Trang chủ » Tin tức » Hướng tới một “Thung lũng cây thuốc” Việt Nam

Hướng tới một “Thung lũng cây thuốc” Việt Nam

Hội thảo xây dựng đề án “Thành lập vườn thuốc quốc gia Yên Tử” vừa diễn ra đã tiến thêm một bước quá trình hiện thực hóa ước mơ về một “Thung lũng cây thuốc” ở VN.


Khu vực núi Yên Tử, nằm ở TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh có vị trí đặc biệt, nằm ở rìa trung tâm đa dạng sinh học Đông Bắc, lại là khu danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử – tôn giáo lớn của Việt Nam. Vùng Yên Tử có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn tài nguyên cây cỏ nói chung và tài nguyên cây thuốc nói riêng, gắn liền với văn hóa, cảnh quan và du lịch. Khu vực này cũng có sẵn những điều kiện thuận lợi để thành lập và duy trì sự bền vững của một vườn cây thuốc như hệ thống cơ sở hạ tầng (đường sá, nguồn điện, các công trình công cộng…), lại là nơi có lượng khách du lịch hàng năm khá lớn và nằm trên trục du lịch đến di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Tại khu vực 270 hécta đã nghiên cứu, nhóm nghiên cứu trường đại học dược HN đã xác định được tổng số 369 loài cây thuốc thuộc 6 ngành thực vật khác nhau.

Khu vực dự kiến xây dựng Vườn cây thuốc quốc gia nằm trọn trong khu vực rừng quốc gia Yên Tử, phân bố ở độ cao từ 100-123m so với mặt nước biển, nằm hai bên đường vào ga cáp treo Yên Tử, điểm bắt đầu của vườn cách Thiền viện Trúc Lâm 720m, điểm kết thúc là khu vực nhà ga cáp treo Yên Tử.

Bảo tồn tri thức, kinh nghiệm sử dụng thuốc

Đề án “Xây dựng Vườn cây thuốc quốc gia Yên Tử” do nhóm nghiên cứu trường ĐH Dược HN thực hiện, không chỉ nhằm bảo tồn các loài cây thuốc của nước ta, mà quan trọng hơn là bảo tồn vốn tri thức, kinh nghiệm sử dụng các loại thuốc. Bởi, các cây thuốc tự nhiên, với người không biết thì nó chỉ là thứ cỏ cây bình thường, với người biết, nó trở thành một loại dược phẩm quý giá.

Việt Nam là nơi giao lưu của các dân tộc và các nền văn hóa, các thế hệ trước của cộng đồng đã phải trả giá bằng cuộc sống và sức khỏe để tích lũy những kinh nghiệm sử dụng cây cỏ làm thuốc, tạo nên nền tảng tri thức và kinh nghiệm sử dụng cây thuốc ngày nay.

Tri thức sử dụng cây cỏ làm thuốc ở VN tồn tại ở 2 nền y học chính là y học cổ truyền chính thống, có nguồn gốc từ Trung y, với các hệ thống lý luận và thực hành được tư liệu hóa trong sách vở như các học thuyết Âm – Dương, Ngũ hành, Tạng tượng… ; và các nền y học nhân dân hay y học cổ truyền dân tộc được gọi là “thuốc Nam”.
Nhưng sự xói mòn về nguồn gene cây thuốc cộng với việc tri thức sử dụng cây cỏ làm thuốc không được tư liệu hóa đã kéo theo sự mai một và lãng quên dần vốn tri thức bản địa của các cộng đồng trong việc sử dụng cây thuốc theo cách truyền thống, làm mất đi một nguồn lực đáng kể trong việc bảo vệ sức khỏe nhân dân và các cơ hội phát triển kinh tế đất nước.

Vì vậy, để bảo vệ vốn tri thức quý giá này, trong khu vực bảo tồn và phát triển Vườn cây thuốc quốc gia Yên Tử có tới 16 khu vườn khác nhau (vườn hoa bốn mùa, vườn hương thơm, vườn tĩnh lặng…), nhưng quan trọng nhất vẫn là Bảo tàng Vườn cây thuốc các dân tộc. Đây là bộ sưu tập mẫu của Vườn cây thuốc quốc gia Yên Tử và do đó là bộ sưu tập quan trọng nhất dưới góc độ bảo tồn, nghiên cứu, tư liệu hóa, giáo dục và trưng bày.  Bảo tàng có chức năng trình bày và diễn giải cho khách tham quan các mô hình vườn cây thuốc của 18 dân tộc ở khu vực Đông Bắc Việt Nam.

