Trang chủ » Phòng Mạch » Tư vấn » Mẹo nhỏ giúp bạn “vượt cạn” dễ dàng hơn

Mẹo nhỏ giúp bạn “vượt cạn” dễ dàng hơn

Dưới đây là những cách đơn giản giúp bạn giải tỏa nỗi sợ hãi và lo lắng của mình:
 
Nghỉ ngơi
 
“Hẳn tất cả các bà bầu đều đồng ý rằng những lo lắng đầu tiên về mặt thể chất trong thai kỳ chính là sự mệt mỏi và ốm nghén”, bác sỹ Gowri Motha, chuyên gia trong lĩnh vực thai kỳ (Mỹ) chia sẻ.
 
Tại thời điểm này, bào thai của bạn còn khá “mỏng manh” và ưu tiên hàng đầu chính là
sức khỏe của bạn.
 
“Nếu có thể thì hãy ngừng làm việc nhà và nghỉ ngơi để duy trì năng lượng cho cơ thể. Để hạn chế hiện tượng buồn nôn, bạn có thể uống trà gừng tự pha chế. Hãy bỏ vài lát gừng tươi và khoảng 2 cốc nước và đun sôi trong vòng 10 phút, sau đó để mát và uống từ từ mỗi ngày khoảng 3 lần”.
 
Tham gia các lớp học tiền sản
 
“Điều mà các ông bố và bà mẹ trẻ cần hiểu đó là sự sỡ hãi sẽ khiến cho quá trình chuyển dạ càng đau hơn. Việc giải tỏa sự sợ hãi này trước khi sinh là điều hết sức cần thiết và quan trọng”, bà Zita West, tác giả cuốn sách Your Pregnancy Companion chia sẻ.
 
“Vì thế, bạn hãy tham gia một lớp học tiền sản. Tại đây, quá trình chuyển dạ sẽ được thảo luận chi tiết và sự sỡ hãi liên quan đến quá trình này cũng như những điều bạn chưa hiểu rõ sẽ được làm sáng tỏ. Các cặp vợ chồng nên chia sẻ rõ và thẳng thắn những lo lắng và thắc mắc của mình với các giảng viên của khóa học”.
 
Lên kế hoạch trước
 
Bạn cần chuẩn bị càng chu đáo càng tốt trước ngày sinh nở, ví dụ như sắp sẵn đồ đạc cần thiết cho cả bạn và bé, chọn loại nhạc mà bạn muốn nghe trong thời gian chờ “vượt cạn”, hay sắp xếp xem bạn sẽ về nhà bằng cách nào sau khi sinh tại viện…
 
“Hãy nói rõ với chồng những điều bạn cần được hỗ trợ hoặc bạn muốn ai có mặt cùng mình tại phòng sinh trong thời khắc quan trọng đó’”, bác sỹ Motha khuyến khích.
 
Chia sẻ công việc
 
“Hãy đề nghị chồng chuẩn bị kỹ lưỡng cho vai trò của anh ấy trong thời điểm bạn “vượt cạn” và những tuần đầu tiên sau khi bé chào đời”, Sally Randle, một nữ hộ sinh (Mỹ) chia sẻ. “Tham dự những lớp học tiền sản là một phương pháp khá hiệu quả giúp anh ấy cập nhật và hiểu được vai trò trong tương lai của mình”.
 
Hãy khuyến khích anh ấy nghiên cứu và xác định rõ vài trò của bản thân trong kế hoạch sinh nở của bạn và cùng thảo luận xem anh ấy cần phải làm gì trong thời điểm đó. “Điều này sẽ giúp bạn giảm bớt các băn khoăn và lo lắng khi ngày sinh đang đến gần”, bà Randle chia sẻ.
 
Chế độ ăn thuận lợi cho sinh nở
 
Sự chuẩn bị sẵn sàng và chu đáo về mặt thể chất là một điều vô cùng quan trọng giúp các bà mẹ trẻ có được sự tự tin về mặt tinh thần để “đối đầu” với những thách thức và khó khăn khi sinh nở. Hãy hỏi ý kiến bác sỹ về chế độ ăn uống phù hợp trong thai kỳ giúp bạn có thể tích trữ năng lượng và cung cấp tối đa dinh dưỡng cho sự phát triển của thai nhi.
 
Bài tập giãn cơ
 
Các bài tập yoga giãn cơ có thể giúp cải thiện tình trạng đau lưng trong quá trình mang thai.
 
Ngoài ra, hãy thực hành kỹ thuật thở và ép cơ sàn chậu vì những hoạt động này cũng giúp thai kỳ của bạn dễ chịu hơn.
 
Đi bộ
 
“Đi bộ mỗi ngày ít nhất 30 phút trong quá trình thai kỳ sẽ giúp giảm bớt căng thẳng và duy trì cơ bắp khỏe mạnh – những nhân tố không thể thiếu khi ‘vượt cạn’”, bác sỹ Motha chia sẻ. “Ngoài ra, mỗi tuần bạn cũng có thể dành khoảng 1 hoặc 2 lần, mỗi lần 30 phút để đi bơi vì đây cũng là một bài tập thể dục tuyệt vời giúp giải tỏa căng thẳng trong quá trình mang thai”.
 
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thực hiện các bài tập cho vùng xương chậu để chuẩn bị cho sinh nở. Bạn hãy hỏi ý kiến của chuyên gia hoặc bác sỹ về cách luyện tập này.
 
Tin vào bản năng
 
“Hãy tự tin rằng em bé của bạn sẽ biết lúc nào thì cần chui ra và thường báo hiệu thời điểm này”, bác sỹ Motha chia sẻ. Mặc dù bạn có thể đã nghe thấy những câu chuyện kỳ lạ và kinh hoàng xung quanh thời điểm sinh tử này nhưng thực tế thì đại đa số các ca sinh nở diễn ra với rất ít biến chứng.
 
Giảm căng thẳng
 
Trong quá trình mang thai, cơ thể sẽ trải qua nhiều thay đổi với sự xuất hiện của một số hiện tượng đau nhức và khó chịu mới. “Vào giai đoạn giữa của thai kỳ, các bà bầu có thể bị sưng mắt cá chân và đau phần lưng dưới”, bác sỹ Motha chia sẻ. “Những triệu chứng này là do việc mang thai và trọng lượng cơ thể tăng lên”.
 
Theo bác sỹ Motha thì các bà mẹ tương lai nên tìm hiểu và thử những động tác mát xa đặc biệt dành riêng cho phụ nữ mang thai. “Nếu bạn không thể đi mát xa và bấm huyệt ở chỗ bác sỹ chuyên khoa thì hãy nhờ chồng mát xa bàn chân. Khi sắp đến ngày sinh, hãy nhờ anh ấy xoa bóp vùng cổ và khu vực xương cùng vì điều này sẽ giúp kích thích quá trình chuyển dạ”.

Gửi thảo luận