Trang chủ » Tin tức » Y tế » Bệnh viện đâu phải nhà xưởng mà ra ngoại ô

Bệnh viện đâu phải nhà xưởng mà ra ngoại ô

 Để giảm tải cho các bệnh viện và phục vụ người dân được tốt hơn, TP.HCM đã chủ trương không cho xây mới bệnh viện tại trung tâm. Thậm chí, lãnh đạo thành phố còn chọn cách ngược lại.

Sắp tới, thành phố sẽ cho di dời bệnh viện ở trung tâm ra ngoại ô, và đang đầu tư xây các bệnh viện ở cửa ngõ như Bệnh viện Củ Chi, Bệnh viện Quận 7, Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức, Bệnh viện Bình Chánh, Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM…

Tuanvietnam muốn tiếp cận vấn đề trên theo các khía cạnh y tế, kinh tế và thực tế, qua góc nhìn của Giáo sư Dương Quang Trung, nguyên là giám đốc sở y tế thành phố giai đoạn 1976-1997, và hiện vẫn gắn bó với nghề này ở một cương vị khác.

Bệnh viện không phải là nhà xưởng

Theo GS Dương Quang Trung, người đặt nền móng cho nền y tế thành phố từ sau giải phóng, với chủ trương di dời bệnh viện ra ngoại ô, hay xây mới ngoài đó, thành phố có thể đạt mục tiêu đầu là giảm tải bệnh viện. Bởi chúng đã được kéo ra xa khu dân cư tập trung.

Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc khó đạt mục tiêu thứ hai là phục vụ người dân được tốt hơn, nếu không nói đảo ngược mục tiêu này. Chí ít là với người dân khu vực Sài Gòn cũ.

"Nhà xưởng mà di dời ra ngoại ô, như thành phố đã làm trong những năm vừa qua, thì được, chứ bệnh viện nói chung phải gần khu dân cư. Hơn nữa, nếu có buộc phải di dời, nên hết sức cân nhắc đặc điểm của từng loại bệnh viện. Không thể áp dụng đại trà, theo kiểu phong trào", GS Trung bức xúc.

Theo ông, chẳng hạn như Bệnh viện Nhi Đồng 2 nằm ở trung tâm nội thành, người dân thành phố tiếp cận rất dễ. Hay Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, chuyên điều trị bệnh lao, có không gian khá thông thoáng, và đủ cách biệt khu dân cư, để bảo đảm an toàn cho họ.

"Chi phí để xây dựng một bệnh viện quy mô một ngàn giường tốn từ một ngàn tới hai ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, bệnh nhân họ luôn tìm tới nơi nào có nhiều bác sĩ giỏi, nổi tiếng. Chúng ta không thể chống quá tải bệnh viện chỉ bằng cách hợp lý hóa tổ chức. Đó chẳng khác gì đắp đê ngăn nước lũ nhưng không trồng cây ở đầu nguồn", GS Trung giải thích, từ kinh nghiệm mấy chục năm cả quản lý bệnh viện, nói chung, và trực tiếp điều hành bệnh viện, nói riêng.

Lý giải nguyên nhân quá tải

Thực trạng bệnh viện ở thành phố quá tải do nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân càng ngày càng cao. Bên cạnh đó, các bệnh viện còn phải chịu áp lực về tăng dân số tự nhiên, với tám – chín mươi ngàn em bé chào đời mỗi năm. Đó là chưa kể dòng nhập cư vào thành phố, trung bình mỗi năm cũng vài trăm ngàn.

Không chỉ có vậy, một thói quen cố hữu của người dân thành phố này cũng khiến cho tình trạng quá tải thêm trầm trọng. Nhiều khi, chỉ hắt hơi sổ mũi, người dân cũng vào bệnh viện khám.

"Các điều tra cho thấy 1000 bệnh nhân tới khám chỉ có 1 bệnh nhân thực sự cần nằm lại ở các bệnh viện lớn", GS  Trung nói.

Ông cho biết, chính vì vậy, Bệnh viện Nhi Đồng 2, với quy mô một ngàn giường, hay Bệnh viện Nhi Đồng 1, với qui mô một ngàn bốn trăm giường, đều chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của người dân.

