Trang chủ » Danh y xưa và nay » Giai thoại » Huyền thoại lửa

Huyền thoại lửa

Cha chị là bác sĩ Đặng Ngọc Khuê – chủ nhiệm khoa Ngoại Bệnh viện Bệnh viện Saint Paut (đã mất); mẹ là dược sĩ Doãn Ngọc Trâm cán bộ trường Đại học Dược – Hà Nội. Chị là người con trưởng với bốn đứa em. Tốt nghiệp năm 1966, có nghĩa là chỉ chừng dăm bảy tháng sau khi thành bác sĩ, Đặng Thuỳ Trâm đã lên đường phục vụ chiến trường. Dường như tôi đã cảm thấy ngọn lửa nhiệt huyết trong trái tim cô gái Hà Nội trẻ trung ấy từ lâu đã nhằm hướng thẳng tới chiến trường, tới nơi gian khổ, ác liệt…

Nơi ấy, Đặng Thuỳ Trâm phải ba tháng trời hành quân mới tới. Nơi ấy được chị kể lại trong thư gửi cho người bạn (tên là Niệm) đề ngày 23 tháng 4 năm 1967: “Viết thư cho Niệm giữa lúc máy bay địch gào thét trên đầu. Trực thăng quạt hàng tràn đại liên. Phản lực tuôn bom điên cuồng. Mặc kệ. Chúng thừa bom đạn thì cứ rải. Cùng lắm chỉ chết lũ cây rừng. Mình được phân công về huyện Đức Phổ. Cơ quan vừa bị oanh tạc tuần trước. Thiệt về người không lớn nhưng bệnh xá tan hoang. Thuỳ về, vác ba lô đi giữa những căn nhà sập nát. Đồ đạc, dụng cụ y tế vương vãi đầy sân. Không một bóng người. Thuỳ không khóc mà lòng rớm máu. Thuỳ lang thang đi thăm từng buồng bệnh cũ. Những chiếc khay đựng xơ-ranh, dao kéo…, những giá treo áo blouse… tất cả gãy vụn. Ai có cách gì nói hết nỗi đau của Thuỳ? Nỗi đau cắn vào xương thịt, không dừng lại ở cảm giác… Thế đó! Niệm ơi, hãy tin rằng cô bạn gái của Niệm sẽ giữ mãi bản chất yêu đời, dù trong lửa bom, bão đạn…”. Nơi ấy là huyện Đức Phổ – một huyện ven biển nằm trong chiến tranh ác liệt nhất.

Đại tá Tư Thắng, người anh hùng huyền thoại của đường mòn trên biển đã kể về bệnh xá huyện Đức Phổ và Đặng Thuỳ Trâm với lòng ngưỡng mộ đến kinh ngạc: “Các anh hiểu thế nào là một cái bệnh xá huyện trong chiến tranh miền Nam hồi bấy giờ không? Riêng tôi, thật ra đến lúc đó, có dịp trôi dạt vô đó, tôi mới hiểu. Thì ra, giữa chiến tranh, ở một vùng đất quá ác liệt, thì một đơn vị bộ đội, chủ lực hay địa phương, thậm chí có khi cả du kích nữa, rồi các cơ quan chỉ huy, chỉ đạo… có thể tạm thời lánh đi đâu đó, thời gian ngắn hay dài. Nhưng một cái bệnh xá huyện thì không thể lánh đi đâu được, đơn giản chỉ vì nó là cái bệnh xá huyện, nó phải có mặt ở đó bất kể lúc nào, trụ bám ở đó vì thương binh, vì những người dân bị thương, bị bệnh…

