Đã có 42 ca tử vong
Theo thống kê từ Bộ Y tế đến hết tháng 9, cả nước có gần 48.000 người mắc SXH, ít nhất 42 người đã tử vong. Dự báo sốt xuất huyết sẽ tiếp tục tăng nhanh, nhất là khu vực phía Nam – “chảo lửa” của bệnh dịch nguy hiểm này. TS Trần Thanh Dương, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, số mắc SXH đã tăng 21,4%, số ca tử vong cũng tăng hơn 20,6% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó khu vực phía Nam chiếm 86,2% số mắc của cả nước. Điểm đáng chú ý trong vụ dịch năm nay là những ca SXH nặng chiếm tới 7,6% tổng số ca mắc bệnh và có xu hướng tăng cao ở người lớn.
PGS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong 20 năm qua, tình hình SXH tại Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp. Nếu như trước đây, thông thường cứ 6 năm mới lại xuất hiện một năm đỉnh dịch SXH thì gần đây, khoảng cách này đã được rút ngắn xuống còn 4 năm. Hơn nữa, số bệnh nhân được ghi nhận cũng xuất hiện rải rác quanh năm chứ không chỉ tập trung chủ yếu trong các tháng cao điểm của bệnh này (tháng 7-9 hàng năm) như trước đây. Cũng chính vì lẽ đó, trong năm 2012 này, các tổ chức y tế thế giới đã đánh giá SXH là dịch bệnh virus lây truyền qua muỗi nguy hiểm nhất trên thế giới, đặc biệt ở các nước đang phát triển như Việt Nam.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Long, lý do khiến SXH tăng mạnh tại các tỉnh phía Nam nước ta là do tác động của tình trạng đô thị hóa, người dân vẫn chưa có ý thức phòng chống bệnh, thiếu kinh phí và thiếu cán bộ y tế có kinh nghiệm. Đặc biệt, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, người dân vẫn không thay đổi tập quán trữ nước trong các lu, vại, không giữ vệ sinh kênh, mương cũng như không phát quang bụi rậm… Trong khi đó, bệnh SXH hiện chưa có vaccine phòng và thuốc đặc trị.
Tuyệt đối không được chủ quan
Ổ dịch SXH tại phường Phúc La (quận Hà Đông) được ghi nhận cuối tháng 9 vừa qua cũng là ổ dịch SXH lớn nhất trên địa bàn Hà Nội tính từ đầu năm đến nay, với tổng số 12 ca mắc. Đây là ổ dịch xuất hiện tại một công trường xây dựng, các công nhân làm việc và sinh hoạt trong điều kiện vệ sinh môi trường kém, mật độ đàn muỗi nhiều nên khả năng lây lan rất nhanh. Cũng may, cơ quan y tế địa phương đã sớm phát hiện nên kịp thời triển khai các biện pháp phòng bệnh như xử lý ổ dịch, phun hóa chất diệt muỗi, vệ sinh môi trường… nên đến nay, sau 14 ngày chưa ghi nhận thêm bệnh nhân mới.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố đã ghi nhận trên 100 ổ dịch SXH, tập trung nhiều ở những quận/ huyện như Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Trì… Tuy số ổ dịch nhiều song số mắc lại giảm mạnh đến 68,9%, với khoảng hơn 450 trường hợp được xác định. Ông Cảm lý giải, điều này chứng tỏ công tác phòng chống, dập dịch của thành phố đã được triển khai rất tốt nên hầu hết các ổ dịch có quy mô nhỏ, trung bình mỗi ổ dịch chỉ từ 3-5 bệnh nhân và đều được phát hiện sớm, khống chế thành công. Dẫu vậy, các cơ quan y tế và người dân tuyệt đối không được chủ quan bởi theo kinh nghiệm hàng năm thì thời điểm này mới bắt đầu bước vào giai đoạn đỉnh dịch SXH ở miền Bắc.
Ông Cảm nhấn mạnh, điều lo ngại nhất là số ổ dịch mới vẫn xuất hiện và nguy cơ lây lan, bùng phát rất lớn nếu những ổ dịch này không được phát hiện sớm. Cùng với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh, tự bảo vệ mình và người thân bằng các hành động đơn giản như: vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, không chứa nước trong chum, vại, ngủ màn, khi trong gia đình có người ốm nghi SXH cần báo ngay cho y tế địa phương để được chẩn đoán và kịp thời khống chế ổ dịch.
Sở Y tế Đà Nẵng mới đây cho biết, trên địa bàn thành phố này mới xuất hiện loài muỗi Aedes Albopictus (AA) – còn gọi là muỗi hổ châu Á. AA được cho là loài muỗi truyền bệnh SXH rất nguy hiểm và có khả năng truyền bệnh qua trứng. Các kết quả giám sát nghiên cứu về côn trùng cho thấy muỗi AA cũng xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc và có xu hướng lan rộng, dần thay thế Aedes aegypti-loại muỗi gây bệnh SXH Dengue hiện nay. Theo PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, muỗi hổ châu Á là một loại muỗi nhỏ, có sọc trắng chạy dài từ đầu dọc theo lưng và ra tận phía sau chân, thân có khoang trắng. Loài muỗi này rất hung hăng, thường đốt người giữa ban ngày, đặc biệt là lúc rạng đông và chập tối.