Trang chủ » Danh y xưa và nay » Danh y đất việt » Tiến sĩ Vũ Quang Vinh: Người mang “phép màu tái sinh”

Tiến sĩ Vũ Quang Vinh: Người mang “phép màu tái sinh”

Thế nhưng, đã có một người có thể giúp họ thoát khỏi nỗi ám ảnh axit, người đó ở ngay trong nước mình, anh là TS.BS. Vũ Quang Vinh, hiện đang công tác tại Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác… – người đã góp phần tái tạo lại gương mặt cho hàng chục nạn nhân bị bỏng hóa chất, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Và nhiều bệnh nhân sau khi được phẫu thuật đã òa khóc bảo với tôi rằng “BS. Vinh đã giúp họ tái sinh”.

Những chuyện ghi ở buồng bệnh

Chiều cuối thu, Hà Nội bắt đầu có gió lạnh, những cơn gió heo may xào xạc cuốn theo rất nhiều xúc cảm. Tôi bước chân vào Viện Bỏng Quốc gia, vẫn chưa hình dung được gương mặt vị bác sĩ được rất nhiều bệnh nhân gọi là “người tái sinh” ấy trông thế nào… bao nhiêu câu hỏi hiện ra trong đầu cùng hòa vào nhịp bước chân tôi lên cầu thang Khoa Phẫu thuật tạo hình của Bệnh viện.

Thực tế, tôi biết và nghe tên về TS. Vũ Quang Vinh qua lời kể của chị Nguyễn Thị Kim Loan, nguyên Thẩm phán TAND quận Đống Đa, một nạn nhân của vụ tạt axit khủng khiếp cách đây 7 năm gây xôn xao dư luận.

Tôi nhớ sau tai nạn, hàng trăm nhà báo vào bệnh viện, nhìn thấy chị và bị ám ảnh suốt một thời gian dài. Axit đã cháy hết nửa gương mặt bên trái của chị, kéo hai con mắt xếch ngược lên, làm cho hai làn môi dính chặt vào nhau khiến chị không thể mở miệng, toàn bộ phần cổ, ngực và hai tay cháy sém… máu ri rỉ chảy… chị như một con quái vật bị lột da không đúng chu trình… Đứa con gái chị lúc đó mới 2 tuổi nhất định không chịu nhận mẹ. Khi chị thều thào vài câu nói “Thảo Hiền ơi…”, nghe giọng nói quen thuộc, nó chạy ùa vào ôm mẹ, các y bác sĩ và những người chứng kiến không cầm được nước mắt.

Khi chị sang Singapore và Thái Lan điều trị, các bác sĩ đã bảo rằng “gương mặt ấy là một thách thức đối với y học thế giới”. Nghe vậy, chị biết rằng chỉ có phép màu mới có thể giúp mình.

Và phép màu đã đến khi TS. Vũ Quang Vinh vừa tu nghiệp ở Nhật về nước. Anh nhận làm phẫu thuật thay nửa gương mặt cho chị bằng phương pháp “tái tạo khuôn mặt bằng vạt da siêu mỏng tự thân”. Đây là phương pháp mới được áp dụng ở Việt Nam. Bản thân tiến sĩ Vinh và đồng nghiệp của nước bạn cũng đã từng thực hiện phương pháp này bằng kỹ thuật vi phẫu nhưng chỉ dừng lại ở cằm, cổ mà thôi.

Trước ca mổ 2 ngày, anh gặp chị Loan và nói về sự băn khoăn của mình: “Đây là ca mổ vi phẫu tạo hình khuôn mặt đầu tiên của tôi, ngay người thầy ở Nhật của tôi cũng chưa áp dụng kỹ thuật này cho tạo hình biến dạng vùng mặt”. Dù rất lo lắng nhưng chị Loan vẫn mạnh dạn: “Bác sĩ cứ mổ cho tôi, nếu thành công thì tôi có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng còn nếu thất bại, hãy coi đó là sự cống hiến của tôi cho y học nước nhà”.

Nhận được sự hợp tác của bệnh nhân, TS. Vinh có phần an tâm hơn nhưng trong lòng vẫn lo lắng. Anh kết nối với giáo sư Hiko Hyakusoku (người sáng tạo ra phương pháp “tái tạo vạt da siêu mỏng tự thân”) từ Nhật Bản và trao đổi về tình hình bệnh nhân, đồng thời nhờ ông tư vấn cho một số ý tưởng. Sau khi trao đổi, anh vững tâm hơn bước vào ca phẫu thuật định mệnh không chỉ của bệnh nhân mà còn của bản thân mình.

Ca phẫu thuật bắt đầu từ 7 giờ 30 phút sáng và kết thúc lúc 9 giờ kém 15 phút đêm. Đây là ca mổ gây sự chú ý lớn không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới về thời gian và sự thành công. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được yêu cầu nằm bất động một tư thế suốt 72 giờ đồng hồ để theo dõi.