Mà Đức Phổ hồi bấy giờ là một trong những huyện ác liệt nhất ở chiến trường khu 5. Sư đoàn không vận số 1 Mỹ quần nát ở đó, rồi Lữ đoàn 196 Mỹ, Sư đoàn dù 101 Mỹ, rồi Rồng Xanh, Bạch Mã, Nam Triều Tiên, rồi sư 2, sư 22, sư 23 nguỵ, thuỷ quân lục chiến, dù nguỵ, chẳng thằng nào thiếu mặt ở đây. B52 đầm nát một vùng bán sơ địa, ngang dọc chỉ vài chục cây số… Thế mà trên cái vùng đất ghê gớm ấy, suốt hàng chục năm trời, vẫn tồn tại, trụ bám một cái bệnh xá huyện nho nhỏ, vô danh, gan lì, bất khuất. Và người phụ trách, người chỉ huy cái bệnh xá ấy là một cô gái, một bác sĩ trẻ người Hà Nội. Năm ấy tuổi chị khoảng chưa đến 30. Tên chị là Trâm. Rất tiếc, tôi có lỗi, tôi không hỏi địa chỉ gia đình chị ở Hà Nội…Và chị chỉ huy cái bệnh xá ấy, trụ bám gan lì đến kì lạ, kỳ quặc suốt mấy năm trời trên vùng đất hẹp bị đánh nát như băm ấy… cho đến ngày chị hy sinh…” (Trích trong tập ký sự “Có một con đường mòn trên biển Đông” của nhà văn Nguyên Ngọc – NXB Hà Nội 1994).

Đó là chiều ngày 19 tháng 6 năm 1970, chị mới 27 tuổi đời và là người đảng viên chưa đầy 2 tuổi Đảng.

Một y tá đồng nghiệp tại bệnh xá huyện kể lại “Chị Trâm chỉ huy mọi người sơ tán thương binh xuống các hầm ngầm. Ba hôm sau, chị dẫn nhóm cán bộ 4 người xuống núi tìm địa điểm mới ở khu rừng Ba Khâm thuộc huyện Ba Tơ để di chuyển cơ quan. Tai họa đã xảy ra. Cả tốp sa vào ổ phục kích. Cuộc chiến không cân sức kết thúc lúc 4 giờ 45 phút chiều… Chị Trâm đã anh dũng hi sinh…”. Đó là lúc một tốp lính địch tìm thấy và xúm vào đọc cuốn nhật ký của chị. Có tên định đốt đi. Một lính Mỹ ngăn lại: Đừng đốt! Trong đó có lửa…

Và sau đó hơn 30 năm…

Cuốn nhật ký còn đó, và rất nhiều người đã được đọc, đã thấy sự thật và huyền thoại về chị. Và chắc chắn trong lòng ai cũng bật lên câu hỏi: Sao người con gái Hà Nội ấy làm trụ cột một cơ sở nhỏ bé, khó khăn, bận rộn và duy trì nó trong niềm say mê, tận tuỵ suốt bấy ngày tháng ở nơi bom đạn liên miên như vậy?

Cuộc đời ấy đã đem lửa trái tim mình vào công việc, vào từng dòng nhật ký; cuộc đời ấy từ ngày còn là học sinh ở trường Trung học Chu Văn An rồi sinh viên Đại học Y Hà Nội đã đem lửa vào những bài hát yêu thích, trong đó có bài Su-li-cô- dân ca Gruzia. Bài hát về tình yêu và chiến tranh, về sự hẹn hò và hy sinh mất mát.

Ngọn lửa ấy ở trong ba lô khi chị khoác lên vai từ biệt gia đình, bè bạn đi vào tuyến lửa…

Ngọn lửa đó vẫn ấm áp lan toả.

Người viết bài này mỗi khi đến thăm mộ cô em họ là liệt sỹ, thể nào cũng tới thắp hương trước mộ hai liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thuỳ Trâm. Hai khu mộ họ ở khá gần nhau, lúc nào cũng nhiều hương hoa.

Mỗi lần như thế tôi thấy lòng mình dâng đầy cảm xúc tự hào, tin tưởng và thêm bao nhiêu ấm cúng, bình an.

Gửi thảo luận