Trang chủ » Danh y xưa và nay » Danh y đất việt » TUỆ TĨNH – MỘT ĐẠI DANH Y VIỆT NAM

TUỆ TĨNH – MỘT ĐẠI DANH Y VIỆT NAM

 
Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, đi tu có pháp danh là Tuệ Tĩnh, biệt hiệu Thận Trai hay Tráng Tử Vô Dật (người khờ không thích ăn không ngồi rồi). Sinh năm 1343, thời vua Tần Dụ Tông (1341 – 1369), tại làng Nghĩa Phú, Tổng Văn Thái, Phủ Thượng Hồng, huyện Cẩm Giang, tỉnh Hải Dương.
Lúc lên 6 tuổi, mồ côi cha mẹ, ở với nhà sư chùa Hải Triều, xã Hải Triều (tức chùa Giám ngày nay), được nhà sư cho ăn học ở chùa Keo (Thái Bình). Khoa thi năm Giáp Dần (1374), niên hiệu Long Khánh (Trần Duệ Tông), ông đậu đệ nhị giáp tiến sĩ tức Hoàng Giáp. Ông là một nhà sư thông minh lỗi lạc, nhưng không ra làm quan mà ở lại chùa thuộc Hạc Giao Thủy và Hạc Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương để tu hành, theo nghề làm thuốc. Tuệ Tĩnh gây phong trào trồng thuốc tự túc ở vườn chùa, vườn đền, ở gia đình và viết sách thuốc để phổ biến, dạy cho dân chúng dùng thuốc nam để chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe phục vụ nhân dân nghèo khổ. Tuệ Tĩnh đã nghiên cứu những cây cỏ ở Việt Nam viết thành sách thuốc với ý nghĩa các bài thuốc giản dị thường dùng trong dân gian, đã thu hái các kinh nghiệm trị bệnh của trung y, nên đã xây dựng được một sự nghiệp y dược có tính chất dân tộc, đại chúng và sáng tạo trong một thời kỳ mà thuốc bắc đang thịnh hành. Như ở Đền Bia làng Văn Thái có câu: “Hoàng Giáp phương danh đằng Bắc địa, thánh sự diệu dược chấn Nam bang”, tạm dịch: “Thi đậu Hoàng giáp tiếng lừng Trung Quốc, chữa bệnh thần diệu tài quán ở Nam bang”. Ông rất được nhân dân tín nhiệm và quí trọng. Lúc đã ngoài 50 tuổi, phụng mệnh vua, ông đi sứ sang Trung Quốc. Tương truyền, ông đã chữa hết bệnh sản hậu cho Tống Dương phi, vợ vua Nhà Minh nên được nhà Minh phong hiệu là “Đại y thiền sư”, bị giữ lại làm việc tại Thái y viện và mất bên đó. Sau đó ở các chùa Giám, đền Thánh thuốc nam (ở làng Nghĩa Phú) và đền Trung (ở làng Văn Thái) đều lập đền thờ Tuệ Tĩnh.
Ông đã để lại nhiều sách trước tác và những lời dạy quí báu về: Y lý, Y đức, những phương pháp phòng và chữa bệnh cho nhiều thế hệ thầy thuốc hôm nay. Những tác phẩm nổi tiếng như: “Dược tính chỉ nam”, “Thập Tam phương gia giảm”, “Hồng Nghĩa giác tư y thư” và “Nam dược thần hiệu” là một di sản văn hóa, một kho tàng y học to lớn.
Về Y lý: Tuệ Tĩnh không câu nệ trong việc sử dụng thuốc nam, bắc. Ông chủ trương “Nam dược trị Nam nhân”, ông nêu lên biện chứng khái quát về dược lý, hướng điều trị của 630 vị thuốc để chữa về ngoại cảm lục dâm, về nội thương do thất tình, do ăn uống, do phòng dục, do lao lực, về bệnh bên trong như: trúng độc, uất khí, đờm, hỏa tích,….. Tuệ Tĩnh nhận định, Việt Nam có khí hậu nóng ẩm, nên bệnh thiên về thấp nhiệt, đàm hỏa và thường thì chính khí hư yếu. Do đó, phép chữa: thanh nhiệt, trừ thấp, tả hỏa, hóa đàm, công bổ kiêm thi.
Về Y đức: thương dân bệnh tật chết chóc, lo giữ nước vững bền, trước phải tìm thuốc chữa bệnh ở cây cỏ quanh mình, phổ biến một cách rộng rãi cho dân chúng biết và sử dụng.
Về dưỡng sinh: ông dùng các phương pháp như thực trị, xoa bóp, chùm, cứu và ông chủ trương: “Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình”.
          “Hồng Nghĩa giác tư y thư” và nhất là bộ “Nam dược thần hiệu” có ảnh hưởng rất sâu rộng trong y gia Việt Nam. Nó đã chỉ dẫn cách dùng thuốc nam để trị bệnh cho đại đa số nhân dân nghèo khổ, để y dược phổ cập đến nhân dân. Qua các thế kỷ và hiện nay, có một số thầy thuốc theo phương pháp trị liệu của Tuệ Tĩnh mà chữa bệnh cũng rất hiệu quả. Hải Thượng Lãn Ông là một bậc đại y tôn cũng chịu ảnh hưởng của Tuệ Tĩnh trong việc biên soạn quyển Lĩnh Nam bản thảo.
Hôm nay, ngành Y tế nước ta nói chung, những môn đệ hậu thế của Tuệ Tĩnh, đang thực hiện, phát huy, phát triển vốn quí của người lưu truyền lại như Chỉ thị 03/CT-BYT, ngày 1/3/1996 của Bộ Y tế về việc khôi phục lại vườn thuốc nam và tăng cường sử dụng các phương pháp xoa bóp, day ấn huyệt của Y học cổ truyền và việc xã hội hóa Y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe nhân dân; hướng dẫn người dân trồng và biết sử dụng những vị thuốc nam, vừa làm rau vừa làm thuốc để chữa một số bệnh thông thường trong gia đình; chia sẻ một số phương pháp điều trị của Y học cổ truyền để tự chăm sóc sức khỏe.
“Khuôn vàng, thước ngọc người xưa
Lưu truyền hậu thế vẫn chưa phai mờ
Khuyên người chớ có thờ ơ
Theo đó tập luyện đừng chờ đợi chi”
Tuệ Tĩnh đã tổng hợp và để lại những bài thuốc kinh nghiệm quý báu. Đó là một kho tàng y học giá trị to lớn cho sự bảo tồn, thừa kế và phát huy vốn y, dược cổ truyền của nhân dân ta. Để tiếp tục sự nghiệp ấy, chúng ta nên ra sức nghiên cứu, chọn lọc, áp dụng những kinh nghiệm quí báu đó; đồng thời tìm cho được quy luật trị liệu của các bài thuốc quý của dân tộc ta đã xây dựng từ mấy nghìn năm nay. Hằng năm, vào ngày rằm tháng hai (15 tháng 2 âm lịch), nhân dân ở quê hương Tuệ Tĩnh, đặc biệt là các thầy thuốc cả nước làm lễ kỷ niệm và học tập ông – Thánh Y của Việt Nam, những tấm gương đạo đức và sự cống hiến không mệt mỏi.
                                             
LƯƠNG Y DƯƠNG NGÂN ĐỨC
 

Gửi thảo luận