Ca mổ thành công giúp chị Kim Loan tái hòa nhập cộng đồng và mở ra một hướng mới trong con đường sự nghiệp của TS. Vũ Quang Vinh.

Chính chị Loan từng thổ lộ với tôi rằng: “Khi ra nước ngoài làm thẩm mỹ, các bác sĩ nước bạn nhìn nửa gương mặt được thay hoàn hảo đã thốt lên đầy kinh ngạc “chị đã gặp được bác sĩ siêu nhân”. Nghe những lời ấy, tôi rất tự hào về sự phát triển của y học nước nhà”.

Về phía TS. Vũ Quang Vinh, khi chia sẻ về ca mổ “định mệnh” cho chị Loan, anh bảo: “Sau ca phẫu thuật cho chị Loan, tôi mang kết quả đi báo cáo ở một số hội thảo quốc tế, mọi người đều đánh giá cao kết quả ca mổ”.

Cho đến thời điểm này, đã hơn 6 năm trôi qua nhưng mỗi khi nhắc đến ca phẫu thuật kéo dài 14 tiếng đồng hồ năm ấy, chị Loan vẫn nói về TS. Vũ Quang Vinh với một niềm tự hào bởi chính anh đã góp phần giúp chị “tái sinh”.

6 năm sau ca mổ định mệnh cho bệnh nhân đầu tiên, đến nay, TS. Vũ Quang Vinh đã áp dụng thành công kỹ thuật tiên tiến này phẫu thuật cho khoảng trên 50 bệnh nhân.

Một trong những bệnh nhân mới nhất của một vụ tạt axit kinh hoàng chính là chị Lê Thị Thúy (35 tuổi, ở Thanh Hóa). Chị Thúy bị chính chú ruột mình hất cả ca axit vào mặt, san phẳng gần như các bộ phận trên gương mặt…

Từ một người phụ nữ có nhan sắc, công việc ổn định…, tai nạn kinh hoàng đã cướp đi của chị tất cả. Nhiều lần chị tự tử nhưng gia đình phát hiện kịp nên chị lại phải ngày ngày đối diện với sự thực phũ phàng của bản thân. Chị từng bảo với mọi người trong nhà rằng “sống như vậy thì không bằng chết”.

Khi thấy chị có thể đi lại được, mắt cũng nhìn thấy lờ mờ thì mọi người tính đưa chị ra nước ngoài điều trị nhưng kinh phí quá lớn nên đành bất lực.

Nhưng may mắn đã mỉm cười với chị khi giữa tháng 4/2012, các bác sĩ ở Khoa Phẫu thuật tạo hình, Viện Bỏng Quốc gia đã quyết định phẫu thuật cho chị bằng phương pháp sử dụng vạt da siêu mỏng. Ekip phẫu thuật do TS. Vũ Quang Vinh và các bác sĩ ở Khoa Phẫu thuật tạo hình đã lấy vạt da rất rộng sau lưng và dùng kính hiển vi phóng đại để nối những mạch máu có đường kính từ dưới 1mm – 1.5mm lại với nhau, mang lại sự sống cho vạt da ở trên gương mặt bệnh nhân. Sau hơn 9 tiếng đồng hồ, chị Thúy đã được tạo hình lại mắt, mũi, môi, tai… hoàn chỉnh đến 80%.

Khi nhìn thấy gương mặt mới của con gái, bố bệnh nhân bật khóc, thốt lên rằng: “Bố là người sinh ra con nhưng con của bố đã chết khi ca axit hất lên mặt. Thế nhưng chính BS. Vinh và đồng nghiệp là những người tái sinh con lần nữa”.

Nghề y chọn anh

Từ những ca mổ vi phẫu mặt thành công ấy, mọi người nói về anh rất nhiều với sự kính trọng xen lẫn tự hào. Mang trong mình một sự ngưỡng mộ dành cho vị bác sĩ đáng kính, tôi quyết tâm gặp anh – người “tái sinh” những bệnh nhân – nạn nhân axit khủng khiếp đã và đang hiện diện mỗi ngày – TS. Vũ Quang Vinh.

Khác với hình dung của tôi về anh, đó là một người dễ gần, sẵn sàng chia sẻ về nghề nghiệp nhưng lại vô cùng ngại ngần khi nói về bản thân. Phải rất khó khăn tôi mới khai thác được một chút về con người anh. Đó là một câu chuyện dài về cuộc hành trình trở thành bác sĩ vi phẫu hàng đầu Việt Nam…

TS. Vũ Quang Vinh sinh năm 1969, trong một gia đình có truyền thống nghề y, gia đình cũng định hướng cho anh theo con đường này nhưng anh thấy mình học khối B không tốt nên ngay khi tốt nghiệp THPT Phan Đình Phùng năm 1986, anh đã đăng ký thi vào Học viện An ninh (HVAN) nhưng run rủi thế nào lại thiếu nửa điểm. Anh bảo rằng, việc thi HVAN thiếu nửa điểm là điều bất ngờ với anh và mọi người trong gia đình bởi lúc học phổ thông, anh học khối A rất tốt.

