Trang chủ » Danh y xưa và nay » Giai thoại » Nhà khoa học “đối đầu với thế giới”

Nhà khoa học “đối đầu với thế giới”

Căn bệnh và mô phỏng siêu lãng mạn

Nếu nói về sức lây lan và tàn phá với con người thì bệnh lao là bệnh đứng hàng thứ 2. Nó chỉ đứng sau AIDS mà thôi. Cho đến nay, vẫn không thể có một bệnh nào ngoài bệnh lao có thể gây ra nhiều nạn nhân và nhiều ca tử vong đến như thế.

Tính trên toàn nhân loại, có khoảng 8,8 triệu người mắc lao và có khoảng 1,4 triệu người chết do lao (năm 2010). Bệnh lao đã từng hoành hành trong lịch sử và gây ra những đại dịch khiếp sợ.

Vào những năm 1790 – 1796, tại thành phố Bristol, người ta đã xác định được 683 người nhiễm lao trong tổng số 1.571 ca tử vong, tức là chiếm tới gần 50% ca điều trị bất thành tại bệnh viện.
 

Ước tính trong những năm chiến tranh thế giới lần thứ 2, tại Mỹ, cứ một ngày có 450 người dân quốc gia này chết vì bệnh lao. Điều đáng buồn là họ còn rất trẻ, tuổi đời chỉ từ 15 – 45 tuổi. Khắp nơi, đâu đâu người ta cũng thấy bệnh nhân lao.

Tại bang Kentucky, người ta đã so sánh số nạn nhân chết do chiến tranh và số nạn nhân chết do lao thì thấy cán cân có một sự chênh lệch không thể không nhận ra. Nếu như trong 56 tháng của chiến tranh, có 6.802 người chết do bom đạn chiến tranh thì “thành tích” do lao là 7.997 người tử vong.

Trong suốt một thời gian dài, người ta không thể biết được nguyên nhân do lao là gì? Khoa học đã cất công tìm kiếm nhưng tất cả chỉ tồn tại ở những giả thuyết vô lý. Trong suốt một thời gian dài, người ta coi lao là bệnh di truyền. Vì có một hiện tượng cố định không thể chối cãi là nếu một thành viên bị bệnh là gần như cả gia đình đó bị bệnh. Nếu cha mẹ bị bệnh thì sớm hay muộn những đứa trẻ trong gia đình đó cũng bị bệnh. Nếu các thế hệ trước chết do lao thì các thế hệ sau cũng chẳng thể thoát khỏi sự tử nạn vì lao.
 

 Mô hình cấy khuẩn trong phòng thí nghiệm.

Sự đối đầu dựa trên chân lý

Tuy nhiên, có một nhà khoa học không đi theo nguyên lý này. Ông là Jean Antoine Villemin, nhà khoa học Pháp, sinh ra ở làng Prey, tỉnh Vosges. Vốn là một nhà khoa học giỏi về y học, ông đã từng là Phó Chủ tịch Viện Y học hàn lâm quốc gia Pháp.

Villemin không chấp thuận giả thuyết lao là bệnh di truyền. Vì trên thực tế quan sát, có rất nhiều người chết trẻ do bệnh lao nhưng ông bà, bố mẹ hoàn toàn không bị bệnh. Vậy thì họ di truyền từ ai? Mặt khác, cũng chính những thành viên sinh ra trong một gia đình bị bệnh lao nhưng chuyển đi sống ở một địa phương khác thì họ lại không bị lao. Vậy đặc điểm di truyền đã đi đâu? Điều này làm cho ông thực sự nghi ngờ.

Song tư duy đi ngược lại xã hội là cả một thách thức lớn. Vì nếu như ông đúng thì ông sẽ chiến thắng. Nhưng nếu ông sai, trách nhiệm khoa học của ông rất nặng nề và ông sẽ bị trừng phạt. Nhưng ông đã dám đặt cược vì một niềm tin chân lý đúng.

 

Số nạn nhân chết do chiến tranh (6.802) và do lao (7.997) tại Kentucky.
Theo ông, bệnh lao là bệnh lây. Có một cái gì đó lây được từ người này sang người khác. Song khoa học thời bấy giờ là khoa học thực nghiệm. Không có bằng chứng thì không một ai tin và không một ai chấp nhận.

Ông bắt đầu thí nghiệm cẩn thận. Villemin đã lấy bệnh phẩm là chất dịch hoặc mảnh mô bệnh từ đối tượng bị bệnh đem lây nhiễm cố ý vào cơ thể một sinh vật khoẻ mạnh. Đối tượng bị bệnh được cách ly nghiêm ngặt để không cho lây lan mầm bệnh. Đối tượng khỏe mạnh cũng được cách ly nghiêm ngặt để đảm bảo không bị nhiễm bệnh trước khi thí nghiệm. Và cũng để “đánh sập” lý thuyết bệnh di truyền, ông đã cho thử nghiệm trên hai cá thể hoàn toàn khác nhau, khác nhau tới mức một bên là người và một bên là vật. Sau thời gian thực nghiệm, ông đã thành công.

Ông đã lấy mầm bệnh từ người cho lây sang thỏ. Kết quả thỏ bị bệnh lao. Tiếp tục lấy thỏ bị bệnh lao đem lây cho bò thì kết quả bò bị bệnh lao. Ông lấy bệnh phẩm lao bò (bò thời đấy nổi tiếng với bệnh lao) đem lây cho thỏ thì thỏ cũng bị bệnh lao. Đem lây bệnh lao từ thỏ cho chuột cũng cho kết quả tương tự và ngược lại… Như vậy, rõ ràng phải có một cái gì đó trong cơ thể những đối tượng bị bệnh thì mới có thể lây cho đối tượng khỏe mạnh. Và cũng rõ ràng là không thể có sự di truyền ở đây vì người, bò, thỏ, chuột chả có liên quan gì về mặt gen di truyền hay sự giao phối sinh sản.

Trong cuốn sách mô tả thực nghiệm của mình, Villemin đã ghi rất rõ: “Ngày 6/3/1985, chúng tôi đã lấy 2 thỏ 3 tuần tuổi, hoàn toàn khỏe mạnh. Một con thỏ được gây tổn thương ở vành tai, con còn lại thì không. Sau đó thỏ bị gây vết thương ở vành tai được cho tiếp xúc cố ý với chất dịch và mảnh mô nhỏ của một bệnh nhân chết do lao trong vòng 23 giờ tính từ khi thực nghiệm. Phải làm thế nào mà trên vành tai thỏ bị thương phải dính đầy chất dịch và mô của người chết. Con khỏe mạnh thì để nguyên. Đến ngày 20/6/1985, tức 3 tháng 14 ngày sau đó, trong khi con thỏ không cho lây nhiễm hoàn toàn khỏe mạnh, lớn phổng phao thì con bị lây nhiễm cố ý đã bị bệnh. Toàn bộ phổi, ruột, hạch nổi sưng to và xuất hiện dạng tổn thương như người bị lao vậy”.

Công trình của Villemin đặc biệt xuất sắc và mở ra một thời kỳ mới hoàn toàn đúng đắn khi nghiên cứu về bệnh lao và đã bác bỏ được một giả thuyết lao do di truyền tưởng như vững chắc. Quan trọng hơn, nó đã chứng minh cho lòng dũng cảm của Villemin, người đã dám hy sinh cả sự nghiệp cho một chân lý khoa học đúng.

 

Gửi thảo luận