Để sử dụng kháng sinh đúng cách, trước hết chúng ta phải hiểu kháng sinh là gì, có những loại kháng sinh nào và cơ chế tác dụng của các kháng sinh đối với các loại bệnh, từ đó mới có hướng dùng kháng sinh đúng, cũng như có thể kiểm tra đơn thuốc của bác sĩ xem có sai sót nhầm lẫn gì không, hoặc quyết định xem con bạn đã cần phải uống kháng sinh chưa.
Để hiểu kỹ về kháng sinh, bạn đọc có thể tham khảo tài liệu chuyên đề về kháng sinh tại đây, trong bài này chúng tôi chỉ lược trích một số thông tin quan trọng, cộng thêm những tài liệu từ các nguồn khác.
Kháng sinh là gì?
Năm 1928, nhà khoa học Alexander Flemming người Scotland lần đầu tiên thấy trong môi trường nuôi cấy tụ cầu vàng nếu có lẫn nấm penicilium thì khuẩn lạc gần nấm này sẽ không phát triển được, sau đó chất peniciline đã được chiết xuất từ nấm để dùng trong điều trị. Vào năm 1941, peniciline trở thành kháng sinh đầu tiên được tìm ra và được sản xuất để dùng trong lâm sàng. Khi đó, kháng sinh được coi là những chất do vi sinh vật tiết ra (vi khuẩn, vi nấm), có khả năng kìm hãm sự phát triển của vi sinh vật khác, từ gốc Hy Lạp là antibiotic, nghĩa là chống lại sự sống.
Về sau, với sự phát triển của khoa học, người ta đã có thể tổng hợp, bán tổng hợp các kháng sinh tự nhiên và nhân tạo, do đó định nghĩa kháng sinh đã thay đổi: kháng sinh là những chất do vi sinh vật tiết ra hoặc những chất hóa học bán tổng hợp, tổng hợp với nồng độ rất thấp có khả năng đặc hiệu kìm hãm sự phát triển hoặc diệt được vi khuẩn. Nó có tác dụng lên vi khuẩn ở cấp độ phân tử, thường là một vị trí quan trọng của vi khuẩn hay một phản ứng trong quá trình phát triển của vi khuẩn.
Phân loại các nhóm kháng sinh
Ngày nay con người biết được khoảng 8000 chất kháng sinh, trong đó có khoảng 100 loại dùng trong Y khoa và Thú y. Thuốc kháng sinh có loại dùng theo đường toàn thân (uống, tiêm) hoặc tại chỗ (bôi ngoài da; nhỏ mắt, tai, mũi; đặt âm đạo…).
Theo thông tin trên trang dieuduong.com.vn, tính đến năm 2010 có khoảng 17 nhóm thuốc kháng sinh với gần 500 tên thuốc (trong đó có 4 nhóm chuyên biệt là: chống nấm, chống lao, chống phong, trị ung thư; còn lại 13 nhóm là thuốc trị các bệnh nhiễm khuẩn thông thường). Mỗi nhóm lại có các phân nhóm hoặc các thế hệ khác nhau. Ví dụ: nhóm penicillin có 7 phân nhóm, mỗi phân nhóm lại có nhiều tên thuốc gốc khác nhau, mỗi tên thuốc gốc có nhiều tên biệt dược khác nhau. Hay nhóm cephalosporin có 4 thế hệ khác nhau, mỗi thế hệ có nhiều tên thuốc gốc khác nhau (khoảng 40 tên) và nhiều tên biệt dược khác nhau. Ngoài ra còn nhiều biệt dược phối hợp 2 hoặc 3 kháng sinh với nhau hoặc kháng sinh với thuốc chống viêm mạnh (các loại corticoid) để tăng tác dụng.
Có nhiều cách để phân loại kháng sinh: dựa vào khả năng tác dụng: kháng sinh diệt khuẩn, kháng sinh hãm khuẩn; dựa vào phổ tác dụng: kháng sinh phổ rộng, kháng sinh phổ hẹp; dựa vào nguồn gốc: tổng hợp hay bán tổng hợp. Cách phân loại dưới đây dựa vào cơ chế tác dụng của kháng sinh, dựa trên tài liệu "Nguyên tắc sử dụng kháng sinh" của GS.TS Hoàng Kim Huyền và Wikipedia.
Vi khuẩn Gram dương, Gram âm
Khi đọc hướng dẫn sử dụng thuốc kháng sinh, bạn sẽ thấy thông tin về phổ hoạt động và tác dụng lên vi khuẩn Gram dương (+) và Gram âm (-). Hai nhóm vi khuẩn này được phân biệt bằng cách dùng thuốc nhuộm, đặt theo tên nhà vi khuẩn học người Đan Mạch đã tìm ra cách phân biệt chúng.
