Lương y Đinh Công Bảy – Hội Dược liệu TP.HCM tư vấn:
Về mặt dinh dưỡng, theo Tổ chức Lương nông Quốc tế (FAO) trong 100g phần ăn được của sầu riêng, có chứa các chất sau: nước 66,8g; protein 2,5g; glucid 28,3g; lipid 1,6g; tro 0,8g; các chất khoáng vi lượng: Ca 20mg, P 63mg; Fe 0,9mg; K 601mg; muối Na 1mg; các vitamin: thiamin (B1) 0,027mg; riboflavin (B2) 0,29mg; niacin (B3) 1,2mg; acid ascorbic (C) 37mg; A 10 IU; cung cấp 124 calo.
Qua đó ta thấy, hàm luợng protein, glucid, lipid, các chất khoáng và giá trị năng lượng của sầu riêng đều cao hơn rất nhiều so với các loại trái cây khác. Cơm của sầu riêng có tác dụng kích thích, tăng cường khả năng sinh dục, lọc máu và trừ được giun sán.
Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều sầu riêng (trên 150g cơm trái/ngày) vì sẽ bị “nóng”, gây bứt rứt trong người, dễ sinh mụn nhọt. Không nên ăn sầu riêng khi uống bia rượu vì dễ sinh nhiệt.
Những người có tình trạng âm hư, nội nhiệt, với các triệu chứng: người gầy ốm, da khô, nóng, bứt rứt, lòng bàn tay bàn chân ấm, khát nước, khó ngủ, đêm ngủ ra mồ hôi trộm, đi tiểu ít, nước tiểu vàng, đại tiện táo bón, di mộng tinh… cần hạn chế ăn sầu riêng.
Các nhà y học cũng khuyến cáo rằng: phụ nữ có thai, người bị tiểu đường, cao huyết áp, đang bị sốt thì không nên ăn sầu riêng.
Hột sầu riêng chứa nhiều tinh bột, protein và dầu, có thể đem nướng, luộc chín hoặc rang để ăn như hột mít. Nhưng ăn nhiều có thể gây ngạt thở.
Trang chủ » Phòng Mạch » Hỏi đáp » Có nên ăn nhiều sầu riêng?