Trang chủ » Y dược học » Thuốc: Hãy cẩn trọng với "con dao hai lưỡi"

Thuốc: Hãy cẩn trọng với "con dao hai lưỡi"

Bất cứ thuốc nào cũng có khả năng gây ra dị ứng, kể cả thuốc thuộc nhóm thông thường nhất như vitamine mà trong dân gian thường gọi là thuốc bổ. Khi có dị ứng thuốc, nhất thiết phải được khám bởi bác sĩ chuyên khoa, không nên tự ý điều trị và tuyệt đối không bao giờ dùng lại thuốc đã gây dị ứng.
 
Dị ứng thuốc
 

Trong cơ thể con người từ khi sinh ra đến tuổi già đều có những khả năng kỳ diệu, đó là thích ứng với mọi điều kiện, hoàn cảnh của  môi trường bên ngoài, kể cả các chất đưa vào cơ thể được gọi là thuốc. Sự thích ứng này nhờ hệ thống mạng lưới của các tế bào, của các mô, các tuyến và các cơ quan trong cơ thể. Sự thích ứng này được các nhà khoa học gọi chung là hệ thống miễn dịch. Khi hệ thống miễn dịch bị phá vỡ, để chống lại một số chất có hại cho cơ thể, trong đó có thuốc, cơ thể có hiện tượng phản ứng dị ứng hay còn gọi là phản ứng quá mẫn, đưa đến những triệu chứng từ cảm giác khó chịu, nổi mề đay cho đến tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Tùy thuộc vào cơ địa và sức khỏe của mỗi người, tùy vào môi trường chung quanh ảnh hưởng khi dùng thuốc, tùy vào đường đưa thuốc vào cơ thể và khả năng dung nạp thuốc của từng người mà dị ứng có những biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên, để tiện cho cho việc xác định dễ dàng, các nhà khoa học chia thành 2 nhóm.
 
Đầu tiên là nhóm có yếu tố gây ra phản ứng dị ứng thuốc do liên quan đến người bệnh, do có tiền sử từ cá nhân hay gia đình. Trong y học, người ta thấy rằng dị ứng thuốc có khả năng liên quan đến yếu tố di truyền. Do đó, khi cần điều trị bằng thuốc, nhân viên y tế thường xuyên khai thác tiền sử dị ứng thuốc của bản thân và gia đình người bệnh. Dị ứng thuốc còn liên quan đến yếu tố về tuổi tác, trẻ em thì ít bị dị ứng hơn người lớn, do chức năng sinh lý cũng thay đổi theo từng lứa tuổi. Cùng một lúc sử dụng nhiều thứ thuốc cũng có thể gây dị ứng cao, vì các thuốc có khả năng phản ứng chéo.
 
Nhóm thứ hai là nhóm gây dị ứng có liên quan đến  bản chất của thuốc, do cấu trúc hóa học, trọng lượng phân tử, cách pha chế, điển hình là nhóm thuốc kháng sinh là thường gây dị ứng như penicillin, streptomycine…, do cách sử dụng  như thuốc bôi ngoài da thì ít gây dị ứng hơn thuốc dùng đường tiêm – truyền hay uống; hay cách điều trị: nếu trị dài ngày thì khả năng gây ra phản ứng dị ứng cao hơn là điều trị ngắn ngày…
 
Các triệu chứng
 
Dị ứng thuốc thường đa dạng và phức tạp, với biểu hiện thường gặp như ngứa, nổi mề đay, ửng đỏ da, ban xuất huyết, có thể lên cơn sốt, hen suyễn, ngầy ngật khó chịu, chóng mặt, buồn nôn… Cho đến các biểu hiện bệnh lý nặng hơn như; sốc phản vệ, hội chứng Stevens – Johnson, sốt do thuốc, co giật do thuốc, độc cho gan thận… Sốc phản vệ là một biểu hiện thường gặp trong dị ứng nhất là do dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm, truyền máu và các dung dịch thay thế máu, dung truyền dạng đạm, một số thuốc đặc biệt như vitamin B1, chất cản quang, là một phản ứng xảy ra tức thì, với các biểu hiện như vã mồ hôi, nổi mề đay, ngứa, phù mạch, xanh tím, bứt rứt khó chịu, ảo giác, tiêu tiểu không tự chủ, rối loạn nhịp nhanh, tụt huyết áp, khó thở phù thanh quản, ngất, không đo dược huyết áp dẫn đến trụy tim mạch suy hô hấp, nếu không cấp cứu kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
 
Hội chứng Stevens – Johnson: hội chứng nặng thường xảy ra do dùng các thuốc như: sulfonamides, penicilline, bactrim, tetracilline, thuốc chống co giật, pyrazolines, phenylbutazole, phenothiazine… với những tổn thương da, đỏ da, nổi mụn phỏng, bóng nước, tổn thương loét, loét một phần hoặc toàn bộ niêm mạc miệng, mũi, mắt, bộ phận sinh dục, kèm theo các triệu chứng toàn thân như sốt cao, đau nhức toàn thân, nhất là đau các khớp, nhức đầu, nôn, tiêu chảy và ho… Đây là trường hợp rất nặng người bệnh phải nhập viện để điều trị.
 
