Trang chủ » Tin tức » Y tế » Ðừng tước đi quyền sống của chính người thân mình

Ðừng tước đi quyền sống của chính người thân mình

Trăm kiểu “xin về”
Chiều ngày 11/8, chúng tôi đến Khoa Hồi sức tích cực của BV Bạch Mai ngay chính thời điểm gia đình BN N.T.Y. đưa bà xuất viện về nhà để “chờ chết" trước bao nhiêu vẻ mặt tiếc nuối và cả những tiếng thở dài ngán ngẩm của các BS trong khoa. Các BS cho biết, BN bị sốt, tiêu chảy thời gian kéo dài, gia đình đã đưa BN nhập BV đa khoa Bắc Ninh, sau đó BV Bắc Ninh yêu cầu chuyển BN lên Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội điều trị. Ngày 10/8, BN nhập viện tại Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai. Sau khi cấp cứu kịp thời, đến ngày 11/8, các BS chỉ định làm xét nghiệm viêm màng não mủ cho BN thì người nhà BN phản đối, không muốn làm xét nghiệm vì sợ tốn kém mặc dù gia đình BN rất đông con (có đến 8 người con). Tuy nhiên, chỉ có 4 người có mặt tại viện. Họ đã tranh luận, mâu thuẫn, thậm chí cãi lộn với nhau. Khoa phải cử
TS. BS. Đào Xuân Cơ và BS. Phạm Văn Thạch thuyết phục gia đình bệnh nhân cần làm xét nghiệm sớm để tránh bệnh diễn biến phức tạp và cơ hội cứu sống là rất lớn. Hai BS đã thuyết phục suốt một ngày trời nhưng gia đình vẫn một mực ký giấy xin đưa BN về. Theo BS Phạm Thế Thạch, BN xuất viện trong tình trạng này tỷ lệ tử vong rất cao. Ông cũng cho biết, đây là một trong nhiều trường hợp người nhà BN không hợp tác để điều trị cho BN.
Một trường hợp khác, BN Phan Văn T. (Nam Định) ngoài 50 tuổi bị viêm phổi mạn tính, nhập viện trong tình trạng cấp cứu. BN được đặt nội khí quản, qua được cơn nguy kịch. chỉ cần điều trị thêm một thời gian ngắn nữa là có thể xuất viện. Đáng nói là BS chỉ định phải dùng một số thuốc không nằm trong danh mục BHYT nên yêu cầu người nhà ký giấy điều trị… Ngay lập tức, các con ông không chịu và cho rằng BS cố tình giữ BN điều trị nên cương quyết xin ra viện. PGS.TS. Đặng Quốc Tuấn – Phó Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai trực tiếp điều trị cho BN đã bị con trai ông đe dọa: "Ông mà giữ bố tôi lại điều trị, nếu bước chân ra khỏi viện, tôi đánh què chân". Bất đắc dĩ, BS buộc phải cho BN xuất viện trong tâm trạng vừa thấy bị xúc phạm ghê gớm, vừa thấy buồn và tiếc cho người bệnh.
Y học “bó tay” vì người nhà BN
Oái oăm nữa là trường hợp từ chối điều trị vì nghe vào lời "thầy" phán. Ông Trần Văn H. (Hòa Bình) nhập viện trong tình trạng bị sốt cao liên tục, được chẩn đoán viêm phổi bội nhiễm. Nhưng chị K – con gái của BN H. vì đi xem bói, thầy phán nếu bố chị qua được 2h cùng ngày thì mới có thể cứu sống được… nên chị nhất quyết không ký vào bản phẫu thuật mà phải chờ qua thời khắc của "thầy" nói thì mới ký vào bản cam kết mặc cho tình thế vô cùng gấp rút.
Trường hợp điển hình là ông C. (Hà Nội) bị xuất huyết tiêu hóa, nhập viện trong tình trạng cấp cứu, trụy mạch, suy nhược cơ thể. Gia đình ông có đầy đủ khả năng tài chính để chữa trị nhưng chỉ sau khi nhập viện 1 ngày  thì  nhất quyết đòi về. Hành động này nhằm che mắt thế gian cho mọi người biết gia đình ông cũng đã nhiệt tình chạy chữa. Các con ông chỉ quan tâm đến phần gia sản sẽ được kế thừa. Không tìm được lý do đưa bố về, các con ông đành nhờ đến tiếng nói của “cụ trưởng họ” để “có lời” với các BS. “Cụ trưởng họ” mặt non choẹt, chẳng biết là trưởng họ thật hay trưởng họ giả danh đưa ra những lý do: nào là BN cũng đến tuổi thất thập chẳng sống được bao lâu, gia đình là nhà có vai vế trong họ tộc nên muốn xin BV đưa về để lo mai táng cho đẹp ngày… BS. Tuấn vẫn còn bức xúc: Chúng tôi phải nghe những lý do này thực sự cảm thấy đau lòng. Tôi hỏi ông “trưởng họ” kia: "Các anh xin bệnh nhân về để lo mai táng cho đẹp ngày, cho đám ma linh đình thì tôi hỏi anh, nếu phúng viếng, anh phúng viếng được bao nhiêu thì cứ phúng viếng trước đi để chúng tôi lấy tiền viện phí cứu sống bệnh nhân".