Vi khuẩn G(+) sau khi nhuộm màu soi trên kính hiển vi chúng bắt màu tím-xanh, còn G(-) bắt màu hồng. G(+) có thành tế bào dày, dạng lưới cấu tạo bởi peptidoglycan, chất này có khả năng giữ phức hợp tím tinh thể-iot. Trong khi đó, lớp thành tế bào peptidoglycan của các vi khuẩn Gram âm thì mỏng hơn và thường có thêm lớp màng lipopolysacc-haride (LPS) bên ngoài.
Theo kinh nghiệm (và có ngoại lệ), bệnh do vi khuẩn Gram âm thường nguy hiểm hơn vì màng ngoài của chúng được bọc bởi một nang, và nang này che các kháng nguyên làm cơ thể phát hiện tác nhân xâm lấn khó khăn hơn. Ngoài ra, màng ngoài vi khuẩn Gram âm có chứa lipopolysacc-haride, đóng vai trò là nội độc tố và làm tăng độ nặng của phản ứng viêm, có thể gây sốc nhiễm khuẩn. Nhiễm vi khuẩn Gram dương thường ít nguy hiểm hơn vì cơ thể người không có peptidoglycan, và có khả năng sản xuất lysozyme tấn công lớp peptidoglycan nằm ở bên ngoài của vi khuẩn.
Kháng sinh đồ
Trong một số trường hợp bệnh như những nhiễm khuẩn nặng hoặc những nhiễm khuẩn mà điều trị không đáp ứng với các thuốc thông thường, bác sĩ thường chỉ định làm kháng sinh đồ.
Phương pháp kháng sinh đồ là phương pháp kiểm tra để tìm ra loại kháng sinh mẫn cảm đối với một dòng vi khuẩn gây bệnh nào đó. Bác sĩ lấy mẫu bệnh phẩm từ bệnh nhân và nuôi cấy vi khuẩn cho phát triển trong môi trường dinh dưỡng đặc biệt, sau đó phân lập và tách dòng vi khuẩn nhằm thu được dòng thuần vi khuẩn gây bệnh; lượng vi khuẩn này sau đó sẽ được trải trên các đĩa thạch và gắn vào các đĩa tẩm kháng sinh rồi đưa vào tủ ấm ở nhiệt độ 28 – 30oC. Sau 24 – 48 giờ, trên bề mặt đĩa thạch xuất hiện các vòng tròn không có vi khuẩn phát triển (vòng vô khuẩn) ở mỗi đĩa kháng sinh. Đo đường kính của vòng vô trùng để xác định tính nhậy cảm của vi khuẩn với kháng sinh đó là kháng, trung bình hay nhạy, từ đó sẽ chọn ra loại kháng sinh có độ nhạy cao dùng để điều trị bệnh.
Chi phí làm kháng sinh đồ phụ thuộc vào loại bệnh và tiền sử kháng thuốc, có thể từ vài chục nghìn hoặc vài trăm nghìn, cho tới vài triệu đồng. Tuỳ loại vi khuẩn mà thời gian cấy là khác nhau, ví dụ như: trực khuẩn lao là 1-2 tuần, các vi khuẩn khác từ 3-5 ngày. Khi đã có kháng sinh đồ thì chắc chắn bệnh sẽ chữa khỏi nhanh và thuốc được chỉ định chính xác.
Sử dụng kháng sinh đúng cách
Khi cần chữa bệnh bằng thuốc kháng sinh, người bệnh phải được bác sĩ khám bệnh, kê đơn (không tự ý dùng thuốc hoặc nghe người khác mách).
Với người bệnh: Trước khi dùng thuốc phải xem lại đơn bác sĩ về liều dùng, số lần dùng thuốc trong ngày, cách dùng thuốc, kiêng kỵ; sau đó xem tờ hướng dẫn sử dụng trong hộp thuốc về cách dùng, kiêng kỵ, tác dụng phụ… để dùng thuốc cho đúng, tránh những điều đáng tiếc. Thuốc kháng sinh thường được sử dụng sai bởi vì nhiều bệnh nhân không dùng theo hướng dẫn của bác sĩ. Họ có thể ngừng uống thuốc kháng sinh quá sớm trước khi bệnh của họ được hoàn toàn chữa khỏi, hoặc tự ý tăng liều để "nhanh khỏi". Điều này sẽ khiến vi khuẩn trở nên đề kháng với thuốc kháng sinh.
Với bác sĩ: Phải kiểm tra tình trạng bệnh nhân (có thai, tiền sử dị ứng thuốc, các thuốc đang sử dụng…) xác định đúng tác nhân gây bệnh và chọn loại thuốc thích hợp, tránh điều trị kiểu bao vây.