Sẽ có 18 vườn nguyên mẫu cây thuốc đến từ 18 dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc, mỗi vườn có diện tích khoảng 1 hécta bao gồm cả nhà ở với kiến trúc đặc trưng của dân tộc đó. Khách tham quan có thể vào trong từng căn nhà để xem xét, trải nghiệm. Trọng tâm chính là khu vườn của gia đình, nơi các cây thuốc được trồng và trưng bày. Các dân tộc sinh sống ở vùng cao sẽ được bố trí ở lưng chừng đồi, còn các dân tộc sinh sống ở vùng thấp sẽ được bố trí ở nơi thấp và bằng phẳng hơn trong bảo tàng.

Lộ trình thực hiện của đề án với tham vọng biến Yên Tử thành “Thung lũng cây thuốc” Việt Nam chưa xác định cụ thể sẽ kéo dài trong bao nhiêu năm, nhưng được chia thành 3 giai đoạn: Từ 2012 đến 2015 là giai đoạn hoàn thành việc xây dựng các công trình và khai trương các hạng mục; từ 2016 đến 2020 sẽ đưa Yên Tử trở thành “Vườn cây thuốc quốc gia” và tham gia phát triển kinh tế địa phương; và từ 2020 trở đi sẽ phát triển Yên Tử thành “Thung lũng cây thuốc” Việt Nam.

Xã hội hóa các nguồn lực

Đề  án xây dựng Vườn cây thuốc quốc gia Yên Tử có tổng kinh phí dự trù lên tới 1.500 tỉ đồng và một nguồn nhân lực đòi hỏi trình độ cao, cộng với thời gian kéo dài hàng chục năm sẽ tạo một gánh nặng rất lớn cho ngân sách nhà nước. Bởi vậy, đề án kêu gọi sự ủng hộ và tham gia của cả cộng đồng, kể cả các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Mô hình tổ chức Vườn cây thuốc quốc gia Yên Tử được đề xuất là một đơn vị sự nghiệp có thu độc lập, cơ quan chủ quản sẽ là Bộ Y tế hoặc tỉnh Quảng Ninh. Trước tiên, việc xã hội hóa nguồn tài chính cho việc xây dựng và duy trì Vườn cây thuốc quốc gia theo mô hình PPP (hợp tác công tư) là một yêu cầu tất yếu. Nguồn tài chính sẽ được huy động từ ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp, các quỹ về môi trường và đa dạng sinh học, nhà tài trợ, các nhà hảo tâm trong nước và quốc tế. Cụ thể nguồn kinh phí thực hiện đề án sẽ lấy từ ngân sách nhà nước trên cơ sở từng dự án khả thi của đề án, ước tính sẽ là 1.120 tỉ đồng, trong đó 840 tỉ từ ngân sách Trung ương (60%), 280 tỉ từ ngân sách địa phương (20%), và kinh phí xã hội hóa ước tính là 20%.

Hiện nay, công ty CP Phát triển Tùng Lâm đã cam kết hỗ trợ 250 tỉ đồng bằng việc xây dựng “Tuệ Tĩnh đường” Yên Tử – nơi mọi người được chăm sóc sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần. Đồng thời dự án cũng được cho phép sử dụng cơ sở vật chất hiện có của công ty tại Yên Tử như nơi ăn, ở, các trang thiết bị văn phòng, thông tin liên lạc…

Công ty Dược khoa  (thuộc ĐH Dược HN) cũng cam kết hỗ trợ 30 tỉ đồng để xây dựng Vườn cây thuốc quốc gia Yên Tử.

Đối với nguồn nhân lực trình độ cao, chúng ta chưa có kinh nghiệm trong việc xây dựng những khu bảo tổn thực vật nói chung, khu bảo tồn cây thuốc nói riêng. Vì vậy, ngay từ đầu xây dựng Vườn cây thuốc quốc gia, chúng ta phải tăng cường học hỏi những kinh nghiệm chuyên môn về thu thập, quản lý, lưu trữ thông tin cây thuốc và kỹ năng làm vườn. Đồng thời, chúng ta cần thiết mời các chuyên gia về vườn thực vật quốc tế tham gia ngay từ giai đoạn đầu hình thành vườn.  

“Tuệ Tĩnh đường” cũng sẽ là trung tâm huấn luyện về thuốc nam cho các nhà sư  tại Thiền viện Trúc Lâm.

Các mối quan hệ hợp tác sẽ được thiết lập và duy trì với nhiều tổ chức trong nước và quốc tế. Trong khu vực Đông Nam Á, chúng ta sẽ có thể nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Vườn thực vật Queen Sirikit (Thái Lan) và Vườn thực vật Singapore. Ngoài ra, mạng lưới các vườn thực vật Đông Nam Á cũng là một nguồn hỗ trợ hiệu quả cho Vườn cây thuốc quốc gia Yên Tử. Vườn thực vật King Park và Vườn thực vật của Adelaide (Australia) có thể hỗ trợ trong lĩnh vực bảo tồn và giáo dục môi trường.