Ðừng tước đi quyền sống của chính người thân mình 2Điều trị cho bệnh nhân tại Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai.    Ảnh: Khánh Mai

 


Lỗi nào BS cũng phải chịu
Khi người nhà không hợp tác với BS thì đây là nguyên nhân cản trở lớn trong quá trình cấp cứu BN. Theo BS. Phạm Thế Thạch, khi BN đưa vào cấp cứu, chúng tôi bao giờ cũng đặt tính mạng BN lên hàng đầu. Làm nghề này cũng là "làm dâu trăm họ". Chúng tôi ngoài việc nâng cao chuyên môn còn phải lo thuyết phục BN và người thân của họ. Có trường hợp BN nặng, nguy cơ tử vong là chắc chắn, chúng tôi giải thích với người nhà BN, cho BN về thì người nhà lại cho rằng không "bồi dưỡng" BS nên BS cho về. Ngược lại, có những trường hợp cần giữ lại điều trị tích cực, phải dùng thuốc đặc hiệu thì người nhà BN lại cho rằng BS cố tình giữ BN lại… Đôi khi người nhà sau khi đã cương quyết xin đưa BN về, BN tử vong thì người nhà hùng hổ quay lại viện "khiếu nại" tại sao người nhà tôi bị thế mà BV vẫn cho về; nếu may mắn, BN chưa bị tử vong thì họ lại nói: BV chữa trị kiểu gì, trả về mà người nhà chúng tôi vẫn sống…
PGS.TS. Nguyễn Gia Bình – Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai tâm sự: “Những hiểu lầm này dẫn đến tình trạng cư xử đáng tiếc của người nhà đối với đội ngũ thầy thuốc. Dẫu rằng ngành y còn nhiều bất cập nhưng xã hội cũng phải nhìn nhận đúng những cống hiến của thầy thuốc. Thường những gì thầy thuốc làm được lại không được đặt lên bàn cân. Còn những rủi ro, tai biến cho người bệnh khi thầy thuốc hành nghề lại được cân một phía. Chúng tôi cần một luật định để bảo vệ quyền lợi chính đáng của thầy thuốc. Hiện nay, nước ta mới có Luật Khám, chữa bệnh nhưng quy định bảo vệ thầy thuốc thì vẫn còn sơ sài”.
“Chúng tôi không tránh khỏi xót xa khi biết chắc mình có khả năng đem lại sự sống cho BN mà đành bó tay không được cứu chữa cho họ. Hiện nay, chưa có bất cứ một quy định nào về quyền của người đại diện cho những người không có khả năng dân sự. Hầu như tính mạng của cha mẹ đều do con quyết định khi họ mất khả năng dân sự. Vì vậy, rất cần có những chế tài, quy định tốt hơn để bảo vệ quyền sống cho những bệnh nhân này” – PGS.TS. Nguyễn Gia Bình nhấn mạnh.
Khánh Loan

Gửi thảo luận