y, bác sĩ giàu lòng nhân ái.
Riêng với DS Nguyễn Hồng Sơn, bà con nghèo vô cùng quý mến không chỉ bởi tình cảm và tấm lòng thiện nguyện của anh mà còn bởi anh luôn hòa đồng, gần gũi với mọi người. Ông Đỗ Hữu Nam, 65 tuổi, ngụ tại Cần Giuộc (Long An), cho biết: "Thầy thuốc Sơn tốt lắm, không chỉ tổ chức khám bệnh, phát thuốc cho bà con mà còn thương yêu người già, em nhỏ, lại hát rất hay những bài hát về quê hương chúng tôi". Hỏi ra mới biết, trước khi đến vùng quê nào anh cũng chủ động tìm hiểu phong tục, tập quán và những bài hát đặc trưng vùng, miền ở đó để giao lưu, thân thiện, hòa nhập với nhân dân.
Nhờ đó, đi tới đâu anh cũng được bà con tin yêu, quý mến. Anh Sơn tâm sự: "Bà con nghèo nhưng mình cũng phải rất khéo, nếu không sẽ làm họ tự ái. Ngay cả chủ đề của mỗi chuyến đi chúng tôi cũng rất cân nhắc, lựa chọn sao cho thật ý nghĩa. Chẳng hạn như: "Chút tình cho người Cần Giuộc", "Vị Thủy – đậm đà yêu thương", "Trọn tình với miền đất đỏ", "Góp sức cho vùng lũ Quảng Nam", "Ninh Thuận – nắng, gió và tình người"… Những cái tên ấy đã hàm chứa thông điệp thân thương, chia sẻ mà chúng tôi muốn gửi tới bà con nghèo trên mọi miền Tổ quốc".
"Trong bối cảnh nhiều DN đang gặp khó khăn như hiện nay, bằng cách nào anh có thể vận động được họ tài trợ để duy trì đều đặn hoạt động của CLB giúp đỡ người nghèo?" – Tôi băn khoăn hỏi. Dược sĩ Sơn cười hồn hậu: "Khó mấy cũng phải tìm cách khắc phục chứ! Mỗi chuyến đi như thế trung bình cũng phải tốn trên dưới 150 triệu đồng chi cho công việc. Ấy là chưa kể tiền ăn, uống, chi phí cá nhân đều do tình nguyện viên tự túc.
Chỗ ở thì mình liên hệ với địa phương nhờ hội trường, lớp học… Điều đó đã được thống nhất xác định ngay trong phương châm hoạt động của CLB là: "Tình nguyện chung sức vì cộng đồng – Đoàn kết – Sáng tạo – Trí tuệ – Hiệu quả", tập hợp hội viên, phát huy sức mạnh tổng lực, nâng cao chất lượng hoạt động, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Ngoài phương châm trên, đối với các DN, chúng tôi còn cam kết sử dụng kinh phí tài trợ "công khai, minh bạch, dân chủ, tiết kiệm, đúng mục đích" nên được họ tin tưởng hoàn toàn".
Nói là vậy nhưng tôi hiểu để vận động được nguồn kinh phí thường xuyên ấy, anh Sơn đã phải dày công tạo dựng uy tín, làm việc bằng cái tâm trong sáng, không một chút vụ lợi riêng tư, dốc hết tâm huyết vì người nghèo.
Được biết, trước mỗi chuyến đi, anh cùng Ban Chủ nhiệm dự toán chi tiết kinh phí sử dụng, rồi công khai trên trang web của CLB và gửi thư ngỏ kêu gọi đơn vị tài trợ. Anh dành nhiều thời gian trực tiếp đi vận động ủng hộ kinh phí, thuốc men. Khi có đủ số tiền cần thiết, anh gửi kế hoạch, chương trình chi tiết tới từng hội viên để thống nhất thực hiện. Kết thúc mỗi chuyến đi, Ban chủ nhiệm tổng hợp đánh giá kết quả, công khai thu, chi tới mọi thành viên.
Với cách làm ấy, tất cả các chuyến đi đều được anh tổ chức thành công, ngày càng tạo được uy tín với các đơn vị tài trợ và được đồng nghiệp thán phục, nhân dân yêu mến. Điều dưỡng Trần Ngọc Bích, thành viên CLB cho biết: "Chúng tôi luôn tin tưởng ở người "thủ lĩnh" của mình. Dù mỗi chuyến đi cả đoàn cũng gặp không ít gian nan, vất vả và tốn kém cá nhân nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng, không hề quản ngại bởi nụ cười và tình cảm yêu mến của bà con nghèo ở mọi miền đất nước chính là động lực, là món quà vô giá với chúng tôi".
Các y, bác sĩ của CLB đang khám bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Long An.
|
Nỗi lòng trăn trở
Suốt nhiều năm vừa làm việc tại Công ty dược Hậu Giang, vừa tích cực tham gia công tác xã hội, anh Sơn đã có mặt ở những vùng quê hẻo lánh nhất, những nơi bà con nông dân phải gánh chịu hậu quả nặng nề của thiên tai, lụt lội. Anh tâm sự: "Người nghèo khó, bệnh tật không có điều kiện đến bệnh viện để được chữa trị, chăm sóc sức khỏe còn nhiều lắm, mà chúng tôi thì khả năng có hạn, chẳng giúp được bao nhiêu. Mong sao mô hình hoạt động y, bác sĩ tình nguyện được nhân rộng ở các địa phương để giúp người nghèo vơi đi nỗi khổ".
Thực tế hiện nay, mô hình CLB y, bác sĩ tình nguyện mới chỉ xuất hiện ở một vài địa phương và bệnh viện lớn, chủ yếu là miền Nam như: Sài Gòn, An Giang, Đồng Tháp, Bệnh viện Mắt Trung ương… Trong khi đó bà con nghèo ở tỉnh nào cũng có. Bởi vậy, rất cần những tấm lòng nhân ái, chung sức vì cộng đồng.
Tuy nhiên, theo anh Sơn, muốn tổ chức mô hình này, ngoài sự tự nguyện, tự túc của hội viên, điều quan trọng là phải kêu gọi được nhà tài trợ để có kinh phí trang trải cho các chuyến đi. Điều này phải dựa vào sự năng động, uy tín, đạo đức nghề nghiệp và tôn chỉ, cách thức tổ chức hoạt động của mô hình; đồng thời, đến với người nghèo phải bằng cái tâm, xuất phát từ tình cảm chân thành, mang lại lợi ích thiết thực mới được bà con mong đợi.