Trong y học cổ truyền, ve sầu có tên thuốc là trách thiền, nhưng ít được dùng nguyên con mà chính xác ve lột mới là bộ phận dùng chủ yếu. Vào đầu hè, khi ấu trùng ve lột xác thành ve sầu trưởng thành, người ta đi thu nhặt xác ve bám trên thân cây to, trên mặt đất hoặc vớt xác trôi theo các dòng sông suối. Xác ve sầu, tên thuốc là thuyền thoái, thiền thoái, thuyền y hay thiền thuế, có vị mặn, ngọt, không mùi, tính lạnh có tác dụng thanh nhiệt, tán phong, chống viêm, tiêu thũng, thúc sỏi, được dùng trong những trường hợp sau:
Chữa chứng hay đau đầu, chóng mặt: xác ve sầu sao qua, tán nhỏ, mỗi lần uống 4g với rượu hoặc nước ấm.
Chữa kinh phong co giật: xác ve sầu, thiên nam tinh, cam thảo, sinh khương đại táo, mỗi vị 3g; toàn yết 1,5g. Tất cả làm khô, tán bột, uống làm 2- 3 lần trong ngày.
Chữa da khô nóng ngứa: xác ve sầu, tổ ong (tầng sáp vừa thu hoạch) lượng bằng nhau, nướng qua sao vàng, tán bột. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 4g với rượu.
Chữa cảm mạo, viêm khí quản, mất tiếng: xác ve sầu 3g, cam thảo 3g, ngưu bàng 5g, cát cánh 5g. Tất cả sắc với 400ml nước còn 100ml, uống trong ngày.
Chữa nóng sốt, co giật ở trẻ em: xác ve sầu 3g, câu đằng 6g, tán nhỏ, sắc với 200ml nước, lấy thêm 50ml, thêm đường uống làm 1-2 lần trong ngày (dùng cho trẻ lớn tuổi). Đối với trẻ còn đang bú, tán các vị thuốc thành bột mịn rồi hòa ít một vào sữa, cho uống làm nhiều lần trong ngày hoặc bôi thuốc vào núm vú cho trẻ bú.
Chữa trẻ ho thở gấp: xác ve sầu và củ nghệ, lượng bằng nhau, tán nhỏ, rây bột mịn. Mỗi lần uống 8-16g với sữa. Có thể dùng dạng thuốc sắc.
Chữa phù toàn thân: xác ve sầu, vỏ cây thông, rễ cây vương tùng, cành tía tô, lượng mỗi thứ bằng nhau. Nấu nước tắm hằng ngày.