Rắn biển có tên khác là đẻn biển hay đẻn, có rất nhiều loài nhưng chỉ có vài loài được dùng làm thuốc phổ biến như rắn khoanh, rắn vết và rắn cơm.
Thịt rắn biển chứa protid và nhiều acid amin như arginin, cystin, corin, glycin, isolencin, lysin, leucin, histidin, acid glutamic, ornithin, hydroxy prolin, treonin, tyrosin, valin.
Về mặt y học, thịt rắn biển tên thuốc là hải xà nhục, có vị mặn, mùi tanh, tính ẩm, có tác dụng tăng trọng và chống viêm, giảm đau rõ rệt, đặc trị viêm đa khớp dạng thấp, thoái hóa và đau cột sống, viêm thần kinh tọa. Dùng dạng rượu ngâm riêng từng loại hoặc hỗn hợp 3 loại: rắn khoanh, rắn vết và rắn cơm với tỷ lệ 1 phần thịt rắn với 3 phần rượu 40 độ, ngâm trong 15-20 ngày, càng lâu càng tốt. Có nơi người ta còn chôn cả bình rượu rắn xuống đất để hằng năm mới dùng. Mỗi ngày uống 20ml sau bữa ăn chiều. Hoặc nấu thịt rắn lẫn xương với 3 lần nước rồi cô thành cao mềm (cao toàn tính). Ngày uống 5-10g hòa với rượu hâm nóng và ít mật ong. Cũng có thể lấy thịt và xương rắn biển nấu khô, tán bột, rây mịn, làm thành viên mà uống. Thuốc được dùng trong thời gian dài, không gây tác dụng phụ, giảm viêm, giảm đau nhanh, giúp bệnh nhân ăn ngủ tốt, tăng cân.