Trang chủ » Danh y xưa và nay » Tấm gương Y đức » Cánh chim không mỏi “vì sự nghiệp dân số”

Cánh chim không mỏi “vì sự nghiệp dân số”

 

Vạn sự khởi đầu nan

Tiếp tôi tại phòng làm việc của Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, đôi mắt sáng trên gương mặt xinh đẹp của vị nữ giám đốc đã cuốn hút tôi qua câu chuyện đời – chuyện nghề của chị. Chị Bé Sáu chậm rãi kể: “Chị sinh năm 1963, quê ở xã Mỹ Trà, thành phố Cao Lãnh. Tốt nghiệp Trường trung học Y tế năm 1984, sau đó tình nguyện về làm y sĩ điều trị tại Bệnh viện huyện Tam Nông. Trải qua nhiều nhiệm vụ được giao và bây giờ là Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện… Chị đã gắn bó thân thiết với ngành DS-KHHGĐ như một niềm vui, lẽ sống và đầy trách nhiệm…”. Với gần 30 năm công tác, trong đó có hơn 20 năm giữ cương vị lãnh đạo ngành DS-KHHGĐ huyện, tuy khá nặng nề nhưng y sĩ Bé Sáu luôn rèn đức – luyện tài, nêu cao “cái tâm, cái tầm và cái tài” của mình, luôn tích cực, xông xáo trong công tác, khắc phục vượt qua mọi khó khăn… để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin tưởng của mọi người.
Tháng 8/1984, y sĩ Bé Sáu nhận nhiệm vụ Trưởng khoa tại Bệnh viện huyện Tam Nông. Là một thiếu nữ được sinh ra và lớn lên giữa chốn thành thị phồn hoa đô hội… nhưng khi tình nguyện về công tác tại huyện Tam Nông thì chị rất bỡ ngỡ trước cảnh vật đầy nghiệt ngã và thách thức nơi đây. Tháng 9/1992, được Trung ương và tỉnh Đồng Tháp đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ ở 6 xã trọng điểm của huyện, y sĩ Bé Sáu được điều động giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban DS-KHHGĐ huyện Tam Nông. Đây là công tác phong trào nên rất mới mẻ.

Đầu năm 1994, công tác DS-KHHGĐ được đầu tư mở rộng trên khắp địa bàn 12 xã – thị trấn trong huyện, y sĩ Bé Sáu được tín nhiệm phân công giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban DS-KHHGĐ huyện Tam Nông. Đây là trọng trách khá nặng nề! Tuy nhiên, với lòng nhiệt huyết, không ngại khó khăn, thử thách, y sĩ Bé Sáu luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hăng say, năng nổ trong công tác, thể hiện vai trò là cánh chim đầu đàn… để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Y sĩ Bé Sáu thường xuyên đi thực tế ở cơ sở và có kế hoạch tham vấn trực tiếp với lãnh đạo ngành DS-KHHGĐ cấp trên: đề xuất cụ thể với cấp ủy – UBND huyện kịp thời xây dựng nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng, trang bị máy móc – thiết bị hiện đại… phục vụ tốt công tác DS-KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đến nay, đội ngũ cán bộ của Trung tâm DS-KHHGĐ huyện có 7 người và 152 cán bộ chuyên trách, cộng tác viên DS-KHHGĐ đã được tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cơ bản vững vàng, nhiệt huyết cao… Mặc dù là lãnh đạo ngành DS-KHHGĐ huyện, nhưng y sĩ Bé Sáu vẫn thường xuyên cùng với lực lượng cộng tác viên lặn lội xuống từng địa bàn dân cư tuyên truyền vận động nhân dân sinh đẻ có kế hoạch. Để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu mỗi năm của trên giao, y sĩ Bé Sáu không ngừng tổ chức – quản lý – chỉ đạo – điều hành một cách linh loạt, sâu sát và nhạy bén và luôn sát cánh cùng với cán bộ chuyên trách, lực lượng cộng tác viên tuyên truyền, giáo dục để người dân nâng cao nhận thức được: Sinh ít, đẻ thưa để có sức khỏe phục vụ cho xã hội, đem lại cuộc sống hạnh phúc, ấm no cho gia đình. Từ khi có mạng lưới DS-KHHGĐ tại địa phương do y sĩ Phan Thị Bé Sáu làm “cánh chim đầu đàn” thì chuyện sinh đẻ có kế hoạch  đã được thay đổi nâng lên theo hướng khoa học. Người dân không còn phải chịu sự may rủi khi phải “đi biển mồ côi một mình” và bài trừ tư tưởng lạc hậu “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, “có con trai để nối dõi tông đường”… Đa số người dân đã biết kế hoạch hóa gia đình “chỉ sinh từ 1 – 2 con, gia đình ấm no – hạnh phúc, nước non mạnh – giàu”…

Sáng tạo, nhiệt tình trong công tác
Cánh chim không mỏi “vì sự nghiệp dân số” 2

 Y sĩ Bé Sáu vinh dự được khen thưởng nhân Kỷ niệm 50 năm ngành dân số.

