Nhu cầu vitamin tan trong dầu của mỗi người
Vitamin tan trong dầu bao gồm các loại vitamin A, vitamin D và vitamin E. Các loại vitamin này có đặc điểm hấp thu cùng với các chất dầu mỡ, vì vậy khi thiếu điều kiện này thì cơ thể không hấp thu được. Quá trình hấp thu đòi hỏi phải có acid mật làm chất nhũ hóa vì mỡ không tan được trong máu, để thuốc hấp thu tốt thì nên uống trong hoặc sau bữa ăn. Khi dùng quá liều, các vitamin này không thải trừ hết qua thận mà tích lũy chủ yếu ở gan và mô mỡ, do đó khi dùng liều cao và kéo dài sẽ gây độc tính, đặc biệt là vitamin A và D. Các vitamin này tương đối bền vững với nhiệt độ cao, do vậy chúng không bị phá hủy trong quá trình nấu nướng.
Nhu cầu hàng ngày về vitamin tan trong dầu đối với người bình thường phụ thuộc vào lứa tuổi. Với trẻ dưới 1 tuổi, nhu cầu vitamin A là 1.500IU/ngày, vitamin D là 400IU/ngày, vitamin E là 5IU/ngày; với trẻ từ 1 – 4 tuổi, nhu cầu vitamin A là 2.500IU/ngày, vitamin D là 400IU/ngày, vitamin E là 10IU/ngày; với trẻ trên 4 tuổi và người lớn, nhu cầu tương đương là 5.000IU/ngày, 400IU/ngày và 30IU/ngày. |
Khi nào cần bổ sung?
Các vitamin luôn có sẵn trong ngũ cốc và thực phẩm, vì vậy đối với những người không có quá trình rối loạn hấp thu ở đường tiêu hóa (tiêu chảy, tắc mật, viêm tụy, loét dạ dày – tá tràng…) và không ăn kiêng, có chế độ ăn cân đối với thực phẩm đảm bảo chất lượng thì không nhất thiết phải bổ sung vitamin dưới dạng thuốc.
Khi thiếu vitamin nhẹ có thể điều trị bằng cách dùng chế độ ăn các thực phẩm có chứa nhiều vitamin. Vitamin A có nhiều trong gan cá thu, trứng, thịt, cá, sữa, gấc, cà chua, cà rốt và rau xanh. Vitamin D chủ yếu có trong thức ăn từ động vật: sữa, bơ, gan, trứng, thịt. Vitamin E có nhiều trong dầu thực vật: dầu cám, dầu lạc và trong các hạt nảy mầm, rau xanh; có một lượng nhỏ trong lòng đỏ trứng gà, gan…
Việc bổ sung vitamin dưới dạng thuốc chỉ khi thiếu trầm trọng hoặc trong trường hợp chưa có điều kiện sửa đổi lại chế độ ăn. Thường thì ít có hiện tượng thiếu đơn độc một chất, vì vậy việc bổ sung vitamin dưới dạng hỗn hợp có hiệu quả hơn khi dùng các chất đơn lẻ.
Điều gì sẽ xảy ra khi thừa vitamin tan trong dầu?
Nhóm vitamin tan trong dầu có thể gây ra tình trạng thừa vitamin nếu lạm dụng thuốc; hoặc một số ít trường hợp thừa vitamin cấp tính do ăn loại thức ăn có chứa lượng lớn vitamin tan trong dầu lớn như ăn gan gấu trắng, gan cá thu… Khi lượng vitamin dư thừa quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng ngộ độc thuốc. Tùy thuộc vào loại vitamin dư thừa mà có các biểu hiện lâm sàng khác nhau:
Vitamin A dùng thừa sẽ xuất hiện các triệu chứng: ngứa da vẩy nến, xung huyết ở da và các niêm mạc, tóc khô, xơ xác, dễ gãy, chán ăn, buồn nôn, giảm prothrombin, chảy máu và thiếu máu. Trẻ em dưới 4 tuổi thường xuyên uống vitamin A có hàm lượng hơn hoặc bằng 5.000IU/ngày có thể bị ngộ độc mạn tính với triệu chứng đau xương, ban đỏ, viêm da tróc vảy, viêm miệng… Nếu dùng liều vitamin A hơn hoặc bằng 100.000IU/ngày có thể gây phồng thóp, co giật, tăng áp lực sọ não. Phụ nữ có thai dùng kéo dài vitamin A hơn 5.000IU/ngày trong khi vẫn ăn uống đầy đủ và hấp thu tốt sẽ có nguy cơ thừa vitamin A, gây quái thai.
Dùng vitamin D liều cao dài ngày gây tích lũy thuốc, làm tăng canxi trong máu, gây mệt mỏi, chán ăn, nôn, tiêu chảy, đau nhức xương khớp. Ngoài ra có thể gây tổn thương thận, tăng huyết áp. Trẻ em dưới 1 tuổi được cho ăn bằng các hỗn hợp thay thế sữa mẹ có bổ sung vitamin D ở liều không thích hợp với lứa tuổi có thể bị thừa vitamin này. Việc bổ sung thường xuyên vitamin D với liều hơn 400IU/ngày cho trẻ dưới 1 tuổi có tình trạng sức khỏe bình thường sẽ làm tăng canxi trong máu, thậm chí còn có thể gây suy thận và tử vong.
Vitamin E dùng liều cao trên 3.000IU/ngày có thể gây rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, đầy hơi, tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, viêm ruột hoại tử. Tiêm vitamin E liều cao vào tĩnh mạch dễ gây tử vong.
Làm sao để không thừa vitamin?
Để tránh thừa vitamin tan trong dầu, trước hết cần thận trọng khi sử dụng các chế phẩm có hàm lượng lớn hơn 5 lần nhu cầu hàng ngày.
Khi dùng thuốc ở dạng hỗn hợp vitamin thì phải phân biệt các công thức dành cho trẻ em dưới 1 tuổi, cho trẻ dưới 4 tuổi và cho người lớn (tính từ 11 tuổi trở lên).
Đường đưa thuốc ưu tiên trong mọi trường hợp là đường uống. Đường tiêm chỉ dùng trong trường hợp không hấp thu được bằng đường tiêu hóa (nôn nhiều, tiêu chảy…) hoặc khi cần bổ sung gấp vi chất và trong nuôi dưỡng nhân tạo ngoài đường tiêu hóa.
DS. Hải Hà