Vì thế, nên về nhà bà uống thuốc đều đặn lắm, y như lời dặn của bác sĩ. Bà tuân thủ liều lượng và số lần dùng thuốc trong ngày. Nhưng uống thuốc hôm trước thì hôm sau bà thấy vấn đề. Vấn đề của bà cũng thật khó nói nên bà cứ nấn ná mãi. Sang đến ngày thứ tư, thứ năm vẫn thấy hiện tượng, bà thấy lo lo. Lúc này bà mới đem chuyện của mình chia sẻ với ông Toan:
– Này ông, sao mấy ngày nay tôi "đi cầu" cứ thấy phân có màu đen hả ông? Thấy khác mọi lần lắm.
– Thế bà phải cẩn thận đấy. Hay tôi đưa bà đi khám nhé. Vì có ông ở đầu làng ta cũng đi phân có màu đen, khám thì bị chảy máu dạ dày, nguy hiểm lắm bà ạ.
Nghe ông Toan nói vậy, sự lo lắng của bà Toan tăng lên gấp bội. Nhưng khác với ông ở đầu làng là bà chẳng thấy đau bụng gì cả. Mấy hôm trước đau bụng là do loét dạ dày. Uống thuốc vào bà thấy bụng rất ổn không còn đau nữa. Thế nhưng bà vẫn đồng ý để ông Toan đưa lên viện gặp bằng được bác sĩ khám cho bà hôm trước để hỏi. Vừa trông thấy bác sĩ, bà Toan phấn chấn hẳn lên:
– Bác sĩ ơi, tôi có vấn đề muốn hỏi bác sĩ một chút.
– Dạ, bác cứ hỏi ạ.
– Tôi uống thuốc vào cứ thấy đi phân có màu đen là sao ạ, có nguy hiểm không bác sĩ?
Nhìn lại đơn thuốc, thấy trong đơn có dùng bismuth, bác sĩ bèn giải thích cho bà Toan:
– Hiện tượng phân đen là do thuốc bismuth đấy bác ạ. Khi uống vào cơ thể, bismuth phản ứng với H2S của vi khuẩn dẫn đến hình thành bismuth sulfua tạo nên màu đen ở khoang miệng và phân nên bác thấy có hiện tượng phân có màu đen. Thuốc có thể làm biến màu răng nhưng sẽ hồi phục khi ngừng thuốc. Hiện tượng bất thường này không nguy hiểm bác ạ. Vì sự biến đổi này không đưa đến sự rối loạn hoặc khó chịu nào và sẽ mất đi khi bệnh nhân thôi dùng thuốc. Nếu trong quá trình dùng thuốc gặp các hiện tượng bất thường làm cho cơ thể khó chịu hoặc gây độc hại… thì cần thông báo cho bác sĩ biết, vì đó có thể là tác dụng phụ của thuốc, xảy ra ngoài ý muốn khi dùng thuốc ở liều thông thường.