Trang chủ » Danh y xưa và nay » Tấm gương Y đức » Bóng hồng giữa bệnh nhân tâm thần

Bóng hồng giữa bệnh nhân tâm thần


Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2012 Trần Thị Phương Thúy (SN 1982) có gần 10 năm gắn bó với bệnh nhân tâm thần. Với sự tận tâm, thương yêu người bệnh, Phương Thúy đã cứu sống hàng chục bệnh nhân như một phép màu.
Tốt nghiệp trung cấp Quân y II (thuộc Quân khu 7), Thúy xung phong nhận nhiệm vụ ở Trại tâm thần Tân Định, huyện Tân Uyên (Bình Dương). Năm 2007, tại trung tâm xảy ra dịch bệnh tê phù. Nhiều bệnh nhân tử vong khiến người điều dưỡng viên trẻ không khỏi xót xa.
“Lúc đó, mình nghĩ ra biện pháp vật lý trị liệu mới. Hàng ngày tập vận động cho bệnh nhân, đồng thời sử dụng bổ sung Vitamin B1 vào các bữa ăn, nấu cháo gạo lứt cho bệnh nhân ăn”, Thúy kể. Sau một thời gian áp dụng, có 87 bệnh nhân chuyển biến tốt, dịch bệnh tê phù được đẩy lùi.
Đầu tháng 12/2011 xuất hiện hội chứng cúm hàng loạt, Thúy nghĩ cách phòng cúm cho bệnh nhân bằng việc phối hợp đông y và tây y, vừa uống thuốc vừa nhỏ mũi bằng nước tỏi hoặc nước muối sinh lý hằng ngày, nấu nước lá tre, bạc hà xông cho bệnh nhân.
Sau lần điều trị tích cực, 68 bệnh nhân đã giảm rõ các triệu chứng và kết thúc dịch bệnh trong tháng 12.
Thúy đảm nhận vai trò trưởng khoa ở nhiều khoa. Từ tháng 5/2009 đến tháng 9/2010, Thúy được điều động về làm Trưởng Khoa chăm sóc và nuôi dưỡng bệnh nhân nữ.
Về khoa mới, đối tượng quản lý cũng khác nên Thúy đã thay đổi cách quản lý và chăm sóc bệnh nhân. Cô cho trồng tăng cường thêm đu đủ, bắp, đậu xanh để bổ sung dinh dưỡng cho bệnh nhân. Hiện tại, Thúy đang là Trưởng Khoa chăm sóc và nuôi dưỡng bệnh nhân nữ già yếu, cao huyết áp.
Nhiều bệnh nhân đi lạc, được đưa vào trung tâm. Trong những lúc họ tỉnh táo, Thúy trò chuyện, khai thác thông tin hiếm hoi về thân nhân, gia đình người bệnh.
Hơn 10 bệnh nhân được bảo lãnh hồi gia. Trong đó có một bệnh nhân đã lập gia đình và sinh con. Ông Trần Văn Sơn 52 tuổi, một người tâm thần lang thang được công an chuyển đến vào năm 2005 trong tình trạng suy kiệt do mắc nhiều bệnh.
Ngoài việc đưa ông Sơn đến các bệnh viện khác chữa bệnh, Thúy còn lần theo mọi thông tin có được, gọi hàng trăm cuộc điện thoại để tìm địa chỉ bệnh nhân. Sau 6 tháng, gia đình ông Sơn sung sướng đón ông về trong tình trạng tâm lý ổn định.


Tình người giữa chốn tỉnh, mê

Chăm sóc người bệnh đã vất vả, đối với bệnh nhân tâm thần càng khó khăn và nhiều bất trắc gấp bội. “Cho uống thuốc, ăn uống đến cắt tóc, tắm rửa… đều bị chống đối và thậm chí bị hành hung. Nhiều lần, bệnh nhân hất cả bát cơm, tô cháo vào mặt, hay vớ được gì phang ngay vào đầu nhân viên y tế…”, Thúy kể.
Có lần, một bệnh nhân với chiếc gậy trên tay đã tấn công khiến một nam điều dưỡng viên rách đầu, đồ dạc xung quanh đổ vỡ…
Có khi, vì không thể thuyết phục người bệnh ăn, các nhân viên y tế phải cố định anh ta vào giường để nuôi qua ống xông.
“Thuốc an thần làm hạ huyết áp nên nếu không ăn, người bệnh sẽ suy kiệt và nguy hiểm đến tính mạng. Hoặc để thay đồ cho một người bệnh, có khi phải huy động 2-3 điều dưỡng, giữ chặt tay mới mặc được quần, sau đó lại giữ chân để thay áo”, Thúy nói.
Khó nhọc nhất là chuyện tắm, đặc biệt trong những hôm trời rét, việc thuyết phục bệnh nhân tự tắm cực kỳ khó khăn. Thúy vẫn phải đảm nhận các công việc tắm rửa, thay quần áo cho nam bệnh nhân tâm thần. Nhiều hôm trời mưa gió, bệnh nhân trốn đi, Thúy cùng các nhân viên trong trung tâm phải chia nhau đi tìm giữa trời tối, xung quanh là núi rừng hoang vu.
Anh Đặng Hùng Việt, Phó giám đốc trung tâm cho biết, vì tính chất công việc vất vả, xa khu dân cư, hầu như năm nào cũng có người xin chuyển việc, trong khi các thông báo tuyển người chẳng thấy hồi âm.


Ở một nơi không bao giờ có phong bì phong bao, nơi bệnh nhân lúc tỉnh lúc mê, các y bác sĩ như Thúy hiếm khi nhận được một lời cảm ơn như thầy thuốc ở những nơi khác. Thế nhưng, gần 10 năm nay, Thúy vẫn gắn bó với công việc và lập gia đình với một điều dưỡng viên tại trung tâm. Thúy vẫn lo hộ những điều dưỡng viên nữ ở đây. Ngoài đồng nghiệp nam, liệu có ai hiểu và thông cảm, yêu thương họ.
 

Gửi thảo luận