Ở huyện trung tâm Đồng Tháp Mười này, y sĩ Bé Sáu luôn thấu hiểu cảnh nghèo đói của nhiều hộ dân là sinh nhiều đẻ dày nên chị đã làm việc rất tích cực, không quản ngại gian nan, vất vả. Bằng tấm lòng đam mê và tâm huyết với nhiệm vụ được giao, y sĩ Bé Sáu thường xuyên được lãnh đạo ngành DS-KHHGĐ và ngành y tế cấp trên triển khai, hướng dẫn và tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ do tỉnh, Trung ương tổ chức. Y sĩ Bé Sáu còn dành thời gian nghiên cứu tài liệu chính sách về DS-KHHGĐ, nghe đài, xem tivi, đọc báo, nhất là báo Đồng Tháp, báo Sức khỏe & Đời sống… để trang bị thêm kiến thức, nâng cao trình độ. Và trong quá trình công tác thực tiễn, chị đã tích lũy được khá nhiều kiến thức bổ ích, những kinh nghiệm quý để vận dụng vào nhiệm vụ kịp thời, đúng lúc và đạt hiệu quả cao… Đến nay, y sĩ Bé Sáu đã xây dựng được mạng lưới cán bộ chuyên trách và lực lượng cộng tác viên DS-KHHGĐ nhiệt tình, tâm huyết phụ trách ở 12 xã – thị trấn và từng khóm, ấp, khu vực dân cư, tranh thủ kinh phí mở nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ để nâng cao kiến thức và chỉ đạo các thành viên đến tận từng khóm, ấp, cụm, tuyến dân cư để điều tra, nắm chắc các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ chưa áp dụng KHHGĐ; tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và hoàn cảnh từng gia đình mà có kế hoạch tư vấn kịp thời, đúng lúc… Đồng thời, chỉ đạo Ban DS-KHHGĐ các xã – thị trấn tổ chức họp tổ, nhóm, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của từng gia đình, từng đối tượng để tham mưu với UBND xã – thị trấn, phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể địa phương hỗ trợ vốn kịp thời cho những hộ khó khăn, đã thực hiện KHHGĐ bằng biện pháp triệt sản để họ có vốn làm ăn, phát triển kinh tế gia đình… Đặc biệt, khi những đối tượng tự nguyện đi triệt sản về nhà, không chỉ được cán bộ chuyên trách và cộng tác viên thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và giúp đỡ đối tượng mà còn được hưởng chế độ bồi dưỡng của huyện và xã – thị trấn… Từ đó, đã tạo được niềm tin cho mọi người…

 
Và thành quả đạt được

Chính sự gương mẫu, năng nổ, nhiệt tình, tâm huyết, linh hoạt, nhạy bén và hết lòng vì sự nghiệp DS-KHHGĐ của y sĩ Phan Thị Bé Sáu đã làm chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về công tác DS-KHHGĐ. Năm nào công tác DS-KHHGĐ ở huyện Tam Nông cũng đạt và vượt chỉ tiêu trên giao. Bản thân y sĩ Bé Sáu cũng đã vận động được hàng trăm đối tượng thực hiện biện pháp tránh thai bằng phương pháp triệt sản và đặt vòng. Tất cả 12 trạm y tế xã – thị trấn trên địa bàn huyện Tam Nông đều thực hiện được các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản – KHHGĐ, cung cấp đầy đủ và kịp thời các biện pháp tránh thai, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ khi có nhu cầu thực hiện KHHGĐ… Dù trải qua nhiều gian nan, khó nhọc, y sĩ Bé Sáu vẫn cố gắng, nỗ lực vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bởi, bên cạnh chị còn có sự động viên, chia sẻ, góp sức của người chồng mẫu mực và cô con gái yêu quý…

Từ năm 1993 đến nay, hằng năm tập thể Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Tam Nông liên tục đạt thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được UBND tỉnh, huyện và ngành DS-KHHGĐ các cấp tặng nhiều Bằng khen kèm hiện vật. Bản thân y sĩ Bé Sáu cũng vinh dự nhận được nhiều bằng khen của UBND tỉnh, huyện và ngành DS-KHHGĐ các cấp, Liên đoàn Lao động các cấp… Đặc biệt, vào giữa năm 1996, y sĩ Bé Sáu đã vinh dự được tặng thưởng Huy chương “Vì sự nghiệp dân số”;  năm 2011 được Bộ Y tế tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân”. Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Tháp tặng Bằng khen “Phụ nữ giỏi việc nước – đảm việc nhà” 15 năm liền… Nhìn gương mặt và nụ cười rạng rỡ của y sĩ Phan Thị Bé Sáu, tôi hiểu được trong đó là cả một quá trình kiên trì, bền bỉ phấn đấu, làm việc hết mình và cả sự tâm huyết của một nữ y sĩ luôn mang niềm vui, hạnh phúc đến cho mọi người, giúp nhiều gia đình nhẹ bớt nỗi lo toan trong cuộc sống bộn bề khó khăn…
 


Gửi thảo luận