Nếu không giảm được tỉ lệ thừa cân béo phì, VN có nguy cơ vượt các nước xung quanh về số lượng bệnh nhân tim mạch.
Thống kê của GS.TS Nguyễn Lân Việt, viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, bên lề Đại hội tim mạch toàn quốc lần thứ 13 đang diễn ra tại Quảng Ninh, số người bệnh tăng huyết áp ở VN đã gia tăng nhanh trong một thập kỷ vừa qua, hiện ở mức 25,1% người trên 25 tuổi, tức cứ bốn người trưởng thành có một người tăng huyết áp. Trong khi trước đó 10 năm tỉ lệ này chỉ ở mức trên 16%.
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, béo phì, thừa cân là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng trên, bên cạnh đó là thói quen ăn mặn. So với các nước Âu – Mỹ, bữa ăn của người Việt lành mạnh hơn, nhưng người vùng biển thì theo ông Tuấn là ăn quá mặn. Thói quen ăn các món kho, món muối và chấm trong bữa ăn cũng làm gia tăng lượng muối sử dụng hằng ngày. Ngoài ra căng thẳng, thuốc lá, rượu bia…, nhất là ở nhóm người thành đạt, cũng là nguyên nhân làm số bệnh nhân tăng huyết áp gia tăng.
Điều tra mới nhất của Viện Dinh dưỡng trên 17.000 người trưởng thành ở tám vùng sinh thái, số người thừa cân béo phì ở mức 16,3%, người mập bụng (chỉ số vòng bụng/vòng mông cao) xấp xỉ 40%. Ông Tuấn cho rằng so với các nước trong khu vực như Singapore, Trung Quốc, các chỉ số về số người tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, tim mạch… ở VN đang tương đương, nhưng tương lai có thể vượt xa vì số người thừa cân béo phì ở mức cao, mà béo phì lại là một trong những căn nguyên quan trọng dẫn đến huyết áp cao.
Hậu quả phụ mà không phụ
Trong số các thuốc điều trị tăng huyết áp, loạn thần, tâm thần thường dùng, PGS Tuấn khuyến cáo có hàng loạt thuốc có tác dụng phụ lên khả năng tình dục, cụ thể là gây các biểu hiện như cương đau dương vật, giảm ham muốn, ức chế xuất tinh (các thuốc nhóm Phenothiazin như Thioridazine, Fluphenazin… thường dùng điều trị tâm thần). Hay các thuốc lợi tiểu nhóm Spironolactone có thể làm giảm ham muốn tình dục, gây chứng vú to, liệt dương, nhóm chẹn thần kinh giao cảm Guanethidine có thể có tác dụng phụ như liệt dương, xuất tinh khô, xuất tinh ngược…
Qua quá trình điều trị, PGS Tuấn cho rằng hầu hết người rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, rối loạn lo âu… có từ một biểu hiện của rối loạn tình dục, nhưng bệnh nhân hầu hết là tự chữa, hoặc chữa theo lời mách bảo của bạn bè. Họ chỉ đến bệnh viện khi tình trạng đã muộn như “trên bảo dưới… không nghe”, hoặc không đạt được sự hài lòng từ cả hai phía.