Trang chủ » Tin tức » Thời trang cuộc sống » Danh hiệu 'Yêu đời nhất HN' thuộc về ông xích lô 60 tuổi

Danh hiệu 'Yêu đời nhất HN' thuộc về ông xích lô 60 tuổi

Dọc tuyến đường Nguyễn An Ninh, Tương Mai, Trương Định, Tam Trinh… ai cũng biết ông Trần Văn Bình (Tân Mai, Hà Nội). Họ kể về ông với giọng hào hứng và kèm nụ cười tươi.

Gặp “Bình dị” là thấy niềm vui

Đó là người đàn ông ngoài 60 tuổi đầu trọc, thân trần và nước da ngăm đen. Ông làm nghề trở xích lô thuê – một người lao động bình thường với một công việc bình thường, nhưng với tâm hồn cởi mở, vui vẻ, ông luôn trở thành tâm điểm chú ý của tất cả mọi người. Tên là Bình, xong con người ông có nhiều nét đặc biệt nên người ta gọi ông bằng cái tên ghép vô cùng hài hước là ông “Bình dị”.

Danh hieu Yeu doi nhat HN thuoc ve ong xich lo 60 tuoi

Một hình ảnh quen thuộc của "Bình dị" trên phố Nguyễn An Ninh, Tương Mai, Trương Định, Tam Trinh…

Nhắc đến ông, người ta nhớ đến một người đàn ông lúc nào cũng cởi trần, thích huýt sáo và có những cử chỉ đặc biệt trong lúc làm việc. Với ông, huýt sáo để quên đi cái sự mệt mỏi, nặng nhọc trong công việc, làm cho bản thân cảm thấy khỏe, vui vẻ và yêu đời hơn. Còn những hành động khua chân múa tay để xin đường thì coi như tập thể dục.

Những người quen biết ông nói rằng mỗi bữa, ông ăn hai bát phở, uống hai chén rượu, hút hai điếu thuốc… Tất cả mọi hoạt động của ông gần như gắn với con số hai. Nhiều người không biết ông còn vợ hay đã mất nên đùa rằng, phải chăng, tất cả những hành động đó của ông là làm thay cho vợ mình.

Danh hieu Yeu doi nhat HN thuoc ve ong xich lo 60 tuoi

Mỗi lần nhìn thấy ông, gặp ông, người dân nơi đây lại nở nụ cười ngập tràn hạnh phúc

Người ta làm ăn, chắt bóp, mặc cả từng đồng trong quá trình lao động. Riêng ông Bình lại sống vô tư, thoải mái và không hề tính toán đến tiền bạc. Ai thuê ông chở hàng ông cứ chở, trả ông nhiều ít tùy tâm, ông không hề định giá hay đòi hỏi. Chẳng vậy mà ở con phố ấy, cứ chở đồ là người ta gọi đến ông.

Giờ làm việc của ông không cố định. Có khi bắt đầu từ 4h sáng, kết thúc lúc 7h tối; cũng có khi muộn hơn. Hoặc bất kỳ khi nào có người gọi là ông ngoáy tít đạp xích lô tới.

Mỗi khi vắng khách, ông thường tụ tập nói chuyện với mấy người làm nghề xe ôm và xe ba gác dưới gốc đa. Bác Thành làm nghề xe ôm gần đó kể với giọng đầy tự hào: “Ông ấy giỏi lắm, lại hiền lành, thân thiện nên ở đây ai cũng quý”.

Miệt mài làm việc… để tìm niềm vui

Chúng tôi gặp được ông Bình ở chốt gốc cây đa phố Vọng. Ông có đôi mắt cười, đôi mắt luôn ánh lên niềm vui trong từng khoảnh khắc khiến người đối diện lòng cảm thấy rộn ràng và hạnh phúc. Nhưng không ai biết rằng, ẩn sâu trong tinh thần lạc quan ấy, ông đã gặp không ít trắc trở.

Danh hieu Yeu doi nhat HN thuoc ve ong xich lo 60 tuoi

Tuy cuộc sống có không ít khó khăn, nhưng chưa bao giờ người ta thấy ông than phiền.

Chuyện gia đình có lẽ cũng là câu chuyện buồn ít được ông nhắc tới. Ông lập gia đình rất muộn. Ngoài 40 tuổi, ông mới lấy vợ. Vợ ông trước kia là y tá của bệnh viện Hà Đông. Hai vợ chồng ông chỉ sinh được một người con gái duy nhất đang học tại một trường cao đẳng ở Hà Nội. Ông Bình tâm sự: “Nó chính là niềm tin, niềm hi vọng lớn nhất của vợ chồng tôi”.

Trước đây, ông là nhân viên lái xe của công ty vận tải xây dựng Hà Nội. Đến năm 1972, công ty giải thể, ông trở về nhà với hai bàn tay trắng, không có lấy một đồng phụ cấp. Từ đó, chiếc xích lô trở thành người bạn, thành chiếc cần câu cơm của cả gia đình. Ông bảo số ông vất vả, ở tuổi này người ta nghỉ ngơi, vui vầy cùng con cháu thì mình vẫn phải bươn chải xuôi ngược để kiếm đồng tiền, bát gạo nuôi thân, nuôi gia đình.

Danh hieu Yeu doi nhat HN thuoc ve ong xich lo 60 tuoi

Cứ lên xe là ông lại ngoáy tít, miệng vi vu tiếng huýt sáo.

Hơn 40 năm gắn bó với nghề, ông cũng có nhiều kỉ niệm. Ông kể: có lần khách hàng thuê ông chở những tấm gương to, không may trong quá trình vận chuyển va phải ổ gà nên chúng bị vỡ và ông phải đền. Tiền ông chẳng có, ông đành chở thuê nhiều lần để trả nợ dần cho đến khi hết. Giọng đều đều, ông nói tiếp: “Cái nghề chở xích lô thuê bây giờ bị cấm, nhiều khi bị công an bắt, tiền phạt bằng cả vài ngày chở hàng đều đặn. Dù vậy, ông vẫn vui vẻ cười nói như chưa có chuyện gì xảy ra”.

Bây giờ, sinh viên chuyển nhà, người dân chuyển đồ họ gọi xe ba gác cho nhanh nên xích lô cũng dần bị thất thế. Lao động nhiệt tình, cật lực giữa trời nắng mà cả ngày ông chỉ kiếm được khoảng 150 nghìn đồng. Nhưng ông vẫn luôn vui vẻ, không một lời than phiền về công việc cũng như bản thân. Nhiều người bảo ông như người trên trời rơi xuống, và họ mến ông cũng bởi lẽ đó.

Gửi thảo luận