Trang chủ » Kho thuốc nhân loại » Cây hay thuốc quý » KHA TỬ

KHA TỬ

Tên khác: Chiêu liêu, Chiêu liêu hồng, Xàng, Tiếu.

Tên khoa học: Terminalia chebula Retz., họ Bàng (Combretaceae). 

Mô tả: 

Cây: Cây to, cao 15-20m. Cành non có lông. Vỏ thân màu xám nhạt, có vách nứt dọc. Lá mọc so le, đầu nhọn, 15-20cm, có lông mềm, sau nhẵn. Ở đầu cuống lá có 2 tua nhỏ. Hoa nhỏ, màu trắng vàng vàng, thơm, xếp thành chùy ở nách lá hay ở ngọn, phủ lông màu đồng. Quả hình trứng thuôn dài 3-4cm, rộng 22-25mm, tù hai đầu, không có cánh,ốc 5 cạnh dọc, màu nâu vàng nhạt, có thịt đen. Hạch chứa một hạt dày 4mm, có lá mầm cuộn. Cây ra hoa tháng 5-6, có quả tháng 8-9.

Dược liệu: Hình quả trám hoặc hình trứng thuôn, dài 2 – 4 cm, đường kính 2 – 2,5 cm. Mặt ngoài màu nâu hơi vàng hoặc màu nâu thẫm, hơi sáng bóng; có 5 – 6 cạnh dọc và vân nhăn không đều; phần đáy có vết sẹo cuống quả, hình tròn. Chất chắc, thịt quả dày 0,2 – 0,4 cm, màu nâu hơi vàng, hoặc vàng nâu thẫm; hạch quả dài 1,5 – 2,5 cm, đường kính 1 – 1,5 cm, màu vàng nhạt, thô và cứng. Hạt hình thoi hẹp, dài chừng 1 cm, đường kính 0,2 – 0,4 cm, vỏ cứng màu vàng nâu, đôi lá mầm màu trắng, chồng lên nhau và cuộn xoắn lại. Không mùi, vị chua, chát, sau ngọt.

Bộ phận dùng: Quả chín sấy hay phơi khô của cây Chiêu liêu hay Kha tử (Fructus Chebulae).

Phân bố: Cây mọc ở miền Nam nước ta, ở Ấn Độ, Thái Lan.

Thu hái: Thu hái quả vào mùa quả chín (tháng 9-11), phơi khô. Khi dùng sao qua, bỏ hạt. Bảo quản nơi khô ráo.

Thành phần hoá học: Trong quả có khoảng 30% chất săn da mà chất đặc trưng là acid chebulinic, chebulin, acid chebulagic terchebin, acid shikimic; còn có 20-40% tanin với acid ellagic, acid gallic, acid quinic; sennoside A và tanase. Trong nhân có 3-7% chất dầu màu vàng, trong suốt, nửa khô.

Công năng: Sáp trường, liễm phế, giáng hoả, thông lợi yết hầu.

Công dụng: 

+ Tiêu chảy, lỵ lâu ngày, đại tiện ra máu, thoát giang (sa trực tràng); phế hư, ho, suyễn, ho lâu ngày không ngừng; yết hầu đau, tiếng khàn.

+ Chiết xuất Tanin dùng trong kỹ nghệ thuộc da.

Cách dùng, liều lượng: Ngày 3-6g dưới dạng thuốc sắc, thuốc viên.

Bào chế:

+ Kha tử đã loại bỏ tạp chất, rửa sạch, phơi khô, khi dùng đập nát.

+ Thịt quả Kha tử: Lấy Kha tử sạch, ngâm qua nước, ủ mềm, bỏ hạch, phơi thịt quả đến khô.

Bài thuốc:

1. Xích bạch lỵ: 12 quả Kha tử, 6 quả để sống, 6 quả nướng bỏ hạt, sao vàng và tán nhỏ. Nếu lỵ ra máu thì dùng nước sắc Cam thảo mà chiêu thuốc; nếu lỵ ra mùi, thì dùng nước sắc Cam thảo chích. 

2. Ho lâu ngày: dùng Kha tử, Đảng sâm mỗi vị 4g sắc với 400ml, còn 1/2 chia uống 3 lần. 

3. Tiêu chảy mạn tính: Dùng khoảng 5g Kha tử (dạng bột), hoà với 10ml rượu và 100ml siro. Mỗi ngày uống ba lần, mỗi lần một thìa canh. Với trẻ em dùng khoảng 1/3 liều lượng của người lớn. Hoặc có thể lấy kha tử đem nướng chín, tách bỏ hạt, phần thịt đem xay (giã) thành bột mịn. Lấy bột khai tử (lượng 6g) hoà với nước cơm, uống ngày hai lần cho đến khi khỏi hẳn thì thôi.

4. Kiết lỵ kinh niên: Lấy 30g Kha tử, 100g Hoàng liên, 20 hạt nhục đậu khấu đã bo vỏ đem tán nhỏ thành bột mịn, trộn với hồ nặn thành viên nhỏ. Mỗi ngày uống 30 viên, chia làm hai lần. Hoặc kết hợp Kha tử (6g) với Đẳng sâm, Bạch truật, Đương quy (mỗi thứ 12g) và cam thảo, gừng, mộc hương (mỗi thứ 6g). Tất cả đem sắc với 400ml nước, uống làm hai lần mỗi ngày.

5. Ỉa chảy lâu ngày: Kha tử 10g, tán bột, hoà với cháo ăn.

6. Ngộ độc thức ăn: Kha tử nướng chín bỏ hạt 8g, hoàng liên 5g, đem tán thành bột mịn. Hoà hỗn hợp này với nước đun sôi để nguội dùng uống ngày ba lần.

7. Chữa khản tiếng, mất tiếng với kết quả rất tốt: Khi bị viêm thanh quản, giọng nói khản đặc, khó nuốt, lấy ít vỏ quả khô, để sống, nhai ngậm rồi nuốt nước dần dần. Làm như vậy nhiều lần trong ngày,

Kiêng kỵ: Những người bị ho do phế có thực nhiệt, hay tiêu chảy do cảm lạnh không nên dùng Kha tử.


Gửi thảo luận