Theo y học cổ truyền, vỏ thân cây gạo có vị cay, tính bình, có tác dụng khu phong, trừ thấp, hoạt huyết tiêu thũng… Nhân dân thường thu hái vỏ cây gạo mang về cạo vỏ thô và gai, rửa sạch thái nhỏ phơi hay sấy khô sắc uống hay giã nát dùng tươi để chữa các chứng bệnh như viêm loét dạ dày, tiêu chảy, viêm đau khớp, chấn thương bong gân, gãy xương,…
Đơn thuốc có sử dụng vỏ thân cây gạo
Chữa bong gân:
– Vỏ thân cây gạo 16g (cạo bỏ vỏ ngoài, sao rượu), lá lốt 16g (sao vàng), sắc với 750ml nước, cô còn 250ml, chia uống 2 lần trong ngày.
– Vỏ thân cây gạo tươi, rau má tươi, vòi voi tươi và bồ công anh tươi, bốn thứ lượng bằng nhau, rửa sạch, giã nát, bó vào chỗ sưng đau.
– Vỏ thân cây gạo tươi, lá náng, quả đu đủ non, ba thứ lượng bằng nhau, rửa sạch, giã nhuyễn, đắp vào chỗ sưng đau.
Sưng nề do chấn thương: Vỏ thân cây gạo 100g, củ nghệ vàng già 100g. Vỏ thân cây gạo băm nhỏ, giã nát, nghệ vàng thái mỏng, dùng giấm thanh và rượu cho vào sao rồi chườm hoặc đắp vào vùng bị sưng nề khi còn nóng.
Chữa tê thấp đau mỏi: Vỏ thân cây gạo, dây đau xương, thân cây bọt ếch, mỗi thứ 1kg; vỏ cây lá đắng 2kg. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc với nước lấy 200ml cao lỏng. Hòa 200ml rượu và 100ml sirô vào cao để được nửa lít thành phẩm. Ngày uống 50ml, chia 2 lần.
Giảm đau nhức xương khớp, đau cơ: Vỏ thân cây gạo tươi 50g, cạo bỏ lớp vỏ bẩn bên ngoài, thái mỏng,giã nát, thêm giấm thanh, trộn đều rồi băng đắp vào chỗ đau.
Chữa đau răng: Vỏ thân cây gạo 15g, sắc đặc, ngậm nhiều lần trong ngày.
Sưng đau vú sau khi sinh: Vỏ thân cây gạo 20g, sắc uống ngày 1 lần. Dùng 3 – 5 ngày.