Sự việc xảy ra vào ngày 15/3, cháu bé được tiêm phòng tại trung tâm y tế TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Mạnh Hạ, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cho biết sau khi xảy ra sự việc, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra nguyên nhân nhưng hiện chưa thể kết luận được gì.
Ông Hạ cho biết: Quá trình điều tra cho thấy sau khi tiêm phòng, cháu bé bị sốt cao, quấy khóc, gia đình cho biết đã cho cháu uống 3 liều paracetamol hạ sốt. Uống thuốc xong, cháu ngủ ngoan, không khóc, quấy nữa.
“Khi điều tra, chúng tôi được mẹ cháu cho biết lúc 4h30 sáng ngày 16/3 cháu vẫn dậy bú bình thường, nhưng đến sáng thì cháu đã tử vong. Thời điểm tử vong cũng không được xác định cụ thể”, ông Hạ cho hay.
Kể từ lúc tiêm phòng đến lúc phát hiện cháu bé tử vong là 17 giờ.
Sau khi xảy ra sự việc, viện Pastuer TP.HCM đã lấy mẫu vắc-xin tiêm cho cháu bé này mang đi kiểm nghiệm chất lượng.
Ông Hạ cho biết, lô vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem này Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng mới nhận được cách đây 3 tháng và không trùng với các lô trước đây đã tiêm cho các trẻ bị tử vong ở Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Định và cả Lâm Đồng.
Được biết, vắc-xin Quinvaxem được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam từ năm 2010. Nước sản xuất vắc-xin này là Hàn Quốc không sử dụng vắc-xin trên trong chương trình tiêm chủng của họ.
Từ tháng 11/2012 đến tháng 1/2013 đã có 9 trường hợp phản ứng nặng sau khi tiêm vắc-xin Quinvaxem tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Hà Nội, Bình Định, trong đó có 6 trẻ tử vong.
Kết quả kiểm nghiệm đối với lô vắc-xin tiêm cho các trường hợp trên cho thấy chất lượng vắc-xin “đảm bảo”, tỷ lệ phản ứng nằm trong giới hạn cho phép.
C.Quyên