Sốt do thuốc: thường gặp sau khi dùng thuốc kháng sinh nhất là nhóm beta-lactamin, quinidine, procanamide, thuốc hạ huyết áp như: alpha-methyldopa… do ảnh hưởng của thuốc tới việc điều hòa thân nhiệt nên có hiện tượng sốt xuất hiện, nhưng không tương xứng với tình trạng nhiễm trùng, tăng bạch cầu ái toan… gặp trường hợp này thì ngưng thuốc đang dùng.
 
Co giật do thuốc: một số thuốc khi dùng người bệnh bị dị ứng gây ra co giật, thường gặp nhất là các thuốc có tác dụng lên thần kinh trung ương, với biểu hiện như rung các chi, rung thân mình hoặc mặt, đôi khi gây mất tri giác, nếu nặng hơn có thể gây tiêu tiểu không tự chủ, xanh tím, ngưng thở, tự cắn vào lưỡi…. Gặp trường hợp này cần giữ cho bệnh nhân không bị té, không cắn vào lưỡi, cho nằm thẳng, mặt nghiêng, lau đàm giải và khai thông đường thở, tránh ánh sáng, tránh kích thích, chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất.
 
Độc tính trên gan – thận do thuốc: nguyên nhân do thuốc có quá trình chuyển hóa và đào thải qua gan hay thận. Trường hợp này thường gặp ở nhóm người có nguy cơ cao như người lớn tuổi, người có suy thận trước khi dùng thuốc hoặc hẹp động mạch thận, người uống thiếu nước hay mất nước do nôn ói hay tiêu chảy hoặc tụt huyết áp… Các thuốc có nguy cơ độc trên gan – thận cao như kháng sinh nhóm aminoglycosides thuốc thường dùng là streptomycine, gentamycine, nhóm giảm đau-hạ nhiệt như paractamol, các thuốc điều trị cao huyết áp theo cơ chế ức chế men chuyển, các thuốc kháng viêm không có sterois (NSAIDs)…
 
Phòng ngừa dị ứng
 
Trước hết, mỗi người trong chúng ta đều phải có ý thức là thuốc là con dao hai lưỡi, chỉ dùng khi thật cần thiết, đúng chỉ định. Cũng cần bỏ quan niệm sai lầm: mệt vô nước biển là khỏe liền, nhưng thực tế đằng sau nó quá nhiều nguy hiểm. Nhân viên y tế phải tìm hiểu khai thác tiền sử dị ứng thuốc của bản thân và gia đình người bệnh, khi thăm khám bệnh, khi cấp bán thuốc và ngay tại lúc cho dùng thuốc, bản thân người bệnh nếu biết mình dị ứng với thuốc nào thì cần báo cho nhân viên y tế, nhờ ghi vào sổ sức khỏe cá nhân để theo dõi.
 
Đối với những thuốc hoặc nhóm thuốc thường xảy ra dị ứng, ngành Y tế đã quy định nhân viên y tế phải thực hiện các phương pháp thử phản ứng ngay trước khi sử dụng thuốc đó. Người thầy thuốc cần hướng dẫn bệnh nhân các triệu chứng phát hiện sớm phản ứng dị ứng như dùng thuốc uống, thoa hay tiêm khi vào cơ thễ thấy xuất hiện dấu hiệu gây khó chịu hoặc bất thường thì phải báo ngay, và lúc tiêm hoặc truyền thuốc phải thực hiện tại cơ sở y tế có đầy đủ thuốc và phương tiện cấp cứu khi sốc xảy ra. Để đề phòng độc tính trên thận, nên dùng liều thích hợp với chức năng thận của từng người bệnh, hướng dẫn bệnh nhân uống nhiều nước khi dùng thuốc và uống đủ lượng nước hàng ngày, xét nghiệm máu và nước tiểu trước trong và sau quá trình dùng thuốc, khi phát hiện có dấu hiệu thuốc gây độc tính trên thận thì ngưng ngay thuốc.
 
Trong những năm gần đây, nhờ những tiến bộ của khoa học, nên hàng loạt thuốc mới đã ra đời, nhằm đạt được hiệu quả trong điều trị cũng như phòng bệnh và góp phần gần nâng cao sức khỏe, bên cạnh đó dị ứng thuốc cũng xuất hiện ngày càng nhiều, cho nên việc thận trọng với “con dao hai lưỡi” là điều không thể thiếu được đối với mọi người.

Gửi thảo luận