Các triệu chứng ban đầu của rối loạn tiền đình thường ít xuất hiện, có chăng người bệnh chỉ cảm thấy mất ngủ, người mệt mỏi. Thường vào buổi đêm về sáng, người bệnh thức giấc mở mắt ra nhìn mọi vật xung quanh thì có cảm giác không bình thường, trở mình thấy lao đao, ngồi dậy khó khăn. Nếu cơn nhẹ, bệnh nhân có thể cố gắng đứng dậy được nhưng mất thăng bằng, dễ ngã. Nếu cơn nặng, họ chỉ nằm được ở một tư thế, không ngồi dậy được, buồn nôn và có thể nôn dữ dội gây mất nước, điện giải, mở mắt ra sẽ thấy mọi vật quay cuồng, đảo lộn. Người bệnh có thể tỉnh táo, đầu không đau nhức nhưng nặng trĩu như bị nén, ép lại, sợ ánh sáng, tiếng động và sự thay đổi tư thế, muốn tìm sự yên tĩnh, mạch thường nhanh, huyết áp hạ, người mệt lả. Bệnh có thể diễn biến trong vài ba ngày rồi hồi phục dần nhưng cũng có thể kéo dài và để lại những di chứng mất thăng bằng, lao đao, mắt mờ nhòe, chân tay tê bì, run rẩy, suy yếu mệt mỏi một thời gian, ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe.
Có khá nhiều nguyên nhân gây rối loạn tiền đình như do môi trường, thời tiết (chuyển mùa), nhiễm độc (hóa chất, thuốc, ăn uống…), bệnh lý của cột sống cổ (thoái hóa, thoát vị, viêm, hẹp thân đốt…) bệnh lý rối loạn chuyển hóa mỡ (rối loạn chuyển hóa lipid), bệnh lý tim mạch, bệnh lý của hệ tạo máu… Vì vậy, trường hợp của bạn tốt nhất là đến các trung tâm y tế có uy tín để khám và làm các xét nghiệm cần thiết như các xét nghiệm huyết học, sinh hóa máu, chụp Xquang, chụp cộng hưởng từ… để chẩn đoán nguyên nhân từ đó bác sĩ mới có chỉ định điều trị hợp lý cho bạn.
Trước mắt, bạn có thể sử dụng các biện pháp vật lý trị liệu như xoa bóp bấm huyệt chườm ấm vùng cột sống cổ cũng có thể giúp bạn giải quyết tạm thời tình trạng này. Hoặc có thể sử dụng các thuốc tăng cường tuần hoàn não như cinnarizin, flunarizine, vipocetin, duxil, tanganil, hay ginko biloba… Tuy nhiên, dùng thuốc nào, liều lượng ra sao bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
BS. Bạch Đằng
Trang chủ » Phòng Mạch » Tư vấn » Ðiều trị rối loạn tiền đình