Nếu như ở gia đình khác, khi thấy con học giỏi mà trượt đại học, bố mẹ sẽ rất buồn nhưng gia đình anh lại động viên “không sao, nhưng năm sau thì con phải thi vào ngành y đấy” và anh miễn cưỡng đồng ý. Gần 1 năm ôn thi, kết quả năm 1987, anh đỗ vào Học viện Quân y với số điểm khá cao và giành được một suất học bổng đi học tại Học viện Quân y Kirop- Liên xô, nhưng do tình hình chính trị tại Liên Xô lúc bấy giờ nên chuyến đi của anh bị lỡ.

Quay trở về Học viện Quân y học tiếp, năm 1993, anh tốt nghiệp với vị trí Á khoa và được nhận về Khoa Bỏng Viện Quân y 103 công tác. Khi Viện Bỏng thành lập năm 1994, anh được phân về Khoa Phẫu thuật tạo hình. 6 năm công tác ở Viện Bỏng cho anh nhiều kinh nghiệm trong công việc nhưng có lẽ định mệnh của anh bắt đầu bằng một bài báo của GS. Hiko Hyakusoku của Nhật Bản.

Anh kể rằng, hôm đó, thầy anh – GS. Lê Thế Trung đặt tờ báo lên bàn với bài viết về “tái tạo cằm cổ bằng vạt da siêu mỏng” và bảo anh “Sao một phương pháp tốt như thế này mà chúng ta chưa làm được?”. Nghe thầy nói vậy, anh đọc qua bài báo và nghĩ nó không quá khó, có thể làm được nên mấy hôm sau, anh tiến hành thử nghiệm. Tuy nhiên, với 2 ca thành công và 1 ca thất bại, anh chợt phát hiện “nó không dễ như mình tưởng” nên sau đó, anh gửi thư cho tác giả bài báo, người đó chính là GS. Hiko Hyakusoku (lúc bấy giờ ông mang học hàm PGS), cảm ơn ông về phương pháp này và ngỏ ý xin được học hỏi. GS. Hiko phúc đáp cho anh và bảo “rất sẵn lòng sang Việt Nam chuyển giao công nghệ, ngay cả việc có thể phải bỏ tiền túi để đi”.

Nhận được hồi âm, anh xin ý kiến GS. Lê Thế Trung để mời GS. Hiko sang Việt Nam hướng dẫn các bác sĩ Việt Nam về phương pháp tạo hình mới này. Anh chia sẻ thực lòng rằng: “Việc mời GS. Hiko sang Việt Nam có ý nghĩa rất lớn nhưng tôi cũng không đủ tự tin rằng mình có thể tiếp thu được phương pháp mới hiện đại của ông bởi khoảng cách giữa hai nền y học khác nhau khá lớn. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng cứ mời ông sang, nếu không thể tiếp nhận thì cũng có thể tạo được mối quan hệ tốt giữa hai đất nước, đồng thời học được một điều gì đó… nên rất háo hức”.

Người mang “phép màu tái sinh” 2

 Cháu bé bị bỏng hóa chất trước và sau phẫu thuật.

Ði tìm một hướng đi cho y học chuyên ngành

Đầu năm 2000, GS. Hyko sang Việt Nam, ông đã chọn một số bệnh nhân sẹo co kéo biến dạng cằm cổ nặng sau bỏng để tiến hành mổ vi phẫu và hướng dẫn cho các đồng nghiệp Việt Nam. Đó là lần đầu tiên đội ngũ bác sĩ Viện Bỏng biết thế nào kỹ thuật vi phẫu và chính TS. Vinh sau này kể lại rằng: “Khi chứng kiến, tôi cảm nhận đây là một kỹ thuật phẫu thuật rất khó. Đội ngũ bác sĩ tạo hình của Việt Nam chưa bao giờ tưởng tượng đến phương pháp này bởi nó quá lạ và quá khó để học tập”.

May mắn đến với anh vì cuối năm 2000, anh thi đỗ được một suất học bổng của Chính phủ Nhật Bản. GS. Hiko đã đồng ý nhận anh về Khoa Phẫu thuật tạo hình của ông tại Đại học Y khoa Nippon, một trong những trường đại học y lâu đời nhất Nhật Bản để đào tạo.