Hơn nữa, sự thiếu hụt nhân lực trong ngành y tế cũng là một nguyên nhân khác của sự quá tải ở các bệnh viện dành cho tuổi nhi đồng. Chẳng hạn, theo GS Trung, chuyên khoa Nhi rất ít người học vì vừa khó, vừa cực. Các thống kê cho thấy xu thế sinh viên y khoa thích chọn chuyên ngành Tai – Mũi – Họng hơn, vừa nhàn hơn mà thu nhập lại cao hơn.

"Đã thiếu nhân lực, thế mà ngành y tế thành phố lại còn lãng phí nữa chứ", GS Trung nói, và dẫn ra con số mấy trăm bác sĩ gia đình đã được đào tạo mà vẫn đang bị "bỏ xó", do chế độ đãi ngộ quá thấp.

Phát triển mạng y tế cộng đồng – giải pháp căn cơ

"Hiện tại, thành phố có khoảng năm sáu ngàn phòng mạch tư. Tại sao chúng ta không bồi dưỡng thêm cho các bác sĩ đó, tận dụng họ vào mạng lưới y tế cơ sở?", GS Trung đặt vấn đề.

Ông giải thích rằng, tại các nước tiên tiến trên thế giới, chất lượng bệnh viện ở thành phố và tỉnh lẻ không quá khác biệt. Không phải bị bệnh gì họ cũng tới bệnh viện, mà sẽ chọn khám bác sĩ tư trước. Từ đó, các bác sĩ tư mới cân nhắc và quyết định có nên chuyển bệnh nhân này tới bệnh viện hay không.

"Theo tôi, giải pháp căn cơ nhất để giảm tải bệnh viện chỉ có thể là dựa vào mạng lưới y tế cơ sở", GS Trung khẳng định.

Bệnh viện Nhi đồng 2

Ông kể rằng thời ông còn làm giám đốc sở, mạng lưới y tế của thành phố tốt lắm, chốt y tế xuống tận xã, ấp. "Còn ngày nay, người ta chỉ chú trọng vào trang thiết bị kỹ thuật thôi, khiến tuyến y tế cơ sở rách bươm", vị giáo sư già buồn rầu nhận xét.

Một người bạn của người viết, vừa trở về sau chuyến khảo sát ngành y tế Cuba cho mục đích hợp tác, cũng chia sẻ ý kiến này. Ông cho biết, mạng lưới y tế cộng đồng ở Cuba làm rất tốt công việc của mình, nên các bệnh viện trung ương ở La Habana không hề bị quá tải.

Một giải pháp giảm tải khác được GS Trung đưa ra, cho các bệnh viện chuyên khoa, là nên xây mới các chi nhánh của chúng ở miền Tây, hoặc Tây Nguyên.

"Bệnh viện Ung Bướu thành phố bị quá tải là vì tất cả người dân miền Nam đều đổ về đây để khám bệnh, mặc dù các bệnh viện địa phương đều có khoa ung bướu. Tại sao chúng ta không đặt những trung tâm ung bướu ở Cần Thơ cho cả miền Tây, và Đà Lạt cho cả vùng Tây Nguyên?", GS Trung gợi ý.

Theo ông, hoàn toàn có thể áp dụng điều này đối với các bệnh viện khác, như Bệnh viện Nhi đồng 1. Bởi có tới 70% bệnh nhân của bệnh viện này tới từ các tỉnh khác. Đối với các bệnh viện khác, như Bệnh viện Nhi Đồng 2, cũng có thể làm như vậy.

Quan điểm giảm tải bệnh viện của vị chuyên gia lão thành của ngành y đã hoàn toàn được chia sẻ bởi một chuyên gia về kiến trúc.

Tiến sĩ Trần Đình Quyền, kiến trúc sư của các bệnh viện tại thành phố, cũng nhận xét rằng xây thêm bệnh viện sẽ càng quá tải, bởi chúng sẽ hút tiếp bệnh nhân từ các tình khác.

"Lúc đó, không chỉ hạ tầng y tế thành phố bị quá tải, mà các loại hạ tầng xã hội khác, như giao thông, sẽ quá tải theo", KTS Quyền đoan chắc.

Gửi thảo luận