Trước hết phải có một chẩn đoán nhiễm khuẩn. Bình thường, trên cơ thể ở những đường tự nhiên như đường thở, đường tiêu hóa, đường tiết niệu sinh dục có một cộng đồng nhiều loại vi khuẩn có lợi sống chung hòa bình với vi khuẩn có hại, nhưng vì nguyên nhân nào đó các vi khuẩn có hại nhiều lên bất thường mà cộng đồng vi khuẩn không kiểm soát được mới sinh ra chuyện viêm nhiễm.
Nếu có viêm mà không do nhiễm khuẩn thì không dùng thuốc kháng sinh. Ví dụ như đau họng do hút thuốc nhiều, uống nước đá, dùng điều hòa nhiệt độ nhiều… thì không vội dùng thuốc kháng sinh mà cần chữa các nguyên nhân gây nhiễm lạnh gây thay đổi nội môi đường miệng, mũi, họng. Thuốc kháng sinh sẽ không chữa được cảm lạnh vì cảm lạnh là do virus, kháng sinh không có hiệu lực trên virus. Điều trị cảm lạnh thường là nghỉ ngơi, uống nhiều nước và dùng các thuốc hạ sốt và đau đầu.
Khi có xác định nhiễm khuẩn, việc tiếp theo là lựa chọn loại thuốc kháng sinh nào phù hợp. Người bệnh cần kể cho thầy thuốc nghe tiền sử đã bị những lần viêm nhiễm thế nào, dùng thuốc kháng sinh gì, bao lâu để có lựa chọn thuốc thích hợp. Bác sĩ cũng có thể dựa trên một số kinh nghiệm lâm sàng để xác định loại vi khuẩn gây bệnh để từ đó chỉ định sử dụng loại kháng sinh nào. Ví dụ: Trên bề mặt da hay gặp các vi khuẩn G(+) như liên cầu (Streptococus), tụ cầu (Staphylococus); trong đại tràng có nhiều E.Coli…
Tốt nhất thì làm kháng sinh đồ trước khi chỉ định để thuốc có tác dụng nhất, tránh nhờn thuốc.
Nên uống thuốc kháng sinh khi nào?
Những loại kháng sinh uống xa bữa ăn: Là những loại thuốc kém bền vững trong môi trường dịch vị hoặc bị giảm hấp thu do thức ăn. Nên uống 1 giờ trước bữa ăn hoặc 2 giờ sau bữa ăn. Gồm có: nhóm penicillin (penicillin V, ampicillin, amoxycillin… khoảng 30 tên). Nhóm cephalosporin: các thuốc trong nhóm này đều có chữ "cef" đứng đầu tên thuốc gốc, đây là nhóm thuốc được các bác sĩ ưa dùng nhất hiện nay, có khoảng 40 tên thuốc gốc, mỗi thuốc gốc lại có nhiều tên biệt dược. Ví dụ: cefuroxime có các biệt dược như zinnat, zencef, zinmax, zinacef, xorim, tarxim… Nhóm macrolid: tên thuốc gốc thường có nhóm chữ "mycin" đứng cuối, thường dùng nhất là clarythromycin, azithromycin, erythromycin. Các biệt dược của erythromycin thường có nhóm chữ "ery" đứng đầu, như: ery, erywin, erycin, eryfar… Nhóm thuốc chống lao cũng nên uống xa bữa ăn.
Những loại kháng sinh uống trong hoặc ngay sau bữa ăn: Là những loại không bị giảm hấp thu do thức ăn, hoặc kích thích đường tiêu hoá. Gồm có: nhóm quinolon (milosacin, rosoxacin, ciprofloxacin…); nhóm nitroimidazol (metronidazol, tinidazol…); nhóm cyclin (tetracyclin, doxycyclin…).
Riêng loại viên bao tan trong ruột, không kể thuộc nhóm kháng sinh nào, đều có thể uống bất kể lúc nào no hay đói (tốt nhất là uống lúc đói với 1 cốc nước sôi để nguội).
Tương tác giữa kháng sinh với các thuốc khác
Tùy loại kháng sinh cụ thể, nếu có tương kỵ độc hại hoặc giảm tác dụng thì không được dùng cùng lúc (hoặc không được dùng trong suốt thời kỳ dùng loại kháng sinh đó) ví dụ erythromycin có tới hơn 30 loại thuốc cấm dùng cùng lúc.
Ăn, uống các loại rau quả có vị chua chứa nhiều axít hữu cơ; nên dùng trước 60 phút hoặc sau 120 phút khi uống kháng sinh.