Trang chủ » Tin tức » Y tế » Lần đầu tiên ghép tụy – thận cùng lúc trên 1 bệnh nhân

Lần đầu tiên ghép tụy – thận cùng lúc trên 1 bệnh nhân

Sáng 3/3, Trung tướng, giáo sư Nguyễn Tiến Bình, Giám đốc Học viện quân y cho biết, các bác sỹ của Bệnh viện 103 vừa tiến hành ca ghép đa tạng (thận-tụy) thành công cho một bệnh nhân. Đây là ca đầu tiên ở Việt Nam thực hiện ghép đa tạng.
Bệnh nhân là thượng úy P.T.H (43 tuổi), công tác tại Ban chỉ huy quân sự của tỉnh Sơn La. Bệnh nhân H bị bệnh đái tháo đường tuýp 1, suy thận độ 2 hơn chục năm nay. Dù được điều trị, nhưng tthời gian gần đây tình trạng của bệnh ngày càng nặng hơn. Bệnh nhân thường xuyên không kiểm soát được đường huyết, thỉnh thoảng bị ngất, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Cứ khoảng hai tháng bệnh nhân lại phải nhập viện điều trị từ nửa tháng đến 20 ngày.
Phó giáo sư Hoàng Mạnh An – Giám đốc Bệnh viện 103 cho biết, để điều trị dứt điểm cho bệnh nhân H, phương án ghép đa tạng cũng được tính đến. Đúng thời điểm, một người bệnh chết não đã được gia đình đồng ý hiến tạng lại có những chỉ số trùng hợp với người cần ghép, vì thế, các bác sĩ đã quyết định tiến hành ghép đa tạng cho bệnh nhân.


Đã có tới 150 bác sĩ, cán bộ y tế tham gia ca ghép đa tạng

Để đồng thời tiến hành ghép đa tạng trong ca mổ ngày 1/3, bệnh viện đã huy động hơn 150 cán bộ của Học viện quân y và của bệnh viện tham gia. Sau 13 tiếng đồng hồ liên tiếp tiến hành phẫu thuật, ca phẫu thuật đã thành công.
“Đến hôm nay, tròn 3 ngày được ghép tụy và thận bệnh nhân đã tỉnh táo trở lại, vết mổ khô, các chỉ số về đường huyết, thận đã tương đối bình thường. Bệnh nhân sẽ tiếp tục được chăm sóc trong phòng hồi sức đặc biệt”, PGS Hoàng Mạnh An cho biết.
PGS An chia sẻ thêm, trước khi tiến hành ca ghép đa tạng này, bệnh viện đã phải tính toán rất kỹ, thậm chí lên nhiều phương án, trong đó có cả phương án mời các nhà khoa học nước ngoài (Nhật, Bỉ) tham gia; phương án liên kết với các trung tâm khác trong cả nước. Nhưng cuối cùng, bệnh viện đã quyết định tự tiến hành bởi Học viện Quân y và BV 103 là hai đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong ghép tạng trước đó. Tại viện 103 cũng là đơn vị đầu tiên thành công ca ghép tim trên người.
Theo PGS Hoàng Mạnh An, ca ghép đa tạng đầu tiên thành công mở ra nhiều triển vọng cho bệnh nhân suy đa tạng cần ghép, cũng như mở ra triển vọng rất lớn để đội ngũ y bác sỹ tại Việt Nam khẳng định tay nghề và trình độ ngang tầm quốc tế. Trong tương lai, với kỹ thuật ghép tạng, các y bác sỹ sẽ cứu sống được nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo hơn.
“Đến nay có thể khẳng định, trình độ ghép tạng của Việt Nam không thua kém các nước trên thế giới. Việt Nam đã ghép tim, ghép gan, ghép tạng, ghép tụy thành công. Nay lại tiến hành đồng thời ghép đa tạng Việt Nam cũng đã làm được. Sẽ thêm nhiều người bệnh được cứu sống nếu có nguồn tạng hiến. Tuy nhiên thực tế hiện nay tại Việt Nam, các ca ghép tạng từ người cho chết não vẫn chỉ đếm được trên đầu ngón tay, vì vậy cơ hội cứu sống cho các bệnh nhân trên vẫn còn nhiều khó khăn”, PGS Hoàng Mạnh An chia sẻ.
Các bác sĩ cũng bày tỏ mong muốn người dân ngày càng hiểu hơn về ý nghĩa nhân văn của việc hiến tạng. Một người không may nằm xuống, nguồn tạng hiến lại có thể cứu được cuộc sống của nhiều người bệnh suy tạng vốn đang lay lắt như ngọn đèn dầu trước gió, có thể tắt bất cứ lúc nào. Như tại BV Việt Đức, từ một người cho chết não hiến tạng đã đồng thời ghép tạng (gồm gan, thận, giác mạc) cho 4 bệnh nhân suy tạng. Đến nay, tại Việt Nam, tính chung trong cả nước số ca hiến tạng từ người chết não vẫn còn rất khiêm tốn. 

Gửi thảo luận