Trang chủ » Tin tức » Y tế » Tự bảo vệ trước bệnh cúm gia cầm A/H7N9

Tự bảo vệ trước bệnh cúm gia cầm A/H7N9

1. Vi-rút cúm A/H7N9 là gì?

– Vi-rút cúm A-H7 là một đại gia đình vi-rút cúm gồm nhiều thành viên thường chỉ gây bệnh ở các loại gia cầm (chim chóc, gà vịt, ngan, ngỗng…).

– Vi-rút cúm A/H7N9 một thành viên trong gia đình H7 này.

– Dù các thành viên khác trong gia đình vi-rút cúm A-H7 này (H7N2, H7N3 và H7N7) đôi khi cũng lây nhiễm sang người, nhưng từ trước đến nay chưa có người bị mắc bệnh cúm A/H7N9 do lây nhiễm từ gia cầm.

– Gần đây, Trung Quốc đã báo cáo các ca bệnh trên người bị mắc cúm A/H7N9 lây nhiễm từ gia cầm.

2. Có bao nhiêu trường hợp mắc cúm A/H7N9 đã được báo cáo ở Trung Quốc?

Tính đến ngày 14/4/2013 có 51 ca đã được báo cáo và có 11 ca tử vong.

3. Triệu chứng của bệnh là gì?

Bệnh nhân thường bị viêm phổi nặng. Các triệu chứng bao gồm sốt, ho và khó thở.

4. Tại sao vi-rút H7N9 này lại lây nhiễm cho con người?

– Cho đến nay, WHO vẫn chưa tìm ra lời đáp chính xác cho câu hỏi này.

– Tuy nhiên, phân tích bộ gen của loại vi-rút này cho thấy, mặc dù các vi-rút này có khả năng xâm nhập và phát triển trong tế bào của các loại gia cầm, nhưng hiện tại chúng bắt đầu có những biến đổi để có thể phát triển trên các động vật có vú bao gồm cả con người (vi-rút có khả năng bám dính vào các tế bào của động vật có vú và có khả năng phát triển được trong môi trường nhiệt độ cơ thể bình thường của động vật có vú thường thấp hơn so với các loài gia cầm).

5. Từ trước đến nay, gia đình vi-rút cúm A-H7 có gây bệnh gì cho con người chưa?

– Từ năm 1996 đến năm 2012, có một số trường hợp bệnh nhân bị nhiễm vi-rút cúm A-H7 (H7N2, H7N3, và H7N7) đã được báo cáo tại Hà Lan, Ý, Canada, Hoa Kỳ, Mexico và Anh. Đa số các trường hợp mắc bệnh xảy ra khi có dịch cúm gia cầm.

– Các trường hợp này thường nhẹ chủ yếu là triệu chứng đường hô hấp trên (đau họng, hắt hơi, chảy mũi) và viêm kết mạc nhẹ, ngoại trừ một ca tử vong ở Hà Lan.

6. Cúm A/H7N9 có khác gì với cúm A/H1N1 và cúm A/H5N1?

– Tất cả ba loại vi-rút này đều thuộc dòng họ cúm A nhưng vẫn có sự khác nhau.

– Cúm A/H7N9 và cúm A/H5N1 là vi-rút cúm gây bệnh ở động vật và đôi khi lây nhiễm sang người (nhưng rất hiếm).

– Cúm A/H1N1 là vi-rút cúm gây bệnh ở người và động vật (heo).

7. Vi-rút cúm A/H7N9 lây nhiễm cho người qua đường nào?

– Một số trường hợp bị bệnh tại Trung Quốc được xác định đã tiếp xúc với gia cầm trước đó. Vi-rút đã được tìm thấy trong chim bồ câu ở chợ chim, Thượng Hải.

– Hiện tại, WHO vẫn đang tiến hành nghiên cứu khả năng lây truyền từ động vật sang người cũng như khả năng lây truyền từ người sang người của dòng vi-rút cúm A/H7N9 này.

8. Cách phòng ngừa nhiễm vi-rút cúm A/H7N9

WHO khuyến cáo: mặc dù cách lây lan của vi-rút cúm A/H7N9 vẫn chưa được xác định rõ, nhưng chúng ta vẫn phải chú ý các biện pháp vệ sinh căn bản để phòng lây lan. Cụ thể như sau:

* Rửa tay:

– Rửa tay trước, trong, và sau khi chuẩn bị thức ăn.

– Rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

– Rửa tay sau khi tiếp xúc động vật hay làm thịt động vật.

– Rửa tay sau khi dọn dẹp chất thải động vật.

– Rửa tay khi bàn tay của bạn bị bẩn.

– Rửa tay khi chăm sóc người bệnh hoặc khi có người trong nhà bị bệnh.

* Vệ sinh hô hấp:

– Khi ho hoặc hắt hơi, cần che miệng và mũi, dùng khăn giấy hoặc dùng tay che lại.

– Bỏ khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác đậy kín lập tức sau khi sử dụng.

– Rửa tay ngay sau khi tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp.

9. Có nên ăn thịt gia cầm, thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo không?

– Vi-rút cúm A/H7N9 không lây truyền qua thực phẩm được nấu chín vì chúng sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ trên 70°C. Do đó có thể ăn thịt heo hay thịt gia cầm đã được nấu chín hoàn toàn.

– Không nên ăn thịt tái, huyết động vật hay tiết canh.

– Không nên ăn thịt động vật bị bệnh và động vật đã chết vì bệnh.

10. Có thuốc chủng ngừa cúm A/H7N9 không?

– Hiện tại chưa có vắc-xin để phòng ngừa cúm A/H7N9.

– Tuy nhiên, các nhà khoa học đã phân lập được vi-rút từ các trường hợp mắc bệnh ban đầu. WHO đang cùng các đối tác phân lập ra những chủng vi-rút cúm A/H7N9 hiện có nhằm tìm ra phương cách hữu hiệu để có thể điều chế được vắc-xin.

11. Có cách điều trị cúm A/H7N9 không?

– Theo WHO, qua thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, vi-rút cúm A/H7N9 rất nhạy với các loại thuốc chống cúm (oseltamivir và zanamivir) đã từng được dùng trong điều trị cúm A/H1N1 và cúm gà (H5N1) trước đây. Tuy nhiên, hiện tại, các chuyên gia hoàn toàn không có kinh nghiệm sử dụng các thuốc này khi điều trị cúm A/H7N9.

– Theo Bộ Y tế Việt Nam, phác đồ điều trị hiện tại vẫn là hỗ trợ và hồi sức hô hấp cùng với sử dụng sớm thuốc chống vi-rút cúm nêu trên.

12. Liệu vi-rút cúm này có gây ra đại dịch?

– Về lý thuyết khi vi-rút cúm A/H7N9 đã lây từ gia cầm sang người là có thể gây ra đại dịch.

– Hiện tại WHO chưa kết luận vi-rút cúm này sẽ có thể gây đại dịch.

 ThS-BS Trần Ngọc Lưu Phương
(Giảng viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch)


Gửi thảo luận