Tháng 4/2001, Vũ Quang Vinh sang Nhật bắt đầu cho những ngày tháng khổ luyện ở nước bạn. Cũng tại nơi này, lần đầu tiên anh được tiếp cận những kỹ thuật cơ bản về phẫu thuật tạo hình. Anh bảo, sau 7 năm công tác ở Viện Bỏng, những gì anh có được đều do kinh nghiệm của các thầy cô đi trước truyền lại, bên cạnh đó, tài liệu về lĩnh vực này trong nước ít nên hạn chế rất nhiều thứ. Khi được tiếp cận với một kho kiến thức lớn, ngày nào anh cũng lên thư viện của trường để đọc tài liệu. Mất hơn 1 năm trời cứ sáng theo các ca mổ, chiều vào thư viện đọc tài liệu, có gì thắc mắc thì sáng hôm sau anh lại hỏi thầy giáo, anh thấy mình học hỏi được nhiều điều.

Tuy nhiên, một điều hết sức may mắn là theo luật của Nhật Bản, các nghiên cứu sinh y người nước ngoài không được nghiên cứu, phẫu thuật trên bệnh nhân người Nhật, biết điều này, lập tức GS. Trung gửi thư sang Nhật đề nghị GS. Hiko đào tạo anh thành phẫu thuật viên vi phẫu bởi ở Việt Nam, đội ngũ phẫu thuật viên thiếu rất nhiều và GS. Hiko đã đứng ra bảo lãnh cho anh có thể tham gia phẫu thuật trên người Nhật Bản.

Sau đó, anh đã có cơ hội tiếp cận và thực hành vi phẫu trên người và động vật thí nghiệm… Thời gian đó, anh quên ăn quên ngủ để xin theo tất cả các ca vi phẫu bởi anh biết thời gian của mình không còn nhiều. Có những ca mổ kéo dài 19 tiếng đồng hồ nhưng anh không hề rời mắt. Ngoài thời gian thực hành, anh theo thầy tham gia các hội thảo, đọc và nghiên cứu các phương pháp vi phẫu được trình bày ở hội thảo…

Hơn 5 năm học ở nước bạn trở về, anh áp dụng ngay phương pháp sử dụng vạt da siêu mỏng (super – thin flap) cho những ca phẫu thuật cằm cổ. Đây là một phương pháp mới nên ngay khi tiến hành đã gặp một số rủi ro nhưng anh không bao giờ nản chí. Càng thất bại anh càng lao vào nghiên cứu để khắc phục. Sau những nỗ lực không ngừng, anh đã thực hiện thành công hai ca vi phẫu cằm cổ.

Cho đến khi quyết định làm vi phẫu thay nửa gương mặt của chị Loan, TS. Vũ Quang Vinh thực sự rất lo lắng bởi đây là ca vi phẫu sử dụng vạt da siêu mỏng lần thứ ba nhưng là ca đầu tiên được tiến hành trên mặt nên áp lực rất lớn, không ai có thể lường trước được hậu quả.

Cho đến khi ca phẫu thuật thành công, gây được tiếng vang không chỉ trong nước mà còn được bạn bè quốc tế đánh giá cao, nó đã mở ra một bước tiến mới trong sự nghiệp y học của anh.

Hiện tại, dù đã có những thành công nhất định trong sự nghiệp nhưng TS. Vũ Quang Vinh vẫn không ngừng học hỏi để nâng cao tay nghề. Anh đang nghiên cứu về phương pháp ghép mặt tử thi (lấy những bộ phận không thể tái tạo như mắt, xương… của người khác) để tái tạo lại gương mặt. Đó là một dự định lâu dài nhưng anh tin tưởng mình sẽ làm được…

Tôi bước ra khỏi phòng TS. Vũ Quang Vinh khi chiếc điện thoại réo inh ỏi, màn hình hiện lên số điện thoại của một người bố từng có con bị bỏng hóa chất trong khi thực hành môn Hóa học ở Sa Pa – Lào Cai, đó là anh Châu A Tàu, một giáo viên từng khóc cạn nước mắt khi cậu con trai lớn bị tai nạn hóa chất cháy cả gương mặt và cằm cổ đã được chính TS. Vinh phẫu thuật cách đây gần 1 năm. Anh A Tàu bảo rằng: “Hiện tại, sức khỏe của Dũng rất khả quan, sắp tới, gia đình sẽ đưa Dũng xuống Viện Bỏng để các bác sĩ kiểm tra. Và sẽ không lâu nữa, Dũng có thể đến trường…”. Tôi không nói với TS. Vinh về điều này nhưng tôi tin khi anh A Tàu đưa Dũng xuống Hà Nội, nhìn thấy thành quả của mình, chắc chắn anh sẽ rất hạnh phúc…    

Nông Mạnh Cường

Gửi thảo luận