Trang chủ » Tin tức » Y tế » Amíp “ăn” não người: Căn bệnh đang quay trở lại

Amíp “ăn” não người: Căn bệnh đang quay trở lại

Cảnh báo nguy cơ bùng phát của amíp N.fowleri
Theo CDC, bệnh “ăn” não người do amíp N.fowleri gây ra là căn bệnh lạ và hiếm gặp nhưng mức độ nguy hiểm rất cao, đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người. Theo thống kê, tại Mỹ, từ năm 1937 – 2007 có 121 người mắc bệnh, từ 2001 – 2011 có tới 35 ca tử vong, trong đó có 32 ca tiếp xúc trực tiếp với nguồn nước tại các khu vực vui chơi giải trí công cộng. Một số quốc gia như New Zealand, từ năm 1968 – 1978 có 8 ca tử vong vì amíp N.fowleri; tại Anh, năm 1979 có 1 bé gái tử vong sau khi tắm tại một bể bơi của thành phố Bath, sau đó người ta xét nghiệm và phát hiện thấy hồ tắm này bị nhiễm N.fowleri và họ buộc phải đóng cửa. Ngoài ra, tại Pakistan và Tiệp Khắc (cũ) cũng có hàng chục ca nhiễm bệnh tương tự vì N.fowleri sau khi tắm ở các hồ bơi.

 


Trường hợp Kali Harding nói trên cũng không ngoại lệ. Theo bà Traci thì con gái bà bị bệnh sau khi tắm ở bể bơi của Công viên nước Willow Spring, Little Rock, Arkansas. Ngay sau khi tắm, Harding đã bị sốt, nôn ói, đau đầu dữ dội, mắt lờ đờ. Qua khám bệnh, bác sĩ phát hiện Harding mắc bệnh do sinh vật đơn bào ăn não người có tên N.fowleri gây ra. N.fowleri là thủ phạm gây bệnh viêm màng não hay còn gọi là viêm màng não amíp sơ cấp (PAM). N.fowleri là loại sinh vật đơn bào thường tìm thấy trong các nguồn nước ấm như ao, hồ, sông, suối, bể bơi… nhất là những nơi có nhiệt độ từ 25 – 42oC, sau đó chúng thâm nhập cơ thể con người qua đường mũi và di chuyển dọc theo dây thần kinh khứu giác lên não, sau đó bắt đầu phá hủy mô và “ăn thịt” não.
Triệu chứng nhiễm khuẩn N.fowleri thường xuất hiện trong thời gian 7 ngày sau khi phơi nhiễm, gây đau, cứng cổ, nhức đầu, sốt, buồn nôn. Các triệu chứng thứ phát có thể thấy như mất tập trung, co giật. Căn bệnh này rất dễ nhầm với bệnh viêm não do vi khuẩn hoặc virut nên việc chẩn đoán khó khăn. Ở thể nặng, nguy cơ tử vong cao, có thể diễn ra trong vòng 2 tuần kể từ khi nhiễm bệnh.
Vài nét về amíp ăn não người 
Amíp N.fowleri được hai bác sĩ là M. Fowler và RF Carter nhắc đến lần đầu tiên tại Úc năm 1965. Sau đó được Fowler chính thức đặt cho tên gọi là viêm màng não amíp sơ cấp (PAM) để phân biệt với căn bệnh thứ cấp gây ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương (CNS) do các loại amíp khác gây ra như amíp Entamoeba histolytica. N.fowleri là một loại sinh vật đơn bào thuộc nhóm excavata, sống tự do, thường tìm thấy trong các khu vực nước ngọt ấm. Nó cũng được tìm thấy trong đất, gần khu nước thải ấm của các nhà máy công nghiệp, bể bơi không được xử lý bằng clo. Người ta không tìm thấy bằng chứng N.fowleri tồn tại trong nước biển. N.fowleri có thể tồn tại trong tự nhiên ở 3 hình thái là u nang, dạng tư dưỡng (ameboid) giống như amíp và trùng roi, sở hữu trên 15.700 gen mã hóa protein. Bình thường, chúng thường tìm và ăn vi khuẩn hoặc cũng có thể chuyển sang dạng trùng roi để bơi. Đôi khi N.fowleri có thể “tàng hình” tạo thành dạng bào nang, nhất là khi môi trường khắc nghiệt. Đây là thế mạnh của N.fowleri nên loại đơn bào này có thể tồn tại dai dẳng ở những nơi ấm và ẩm ướt. Tại những vùng nhiệt đới, điều kiện ấm áp, N.fowleri phát triển rất nhanh và mạnh, có nhiều trong nước kém vệ sinh, trong thức ăn, rau sống, tay bẩn có dính kén amíp, sau đó thâm nhập cơ thể. Nếu ở mức độ nhẹ có thể gây rối loạn tiêu hóa và nặng có thể gây áp-xe, gây bệnh lỵ, đau quặn, đi ngoài ra phân, máu… Nếu nhiễm amíp N.fowleri đường tiêu hóa và được điều trị kịp thời sẽ ít nguy hiểm đến tính mạng, nhưng một khi nó chui lên não thì cực kỳ nguy hiểm, gây viêm não và nặng có thể dẫn đến tử vong, tỷ lệ tử vong lên tới  98% thông qua cơ chế ăn các nơ-ron thần kinh, gây đau đầu khủng khiếp, sốt cao, ảo giác và thậm chí mất khả năng kiểm soát hành vi.

Amíp “ăn” não người: Căn bệnh đang quay trở lại 2Hình ảnh amíp “ăn”não qua mô tả đồ họa.

 

Theo khuyến cáo của CDC, để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, mọi người nên hạn chế các hoạt động tại vùng nước ấm, đặc biệt là những nơi có điều kiện vệ sinh kém. Sử dụng các dụng cụ để bảo vệ mũi, miệng tránh tiếp xúc với nước tại các bể bơi công cộng, tiếp xúc với bùn, trầm tích dưới đáy ao hồ. Ngoài ra, nên khử khuẩn nguồn nước tại các bể bơi công cộng, hệ thống nước sinh hoạt của các gia đình. May thay, N.fowleri không gây bệnh qua đường uống, trừ khi súc miệng nước bị nhiễm amíp xộc lên mũi. Mọi người không nên uống nước lã, nên dùng nước sạch đã được chưng cất, tiệt khuẩn, lọc hoặc đun sôi, thường xuyên rửa sạch và lau khô chậu chứa, chai lọ, cốc chén đựng nước và thường xuyên rửa tay sạch sẽ.

Gửi thảo luận