Các tổ chức nước ngoài khác có thể cũng sẽ quan tâm giúp đỡ Vườn cây thuốc quốc gia của VN là Dự án Eden và Vườn thực vật hoàng gia Edinburgh (Anh), Vườn thực vật Missouri (Hoa Kỳ). Hệ thống lớn nhất các vườn thực vật trên toàn thế giới là Tổ chức Bảo tồn các vườn thực vật thế giới (Anh) sẽ tham gia hỗ trợ cho chúng ta nhiều nguồn tài nguyên phong phú như các ấn phẩm giúp Vườn cây thuốc quốc gia thiết lập các chương trình hoạt động đa dạng và giải quyết nhiều vấn đề khác nhau trong bảo tồn cây thuốc.

Vẫn còn nhiều băn khoăn

Tại hội thảo xây dựng đề án “Thành lập Vườn cây thuốc quốc gia Yên Tử”, hầu hết các nhà chuyên môn đồng tình với đề án của nhóm nghiên cứu thuộc trường ĐH Dược HN, song vẫn còn một vấn đề chưa thực sự làm họ hài lòng.

Hầu hết những ý kiến chưa đồng thuận đều cho rằng diện tích 270 hécta là quá nhiều so với quy mô một khu bảo tồn cây thuốc, vì nó gây ra một gánh nặng chi phí lớn cho ngân sách nhà nước khi nước ta đang trong giai đoạn lạm phát cao. Với số tiền hơn 1 nghìn tỉ đồng, chúng ta có thể đầu tư vào những lĩnh vực quan trọng hơn của ngành y tế. Trong khi đó, vườn cây thuốc lớn nhất trên thế giới hiện nay là Vườn cây thuốc Quảng Tây (Trung Quốc) cũng chỉ rộng 202 hécta.

Đại diện Viện Dược liệu cho rằng đất ở khu vực Yên Tử có độ chua khá lớn, với pH trung bình là 4,4% sẽ không thực sự phù hợp với các cây thuốc từ khu vực đồng bằng sông Hồng chuyển lên trồng ở đó.

Ngoài ra, còn một số ý kiến nhận định đề án do nhóm nghiên cứu trường ĐH Dược HN xây dựng còn thiếu những cơ sở pháp lý chặt chẽ; Yên Tử chưa thể là vùng đại diện cho cả nước về những điều kiện tự nhiên mà chỉ có thể đại diện cho vùng Đông Bắc mà nếu như thế chúng ta sẽ phải huy động thêm kinh phí để xây thêm các vườn cây thuốc quốc gia ở những vùng khác; đất ở  hiện nay Yên Tử bị xói mòn khá nhiều… Thậm chí có cả những ý kiến cho rằng mục tiêu của Vườn cây thuốc quốc gia là bảo tồn và phát triển cây thuốc và tri thức sử dụng thuốc, mà lại đưa vào xây dựng các khu vườn hoa bốn mùa, vườn hương thơm, vườn tĩnh lặng, vườn tâm linh… là một điều hết sức vớ vẩn.
 

Có lẽ một khu vườn  để bảo tồn và phát huy cây thuốc và tri thức sử dụng thuốc là ước vọng của rất nhiều thế hệ các nhà nông học, nhà thực vật học, nhà sử học VN… tuy nhiên lộ trình xây dựng một “thung lũng cây thuốc” VN vẫn còn hiện hữu rất nhiều thách thức.   

Nhận thức được vai trò và tiềm năng của cây thuốc trong công tác chăm sóc sức khỏe, chữa trị bệnh tật và phát triển kinh tế, bảo vệ bản sắc văn hóa các dân tộc, Nhà nước Việt Nam đã tích cực tham gia và phê chuẩn các công ước quốc tế như Công ước Đa dạng sinh học  (1992), Kế hoạch hành động đa dạng sinh học (1994)…

Đồng thời, ban hành nhiều văn bản liên quan đến bảo tồn và phát triển cây thuốc như: Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg ngày 30.6.2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020; Quyết định số 43/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đề án “Phát triển công nghiệp dược và xây dựng mô hình hệ thống cung ứng thuốc Việt Nam giai đoạn 2007-2015 và tầm nhìn đến 2020”; Thông báo 2976/VPVP-KGVXv ngày 13.5.2008 thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao các bộ, ngành thực hiện kết luận của Ban Bí thư về Bảo tồn và phát triển cây thuốc VN; Thông báo 164/TB-VPCP ngày 16.6.2010 về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị Phát triển dược liệu và sản phẩm quốc gia 2010…

Nhìn chung các chủ trương, chính sách đã đi vào thực tiễn và tạo được những chuyển biến đáng kể trong công tác bảo tồn và phát triển cây thuốc VN trong thời gian qua.  

Gửi thảo luận