Chào bạn,
Vỏ thân núc nác vị rất đắng, không độc, có tác dụng thanh can, giải nhiệt, tiêu độc, sát trùng. Chính vì có màu vàng và tính năng chữa bệnh như vỏ cây hoàng bá (vị thuốc Bắc) nên y học cổ truyền thường dùng vỏ núc nác thay thế với tên gọi là hoàng bá nam. Có thể dùng vỏ núc nác trong những trường hợp sau:
Chữa dị ứng, mẩn ngứa: Vỏ núc nác 30 g thái nhỏ, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống làm hai lần trong ngày, hòa thêm ít đường cho dễ uống vì thuốc rất đắng. Có thể phối hợp với rễ thổ phục linh, lượng bằng nhau. Đồng thời, ngâm 10 g dược liệu (dùng vỏ tươi cũng được) với 30 ml cồn 50 độ trong 5-7 ngày, thỉnh thoảng lắc đều, rồi lọc để dùng xoa ngoài, mỗi ngày 3-4 lần.
Chữa lở sơn: Vỏ núc nác tươi (số lượng tùy theo mức độ lở loét) giã nát, thêm rượu 30-40 độ theo tỷ lệ 1 phần vỏ với 3 phần rượu, ngâm trong khoảng 2-3 giờ, càng lâu càng tốt. Dùng bôi.
Chữa mụn nhọt vỡ mủ lâu ngày không liền miệng: Vỏ núc nác phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn, dùng rắc làm nhiều lần trong ngày.
Chữa lở loét: Vỏ núc nác 100 g, cả cây gai cua đốt thành than 50 g, thanh phàn phi 20 g. Tất cả tán bột mịn, trộn đều. Rửa sạch vết thương bằng thuốc sát khuẩn, rồi rắc bột này. Ngày làm một lần.
Chữa eczema bội nhiễm, chảy nước vàng: Vỏ núc nác 40 g; sài đất, sâm đại hành mỗi thứ 30 g nấu với nước rồi cô thành cao đặc, dùng bôi hằng ngày.
Ngoài tác dụng chữa các thể bệnh ngoài da, vỏ núc nác còn có những công dụng đáng quý như:
Chữa viêm gan, suy gan, vàng da: Vỏ núc nác, nghệ vàng, nhân trần hoặc bồ bồ mỗi thứ 3 g; rau má 4 g; dành dành, sài hồ nam, nhọ nồi, hậu phác nam mỗi thứ 2 g. Vỏ núc nác, nhân trần, sài hồ, nhọ nồi, rau má nấu thành cao lỏng. Các dược liệu khác phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn. Trộn cao với bột làm viên bằng hạt ngô. Ngày uống 10 viên chia hai lần.
Chữa trĩ: Vỏ núc nác, hoa kinh giới, ngũ bội tử mỗi thứ 12 g; phèn phi 4 g. Tất cả sắc lấy 300-400 ml nước, để nguội, ngâm hậu môn hằng ngày.
Chữa táo bón: Vỏ núc nác, lá cối xay mỗi thứ 20 g sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống làm hai lần trong ngày.
DS Hữu Bảo